Đồng Nai là trung tâm chăn nuôi lớn của cả nước. Ngành chăn nuôi có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, việc phát triển chăn nuôi những năm qua cũng gây ra không ít hệ lụy, trong đó có ô nhiễm môi trường.
Bài 1: Chăn nuôi – cứ kiểm tra là ra vi phạm
Là “thủ phủ” của cả nước nhưng đến nay ngành chăn nuôi của Đồng Nai vẫn chủ yếu phát triển ở quy mô hộ gia đình, gia công cho các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn. Công tác đầu tư cho bảo vệ môi trường (BVMT) còn hạn chế.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (bìa trái) và lãnh đạo UBND tỉnh, UBND H.Long Thành đi thực tế tại trại heo của Công ty TNHH MTV Tám Do (H.Long Thành). Ảnh: H.LỘC |
Hệ quả là dịch bệnh xảy ra, đời sống người dân xung quanh bị ảnh hưởng.
* Tỷ lệ vi phạm khá cao
Năm 2022, các cơ quan chức năng cấp tỉnh kiểm tra công tác BVMT tại 64 cơ sở chăn nuôi lớn thì 46 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 72%. Các địa phương cấp huyện kiểm tra 264 cơ sở thì 129 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 49%. Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi trở thành bức xúc của nhiều người.
Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, đa phần cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đều có giấy phép hoặc báo cáo đánh giá môi trường, đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn, thu gom và tái sử dụng phân thải phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, còn nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô trung bình và nhỏ lẻ chưa đăng ký giấy phép môi trường, chưa đầu tư các công trình xử lý nước thải. Riêng khí thải là vấn đề “đau đầu” của hầu hết các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo.
Trang trại heo của Công ty TNHH MTV Tám Do (H.Long Thành) có hệ thống cho ăn tự động bằng chip điện tử, có chuồng lạnh, có hệ thống xử lý chất thải tương đối hiện đại. Nhưng do vận hành hệ thống xử lý nước thải không ổn định, xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường nên năm 2022, trang trại bị phạt gần nửa tỷ đồng kèm đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Tương tự, trại heo của Công ty TNHH Chăn nuôi Huỳnh Gia Phúc (H.Tân Phú) năm 2022 cũng bị xử phạt vi phạm hành chính gần 600 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động 6 tháng do chủ trại chưa đầu tư hạng mục xử lý nước thải theo giấy phép môi trường được cấp, xả nước thải chưa qua xử lý ra suối.
Tại H.Cẩm Mỹ, năm 2022, các cơ quan của huyện kiểm tra trang trại nào thì trang trại đó có vi phạm. Bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Phó trưởng phòng TN-MT huyện cho biết, năm qua, phòng nhận được 4 thông tin phản ánh của người dân. Qua kiểm tra, 1 cơ sở vi phạm xả chất thải chưa xử lý ra môi trường, 1 cơ sở chưa lắp đặt hệ thống xử lý nước thải theo giấy phép, 2 cơ sở nằm trong khu dân cư gây mùi hôi.
Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất cho rằng, trên địa bàn có nhiều cơ sở chăn nuôi không có giấy phép môi trường, vượt quy mô được cấp phép. Đáng chú ý, trong số cơ sở vi phạm môi trường có cả cơ sở chăn nuôi gia công cho các “ông lớn” trong ngành như: CP, CJ, Japfa, Bình Minh… Điển hình trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Đức tại ấp 3, xã Lộ 25 (H.Thống Nhất), tại thời điểm kiểm tra ngày 17-5-2022, chủ trại chưa được cấp giấy phép, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chăn nuôi vượt số lượng đăng ký gấp 2 lần.
* Khó xử lý dứt điểm
Thực tế tại các buổi tiếp xúc giữa cử tri, người dân với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, đối thoại với chính quyền, còn nhiều ý kiến liên quan vấn đề môi trường chăn nuôi. Có trường hợp cử tri, truyền thông phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, nhưng sau đó vẫn tái diễn.
Thống kê của Sở TN-MT, đến hết quý 1-2023, Đồng Nai có hơn 1,4 ngàn cơ sở chăn nuôi tập trung và khoảng 22,3 ngàn cơ sở chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ. Năm 2022, có 175/328 cơ sở chăn nuôi được kiểm tra có vi phạm quy định về môi trường, tỷ lệ vi phạm chiếm khoảng 48%. |
Nguyên nhân là do cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không theo quy hoạch và không không có giấy phép môi trường còn nhiều. Thời gian qua, ngành chăn nuôi đối mặt với các khó khăn như: dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, đầu ra bấp bênh… khiến việc tái đầu tư, duy trì các công trình BVMT bị hạn chế. Cũng có ý kiến cho rằng mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Ông Lê Văn Tưởng, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho biết, huyện nằm trong tốp đầu của tỉnh về chăn nuôi nhưng tỷ lệ chăn nuôi nông hộ và trang trại nhỏ chiếm đến 95%. Phần lớn các cơ sở này hình thành lâu năm, từ quy mô hộ gia đình phát triển lên trang trại, không có giấy phép, không đầu tư hoặc có đầu tư nhưng hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo dẫn đến vi phạm môi trường, rủi ro dịch bệnh.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng cho biết, trên địa bàn có 54 cơ sở chăn nuôi đang hoạt động nhưng chỉ có 8 cơ sở có giấy phép, 46 cơ sở còn lại “bỏ quên” việc đăng ký giấy phép môi trường. Theo quy hoạch phát triển đô thị tới đây, nhiều khu vực không còn phù hợp phát triển chăn nuôi. Năm 2021, huyện đã làm trước một bước là yêu cầu di dời vào vùng quy hoạch nhưng đến nay chưa thực hiện được vì chủ cơ sở cho rằng mức hỗ trợ di dời thấp, quỹ đất quy hoạch chăn nuôi không đủ để hoạt động.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, vấn đề của ngành chăn nuôi tỉnh hiện nay là các trang trại lớn đều nuôi gia công cho các DN, tập đoàn. Thay vì cùng chủ trại đầu tư, thực hiện tốt các quy định về BVMT thì đơn vị hợp tác lại phó mặc trách nhiệm cho chủ trại. Trong điều kiện giá cả bấp bênh, chi phí đầu vào tăng cao, chủ trại không có đủ nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhân công, chi phí vận hành hạng mục xử lý chất thải theo quy định.
Ông Công cho rằng, “siết” môi trường chăn nuôi là đúng nhưng trách nhiệm này phải được gắn với các DN, tập đoàn thuê người nông dân chăn nuôi gia công. Như vậy, vừa sòng phẳng, vừa có thêm nguồn lực đầu tư cho môi trường chăn nuôi.
Hoàng Lộc
Bài 2: Ô nhiễm nguồn nước, không khí vì chăn nuôi
.