Ngày 2.4, bác sĩ chuyên khoa 2 Quách Ngọc Minh, Phó trưởng khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết sau khi thăm khám bác sĩ phát hiện bé trai có dị vật tại vị trí miệng thực quản. Qua hình ảnh X-quang cho thấy kim tây đã bung ra. Mặc dù gặp khó khăn trong quá trình nội soi nhưng các y bác sĩ đã nỗ lực để lấy dị vật ra. Dị vật là chiếc kim tây có chiều dài khoảng 3 cm tại miệng thực quản.
Chị K.M (mẹ bé H.) bất ngờ khi biết con có dị vật trong thực quản. Bởi trước đó, H. sốt cao, uống thuốc tại nhà không khỏi, chị M. đã đưa con đến cơ sở y tế địa phương thăm khám nhưng không ghi nhận gì lạ.
Bác sĩ Quách Ngọc Minh cho biết, bệnh viện cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ nuốt dị vật tương tự do trẻ hiếu kỳ, thường cho vật thể lạ vào miệng, đặc biệt là các đồ vật kích thước nhỏ.
Một số trường hợp nguy hiểm bệnh viện từng tiếp nhận và xử lý như trẻ nuốt đinh nhọn, chuỗi kim loại nhỏ có gắn nam châm, nuốt chìa khóa… Tương tự, dị vật đường thở cũng là một tình huống cấp cứu thường gặp ở trẻ. Hậu quả của nó có thể đe dọa đến tính mạng, do dị vật làm tắc nghẽn đường thở dẫn đến thiếu oxy.
Bác sĩ Minh lưu ý phụ huynh cần sát sao trong quá trình chăm sóc trẻ. Khi ăn cần nhắc trẻ ngồi thẳng và có sự quan sát của người lớn. Hướng dẫn trẻ nhai kỹ thức ăn, không la hét, cười giỡn hay chạy nhảy khi đang ăn. Đồng thời, cần để các vật dụng, đồ chơi kích thước nhỏ ra xa tầm tay các con.
“Người nhà không nên để trẻ đùa giỡn, quấy khóc trong lúc ăn để tránh trường hợp hóc dị vật, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Trong trường hợp trẻ nuốt hay hóc dị vật, người nhà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa”, bác sĩ Minh khuyến cáo.