Chuyển đổi số không chỉ là yếu tố cần thiết để du lịch Việt Nam tiếp tục đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách mà còn là cơ hội để nâng cao hiệu suất hoạt động, tăng trưởng doanh thu. Trong đó, việc phát triển nhân sự là một trong những chìa khóa quan trọng để đưa ngành du lịch Việt Nam tiến bước mạnh mẽ vào tương lai số.
Phát triển du lịch thông minh là xu thế tất yếu
TS. Nguyễn Tư Lương, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, phát triển du lịch thông minh được nhận định là định hướng quan trọng, giúp ngành Du lịch đi theo xu hướng tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Cùng với sự đầu tư xây dựng hạ tầng số và các ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, du lịch Việt Nam đang có những bước chuyển mình quan trọng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực du lịch chưa đảm bảo do vẫn còn thiếu kiến thức, kỹ năng và năng lực để tham gia phát triển du lịch thông minh một cách hiệu quả.
Việc phân tích bối cảnh, học tập kinh nghiệm của những quốc gia thành công trong phát triển du lịch thông minh để làm cơ sở cho đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam là một nhiệm vụ cấp thiết, có tính thời sự và có tính khả thi cao.
Theo TS. Nguyễn Tư Lương, đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch thông minh là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng và năng lực cho các cá nhân hoạt động trong ngành Du lịch, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Du lịch thông minh.
Ngoài những kiến thức, kỹ năng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ du lịch theo yêu cầu của vị trí việc làm, để phát triển du lịch thông minh còn các yêu về công nghệ, về IoT, AI, Blockchain, VR và AR, hiểu biết về Big Data và về an ninh thông tin và các biện pháp bảo mật có thể giúp bảo vệ thông tin cá nhân của du khách.
Ngoài ra, đào tạo nhân lực cho du lịch thông minh còn yêu cầu khác như năng lực phân tích và dự báo, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng sáng tạo và tư duy linh hoạt,… để có khả năng nắm bắt và áp dụng các công nghệ mới một cách hiệu quả, giúp tạo ra các trải nghiệm du lịch thông minh và tiên tiến, từ đó nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành Du lịch.
TS. Nguyễn Tư Lương cho rằng, quá trình phát triển du lịch thông minh gắn với thực tế về sự phát triển của ngành Du lịch và quá trình tiếp cận cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 của Việt Nam với nhiều cơ hội thuận lợi, nhất là xu thế phát triển của du lịch trực tuyến trên phạm vi toàn cầu.
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều thách thức đặt ra: Sự thống nhất về tư duy, nhận thức và lợi ích giữa các bên liên quan; Sự nhất quán về chủ trương, chính sách về phát triển du lịch thông minh; Hệ thống dữ liệu du lịch chưa hoàn thiện; Hạn chế về nguồn lực của chính phủ lẫn các doanh nghiệp; Đội ngũ nhân lực về du lịch thông minh còn chưa được đào tạo chuyên nghiệp; Những quy định về phát triển kinh tế số và du lịch thông minh còn bộc lộ nhiều khoảng trống, không theo kịp thực tế phát triển của du lịch thông minh…
Căn cứ vào bối cảnh và xu thế phát triển du lịch thông minh, TS. Nguyễn Tư Lương cho rằng, công tác đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam cần tập trung: Xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch thông minh; Phát triển các chương trình đào tạo có chất lượng cao; Tăng cường hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp; Hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực cho du lịch thông minh và Xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược về đào tạo nhân lực cho du lịch thông minh.
Theo TS. Nguyễn Tư Lương, phát triển du lịch thông minh là một xu thế tất yếu, đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các nhà quản lý du lịch và các nhà phát triển công nghệ, các doanh nghiệp du lịch,…
“Để phát triển du lịch thông minh thành công, chúng ta cần có lộ trình khoa học, áp dụng các kinh nghiệm trên một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và bối cảnh cụ thể của trong mỗi giai đoạn phát triển, nhất là trước những xu thế mới trong phát triển công nghệ của thị trường du lịch quốc tế.
Để sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thông minh thành công, còn cần sự chung tay và quyết tâm của Chính phủ, của các ngành, các cấp với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch,… trong đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông”, TS. Nguyễn Tư Lương nêu quan điểm.
Chìa khóa quan trọng đưa ngành du lịch Việt Nam tiến bước vào tương lai số
ThS. Trần Chánh Băng, giảng viên Khoa Văn hóa – Du lịch và Công tác xã hội, Trường Đại học Đồng Tháp cho rằng, ngành du lịch tại Việt Nam đang trải qua một quá trình đáng chú ý trong việc thích ứng và áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh.
Mức độ ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực này ngày càng tăng, đặc biệt là qua các cụm từ như website đặt phòng trực tuyến, ứng dụng di động du lịch, hệ thống quản lý khách hàng (CRM), marketing trực tuyến, trí tuệ nhân tạo (AI), và thanh toán trực tuyến. Đối với việc đặt phòng, hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, và nhà hàng du lịch đều sở hữu website riêng để cung cấp thông tin chi tiết, hình ảnh, và cung cấp khả năng đặt phòng trực tuyến.
Cùng lúc đó, ứng dụng di động du lịch trở thành xu hướng, mang lại cho du khách tiện ích thông tin du lịch, đặt phòng nhanh chóng, và hướng dẫn chi tiết về các điểm đến. Ngoài ra, hệ thống quản lý khách hàng (CRM) giúp doanh nghiệp du lịch theo dõi và tương tác hiệu quả với khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm và gửi thông tin khuyến mãi.
Theo ThS. Trần Chánh Băng, trong chiến lược quảng cáo và tiếp thị, ngành du lịch tận dụng mạnh mẽ các kênh trực tuyến như Facebook, Instagram, và Youtube để thu hút khách hàng. Mô hình này đã được minh chứng qua chiến dịch thành công “Live Fully in Vietnam” của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nhằm mục tiêu quảng bá hình ảnh đất nước.
Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo và chatbot đang là những công nghệ ngày càng phổ biến trong ngành du lịch Việt Nam.
“Công ty du lịch Vietravel là một ví dụ thành công khi sử dụng chatbot và trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi, và doanh thu. Thêm vào đó các ứng dụng nhận diện gương mặt (Face ID) cũng được Vinpearl ứng dụng. Ở Lĩnh vực ăn uống, các nhà hàng quy mô nhỏ và lớn cũng chuyển đổi cách vận hành và kinh doanh. Các ứng dụng quản lý như Cukcuk, iPOS, KiotViet,… dần phổ biến trong ngành ẩm thực…”, ThS. Trần Chánh Băng cho biết.
Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc đầu tư công nghệ và đào tạo nhân lực về chuyển đổi số là một thách thức. Đồng thời, cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các đối tác trong việc xây dựng môi trường thuận lợi để ngành Du lịch có thể tận dụng toàn diện ưu điểm của chuyển đổi số.
ThS Trần Chánh Băng cho rằng, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chuyển đổi số không chỉ là yếu tố cần thiết để du lịch Việt Nam tiếp tục đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách mà còn là cơ hội để nâng cao hiệu suất hoạt động, tăng trưởng doanh thu, và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Sự hợp tác giữa các bên liên quan, sự đầu tư đúng đắn vào công nghệ, và việc phát triển nhân sự là chìa khóa quan trọng để đưa ngành du lịch Việt Nam tiến bước mạnh mẽ vào tương lai số.
Ngành Du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, đòi hỏi nguồn nhân lực cần được trang bị những kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu phát triển, ThS. Trần Chánh Băng cho rằng, để đào tạo và phát triển kỹ năng nguồn nhân lực du lịch cần tăng cường đào tạo kỹ năng số; Nâng cao kỹ năng mềm; Áp dụng phương pháp đào tạo hiện đại; Phát triển chương trình đào tạo phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích người học tự học và phát triển bản thân; Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên.
ThS Trần Chánh Băng nhấn mạnh, sự thích ứng của ngành Du lịch với chuyển đổi số ngày càng trở nên quan trọng, và mối liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và phát triển kỹ năng đóng vai trò then chốt trong quá trình này. Đối với sinh viên ngành du lịch, việc nhận thức và áp dụng công nghệ số không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố quyết định đối với sự thành công trong sự nghiệp sau này.
Công nghệ số, từ Internet đến ứng dụng di động, đang thay đổi cách du khách tương tác với dịch vụ du lịch, và để đáp ứng, ngành cần nhân sự có kỹ năng phù hợp. Mối liên kết giữa đào tạo và phát triển kỹ năng là rất quan trọng trong việc đảm bảo rằng sinh viên ngành du lịch có đủ năng lực để làm việc trong môi trường chuyển đổi số. Quá trình đào tạo cần được thiết kế sao cho phản ánh rõ nhu cầu của thị trường lao động và đồng thời hỗ trợ sinh viên nâng cao kỹ năng cần thiết.
“Đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là việc cung cấp kiến thức về công nghệ mới mà còn là việc phát triển kỹ năng mềm, giao tiếp, và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, việc duy trì quá trình đào tạo liên tục cũng là yếu tố quan trọng để sinh viên ngành Du lịch không chỉ đáp ứng mà còn dẫn đầu trong sự chuyển đổi số. Với sự thích ứng linh hoạt và chiến lược đào tạo phù hợp, sinh viên ngành du lịch có thể định hình tương lai của mình, tận dụng cơ hội mà chuyển đổi số mang lại và xây dựng một sự nghiệp thành công trong ngành du lịch hiện đại”, ThS Trần Chánh Băng bày tỏ.