Đó là câu chuyện mà ông Hoàng Nam Tiến – con trai út của thiếu tướng Hoàng Đan và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh – kể trong buổi ra mắt cuốn sách Thư cho em chiều 13-4 tại Hà Nội. Buổi ra mắt sách đặc biệt thu hút đông người tham dự, đặc biệt là người trẻ.
Chuyện chiếc bát vỡ cũng được ông Tiến kể trong cuốn Thư cho em – cuốn sách ông Tiến viết về mối tình của ba mẹ mình qua hơn 400 lá thư ông bà đã gửi cho nhau suốt mấy chục năm vợ chồng xa cách vì chiến tranh mà gia đình còn giữ được.
Tướng Hoàng Đan – người chồng, người cha khác biệt
Ông Hoàng Nam Tiến kể năm 1972, ông mới lên ba. Trong bữa cơm gia đình trước khi ba đi chiến dịch, bé Tiến (tên ở nhà thường gọi là Hải) đánh rơi chiếc bát sứ Hải Dương được coi là quý thời chiến tranh, bao cấp vô cùng gian khổ ấy. Cậu bé ba tuổi vô cùng hoảng hốt, sắp khóc.
Thấy vậy, “ba Đan” cầm chiếc bát sứ của mình lên rồi thả rơi xuống đất. Chiếc bát vỡ tan. Sau tiếng bát vỡ là tiếng cười giòn tan của cả hai cha con.
Không dừng lại ở đó, ông Hoàng Đan vào chạn lấy thêm bốn chiếc bát sứ Hải Dương nữa, thả rơi từng cái để đổi lấy tiếng cười khanh khách của con thơ.
Đây là điều vô cùng khác biệt ở ba, để lại cho ông Tiến một bài học giáo dục con cái rất lớn. Với các con, tướng Hoàng Đan dạy dỗ cẩn trọng, rèn luyện nghiêm khắc, nhưng vô cùng dịu dàng, thương yêu.
Ông Tiến kể mỗi mùa hè ông lại được ba đưa lên doanh trại quân đội của ba để sống cùng các chú bộ đội.
Cho nên ông Tiến 10-11 tuổi đã biết bắn nhiều loại súng, biết lái xe năm 12 tuổi, biết sơ cứu người bệnh, người bị thương…
Không những bản thân rất ấm áp, tình cảm với các con, tướng Hoàng Đan còn nhẹ nhàng chỉ dẫn cho người vợ chịu nhiều vất vả nên có phần khắt khe của mình biết quan tâm, trìu mến với các con hơn.
Ông Tiến kể mẹ ông trưởng thành trong một môi trường cực kỳ khó khăn (gia đình sa cơ nên bà phải đi ở khi mới lên 8 tuổi), nên bà rất khắt khe với con cái và với chính mình. Cho nên anh chị của ông Tiến lớn lên trong giáo dục khắt khe của mẹ.
Thấy vậy, “ba Đan” đã viết thư cho vợ, hỏi vợ có quan tâm đến các con, có trìu mến với các con không.
Đó là năm 1962, khi ông Hoàng Đan đang đi học ở Liên Xô. Trong một lá thư gửi vợ, ông kể cho vợ nghe câu chuyện trong nghiên cứu tâm lý học tại Mỹ năm 1958 mà ông đã đọc được.
Một con khỉ con vừa mất mẹ được đưa vào một căn phòng, trong đó người ta để một con khỉ làm bằng bông, và một con khỉ bằng gỗ. Kết quả, con khỉ con chỉ ôm con khỉ làm bằng bông, chứ không ôm con khỉ làm bằng gỗ.
Câu chuyện cho thấy con khỉ cũng muốn cái gì đó ấm áp, mềm mại. Con người tất nhiên càng như vậy.
Kể từ lá thư ấy, mẹ ông Tiến thay đổi nhiều trong giáo dục các con. Khi có thai ông Tiến thì mẹ ông đã bắt đầu biết xoa bụng để nói chuyện với con.
Khi ông Tiến ra đời thì mẹ ông thường xuyên xoa lưng, bóp chân, đọc Kiều cho con trai út nghe, cho tới tận những ngày cuối đời của bà.
Vị tướng yêu quân và lời quát nạt: “Các anh đánh thế này thì mẹ Việt Nam đẻ không kịp”
Yêu thương vợ con bằng một tình yêu trìu mến và lớn lao, tướng Hoàng Đan cũng yêu lính của mình bằng một tình yêu như vậy, như một người anh, người cha.
Mặt trận Vị Xuyên trong chiến tranh biên giới vô cùng ác liệt, nhất là năm 1984. Bộ đội ta hy sinh nhiều quá, khiến vị tướng già dày dặn kinh nghiệm trận mạc vô cùng đau xót.
Ông đã giận dữ quát lên với các chỉ huy ở đây: “Các anh đánh thế này thì mẹ Việt Nam đẻ không kịp”.
Ông Tiến kể bao năm chiến trận, ba ông luôn tâm niệm với một người chỉ huy, ngoài chiến thắng thì phải luôn ghi nhớ mỗi một người lính ngã xuống là một người con, người cha, người anh… trong một gia đình.
Một người lính ngã xuống với một trận đánh là tổn thất nhỏ, nhưng với mỗi gia đình đó là mất mát không gì bù đắp được.
Cho nên, khi ông Tiến lên Vị Xuyên còn được những người lính kể chuyện ba ông năm xưa khi chỉ huy ở đây, bị đau chân mà vẫn chống gậy mây đi vào hang cách địch chỉ vài trăm mét để động viên bộ đội.
Khi ông đã là thiếu tướng vẫn kê những thùng đạn để ngồi cùng lính rất đơn sơ, thân tình.