Xem phát triển năng lượng tái tạo là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ đang hướng đến mục tiêu xây dựng tương lai dựa trên các nguồn năng lượng không hóa thạch, bao gồm: mặt trời, gió, hạt nhân và thủy điện.
Tại Hội nghị và Triển lãm Nhà đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu (RE-INVEST) lần thứ 4 ở thủ phủ Gandhinagar, bang miền Tây Gujarat, Thủ tướng Ấn Độ Modi nêu rõ: “Ấn Độ ngày nay đang chuẩn bị cơ sở không chỉ cho hôm nay mà cho cả ngàn năm tới. Ấn Độ nhận thức rất rõ về nhu cầu năng lượng và yêu cầu của mình để trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047. Chúng tôi không có trữ lượng dầu khí lớn, chúng tôi không phải là nhà sản xuất năng lượng. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào năng lượng mặt trời, gió, hạt nhân và thủy điện để đảm bảo tương lai của mình. Chúng tôi quyết tâm xây dựng con đường năng lượng bền vững phía trước”.
Người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ đã nêu bật lợi ích của Đề án Surya Ghar, cung cấp điện miễn phí cho 10 triệu hộ gia đình thông qua việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Đề án này giúp giảm chi phí điện cho chính phủ, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải carbon, tạo ra 2 triệu việc làm…
Hiện Ấn Độ đang hoạt động với tốc độ và quy mô lớn trong mọi lĩnh vực liên quan đến năng lượng tái tạo.
Trong thập niên qua, Ấn Độ đã tạo ra lượng điện từ năng lượng hạt nhân nhiều hơn 35% so với trước đây và Ấn Độ đang phấn đấu trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực hydro xanh”.
Đề cập đến cam kết của đất nước tỷ dân về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070, Thủ tướng Modi cho rằng, những khái niệm như “Tương lai xanh”, “Net Zero” không phải là những ngôn từ hoa mỹ, mà là nhu cầu và cam kết của chính quyền trung ương và chính quyền các địa phương của Ấn Độ.
Chủ đề trọng tâm của RE-INVEST 2024 là Sứ mệnh 500GW, nhấn mạnh đáng kể mục tiêu chiến lược của Ấn Độ là mở rộng công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. RE-INVEST không phải là một sự kiện riêng lẻ, mà là một phần trong kế hoạch hành động và tầm nhìn lớn hơn nhằm mục đích đưa Ấn Độ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047.
Giới chuyên gia đánh giá, Ấn Độ cũng có thể là một trung tâm lớn đối với chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo. Nguồn nhân lực và môi trường thân thiện với đầu tư khiến nơi đây trở thành cơ sở sản xuất lý tưởng cho các linh kiện như tấm pin mặt trời, pin và turbin gió.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, Ấn Độ đã đầu tư đáng kể và đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho năng lượng tái tạo, đồng thời lưu ý, nước này đã dành hơn 4 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngân sách quốc gia năm nay.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng ghi nhận, Ấn Độ đang chuyển sang một giai đoạn năng động mới trong quá trình phát triển năng lượng xanh, được đánh dấu bằng tham vọng dài hạn về lượng phát thải ròng bằng 0.
Là quốc gia lớn thứ 4 trên thế giới về công suất lắp đặt năng lượng tái tạo, Ấn Độ đặt mục tiêu củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo chuyển tiếp toàn cầu.
Ở Ấn Độ, năng lượng mặt trời, điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác không bao gồm thủy điện và năng lượng hạt nhân chiếm 30% tổng công suất phát điện và khoảng 14% tổng điện năng được tạo ra trong giai đoạn 2022-2023.
Năng lượng tái tạo chỉ đứng sau nhiệt điện về công suất phát điện và sản lượng điện. Trong những thập niên tới, tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo và sản lượng điện tại Ấn Độ dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân.
PHƯƠNG NAM
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chia-khoa-tang-truong-kinh-te-cua-an-do-post759645.html