Tìm được tiếng nói chung
Vu Gia – Thu Bồn là 1 trong 10 lưu vực sông lớn nhất Việt Nam và có lượng mưa trung bình lưu vực lớn nhất Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế, tài nguyên nước trên lưu vực không dồi dào do luôn phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng gây mất an ninh nguồn nước.
Việc phân bố dòng chảy không đều giữa mùa mưa, mùa khô và dưới tác động gia tăng của BĐKH làm cho mưa được dự báo tăng trong mùa mưa, giảm trong mùa khô. Đi kèm với đó là quá trình mặn hóa, xâm thực bờ biển, ngập lụt và sạt, lở bờ sông ngày càng diễn biến phức tạp hơn trước.
Kinh tế xã hội phát triển cùng với đô thị hóa, công nghiệp hóa, tăng dân số làm gia tăng yêu cầu cấp nước cả về số lượng và chất lượng, gia tăng các hoạt động xả thải nhất là nước thải chưa được xử lý đúng quy chuẩn kỹ thuật… gây sức ép lên chất lượng nguồn nước để sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Nghiêm trọng hơn, việc xây dựng các công trình thuỷ điện trên sông Vu Gia – Thu Bồn dẫn đến tình trạng nhiễm mặn sông Vu Gia ở hạ lưu thủy điện Đắk Mi 4 và hạ lưu đập dâng An Trạch đã trở nên gay gắt. Điều này dẫn đến việc tranh chấp nguồn nước giữa 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện vẫn diễn ra suốt những năm vừa qua mỗi khi mùa khô về.
Từ những thách thức trên, tháng 12/2016 Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (gọi tắt là Ban điều phối) đã được thành lập sau thỏa thuận giữa UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam. Ban điều phối này đã trở thành mô hình điểm về phối hợp quản lý lưu vực sông giữa hai địa phương được Bộ TN&MT cùng nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Thành quả nổi bật sau thời gian thử nghiệm là giữa các bên liên quan của hai địa phương đã tìm được tiếng nói chung, phối hợp chặt chẽ trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Qua đó, giảm đáng kể các căng thẳng, tranh chấp về tài nguyên nước trên lưu vực, thúc đẩy hợp tác để cùng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực hiệu quả, tiết kiệm, đa mục tiêu, hài hòa lợi ích giữa các bên, đảm bảo cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn và hạn chế thấp nhất các tác hại do nước gây ra.
Minh chứng rõ nét nhất cho quá trình chia sẻ nguồn nước là việc hai địa phương thống nhất đắp đập tạm tại ngã ba sông Quảng Huế (thuộc địa bàn Quảng Nam). Giải pháp công trình này đã tăng cường nguồn nước về sông Vu Gia, góp phần đẩy mặn tại sông Cầu Đỏ, đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du Vu Gia.
Từ khi có Ban điều phối với sự đồng thuận giữa hai địa phương mà Chính phủ đã trao quyền cho UBND TP. Đà Nẵng được quyền quyết định điều hành xả nước, đảm bảo cấp nước cho Đà Nẵng trong tình huống “12 giờ liên tục độ mặn nước sông Vu Gia tại cửa lấy nước Nhà máy nước Cầu Đỏ lớn hơn 1.000mg/lít”.
Xem xét thành lập tổ chức quản lý lưu vực sông
Sau 5 năm hoạt động thử nghiệm (2017-2022), đến ngày 11/9/2023, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – Lê Quang Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Hồ Quang Bửu tiếp tục cùng ký “Thỏa thuận về phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng trong thời gian đến” nhằm tiếp tục thiết lập thử nghiệm một thể chế liên tỉnh, thành phố để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Hồng An – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho rằng, để luật hóa mô hình này, Sở TN&MT đề nghị Bộ TN&MT xem xét thành lập Tổ chức quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để 2 địa phương có cơ sở triển khai các bước thủ tục tiếp theo theo quy định. Đồng thời, trao quyền cho các địa phương quyết định điều phối trên lưu vực sông không liên quốc gia với sự tham gia của các bên liên quan cho chủ động, trường hợp các địa phương không thống nhất được thì trình Bộ TN&MT quyết định.
“Ngoài ra, cần buộc các tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm tham gia xây dựng hoặc đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định để vận hành hồ chứa, liên hồ chứa bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng với đó, cần mở rộng phạm vi quy định trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng để ứng phó với suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn, hạn hán và các nguy cơ khác gây thiếu nước sinh hoạt ở vùng hạ du có liên quan đến việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa”, ông Nguyễn Hồng An đề nghị.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị Ban điều phối sớm tham mưu UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam sớm ban hành văn bản đồng kiến nghị Bộ TN&MT thành lập Tổ chức quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 1-2-2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đây là yêu cầu khá quan trọng, trong bối cảnh một lưu vực sông nhưng nguồn nước thủy điện thì Bộ Công Thương quản lý, nguồn nước tưới tiêu Bộ NN&PTNT quản lý, nguồn nước chảy bình thường do Bộ TN&MT quản lý.
“Chúng ta cần có một tổ chức rõ ràng để quản lý, chịu trách nhiệm và điều tiết được cả lưu vực sông. Một số nước trên thế giới, một dòng sông là có một công ty quản lý hết. Hiện nước ta không có mô hình này. Ban điều phối phải tham mưu được việc này”, ông Bửu đề nghị.
“Chúng tôi đánh giá cao mô hình Ban điều phối quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam – Đà Nẵng. Đây là mô hình hay. Dù chưa đưa mô hình này vào trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhưng chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin về mô hình này trong quá trình giải trình, tiếp thu khi nói về tổ chức quản lý lưu vực sông trong thời gian tới”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy nói.