Tháng 8/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) về việc Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ phối hợp với Cảnh sát Đô thành Luân Đôn, Vương quốc Anh tịch thu tượng đồng Nữ thần Durga, có nguồn gốc Việt Nam từ một vụ điều tra buôn bán cổ vật bất hợp pháp và đề xuất khả năng trao trả cổ vật này về Việt Nam. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, đối sánh tư liệu và xác định tượng đồng Nữ thần Durga và đề xuất phương án tiếp nhận, hồi hương pho tượng này.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ VHTTDL, sau rất nhiều nỗ lực của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các nhà tài trợ, cùng sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ VHTTDL (Cục DSVH, Cục HTQT, Vụ KHTC…), Bộ Ngoại giao (ĐSQVN tại Vương quốc Anh, ĐSQVN tại Hoa Kỳ,…), Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; Tổng cục Hải quan…), ngày 18/6/2024, tượng đồng Nữ thần Durga đã được vận chuyển an toàn về lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 01 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tượng đồng Nữ thần Durga là pho tượng đồng lớn nhất, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Champa được phát hiện cho đến nay, là cổ vật thuộc loại quý hiếm, có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử ra mắt công chúng.
Sau khi công bố, tượng đồng Nữ thần Durga sẽ được hoàn thiện hồ sơ pháp lý, bảo quản và tiếp tục nghiên cứu để trưng bày, giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 – 2024), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Nhà sưu tập Đào Danh Đức tổ chức trưng bày chuyên đề: “Báu vật Champa – Dấu ấn thời gian”.
Trưng bày gồm 2 phần: Phần 1 là tượng và linh vật tôn giáo; phần 2 là đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng tôn giáo, quyền uy hoàng tộc.
Phần 1 sẽ giới thiệu một số hiện vật tiêu biểu như: tượng thần Shiva, tượng nam thần, nữ thần, tượng thần Ganesha, tượng Phật, tượng Bồ tát Avalokitesvara, Linga – Yoni, kosalinga, đầu thần Shiva, tượng bò thần Nandin… bằng chất liệu vàng, bạc gắn đá quý.
Như những quốc gia cổ khác trong khu vực, Champa tiếp nhận và chịu ảnh hưởng cả hai tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo và Phật giáo. Vì vậy, phổ biến nhất trong di sản Champa là các tượng thần, Phật và linh thú, linh vật của hai tôn giáo này.
Dây chuyền trang trí hình thần Shiva và hình bò thần Nandin được chế tác từ vàng và đá quý từ thế kỷ 17-18.
Các trang sức như vòng tay, nhẫn, mặt dây chuyền, mũ hình thần Shiva, hình bò thần Nandin, hình rắn thần Naga cũng đều được chế tác tỉ mỉ với chất liệu từ vàng, bạc và đá quý.
Phần 2 giới thiệu những hiện vật thuộc loại hình đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng quyền uy hoàng tộc và tôn giáo, gồm: khuyên tai, nhẫn, dây chuyền, trâm cài tóc, lược, vòng tay, bao tay, thắt lưng, hộp đựng đồ trang sức, các đồ đội dạng mũ, vương miện, bịt tóc… được trang trí những biểu tượng mang tính tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống của nghệ thuật Champa, đặc biệt là các vị thần Hindu giáo như: thần Brahma, thần Visnu, thần Shiva, thần Ganesha, bò thần Nandin, chim thần Garuda, rắn thần Naga…
Như những quốc gia cổ khác trong khu vực, Champa tiếp nhận và chịu ảnh hưởng cả hai tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo và Phật giáo. Vì vậy, phổ biến nhất trong di sản Champa là các tượng thần, Phật và linh thú, linh vật của hai tôn giáo này.
Trưng bày diễn ra từ ngày 28/8/2024 đến tháng 10/2024.
Nguồn: https://toquoc.vn/chiem-nguong-co-vat-tuong-nu-than-durga-va-bau-vat-champa-20240828134406506.htm