Ngày 8-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho hay công an đang điều tra vụ mất trộm một số cổ vật tại không gian trưng bày Thiên đường Tây Nguyên Gia Lai.
Camera ghi hình hai thanh niên trộm cổ vật trên ghế vua voi Tây Nguyên
Các cổ vật bị trộm bao gồm các lao thú kim loại cùng một chiếc ché cổ.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, đơn vị đã nhận được báo cáo vụ việc và đang phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý.
Được biết, vụ trộm xảy ra vào đêm 27-3. Thời điểm trên có hai thanh niên lẻn vào khu trưng bày nhà voi và ghế xương voi rồi tháo một chiếc lao trên ghế xương voi.
Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng kiểm tra thì phát hiện ngoài cây lao trên ghế xương voi, khu trưng bày còn bị trộm mất một chiếc ché cổ cùng hai mũi lao cổ.
Chiếc ghế xương voi này là điểm nhấn của không gian trưng bày, đây là hiện vật độc nhất của vua voi Tây Nguyên.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Minh Tâm, chiếc ghế xương voi được làm bằng xương voi trắng với niên đại 700. Được trưng bày kèm bộ sưu tập dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng vô cùng độc đáo.
Được biết, vào tháng 12-2023, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty TNHH Việt Mốt, nhà nghiên cứu Đặng Minh Tâm triển khai không gian trưng bày Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai. Không gian trưng bày kéo dài 1 năm, đặt tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku.
Tại đây, hàng ngàn cổ vật được nhà sưu tập Đặng Minh Tâm mang tới trưng bày, giới thiệu đến công chúng nếp sống, sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên.
Các cổ vật gồm công cụ dệt, các loại nỏ săn bắn, các nhạc cụ dân tộc, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, thổ cẩm đặc trưng của các tộc người, vườn tượng gỗ, sưu tập ghè, ché cổ, trống da trâu… và các hiện vật khác trong đời sống các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên.
Trao đổi với phóng viên, nhà sưu tập Đặng Minh Tâm nói hiện Công an TP Pleiku đang hỗ trợ tối đa trong công tác điều tra để sớm tìm ra manh mối, thu hồi cổ vật.
Theo ông Tâm, nhiều cổ vật trong số này được ông bỏ thời gian hơn 40 năm sưu tập.
Săn và thuần dưỡng voi rừng là phong tục truyền thống của nhiều dân tộc Tây Nguyên. Trước khi săn voi, các thợ săn tổ chức lễ cúng long trọng để xin phép “vua voi”. “Vua” sẽ ngồi trong chiếc ghế làm bằng xương voi để làm lễ, thực hiện các nghi thức cúng thần linh. Chiếc ghế này gồm nhiều đoạn xương voi rất lớn kết bằng dây rừng và trang trí thêm lao móc, dây thừng để tăng vẻ dũng mãnh và trang trọng cho buổi lễ.