TP – Tuyến đường sắt đô thị (metro) đầu tiên của TPHCM sẽ được vận hành thương mại vào cuối năm nay. Với những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình triển khai dự án này, TPHCM đang lên kế hoạch hoàn thiện quy hoạch hệ thống metro để từ đó đưa hạ tầng giao thông thành phố chuyển mình, xứng đáng với tầm vóc của một đầu tàu kinh tế cả nước trong vòng 10 năm tới.
Những bài học “quý hơn vàng”
Đã 12 năm trôi qua kể từ ngày tuyến metro số 1 TPHCM (Bến Thành – Suối Tiên) được khởi công xây dựng. Loạt khó khăn, vướng mắc khiến “siêu dự án” 47.000 tỷ đồng này lỡ hẹn và lùi thời gian về đích nhiều lần đã cơ bản được giải quyết. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR, chủ đầu tư), hiện nay, tổng tiến độ của dự án đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Ở những bước cuối cùng, các vướng mắc liên quan đến nhà thầu đã được tháo gỡ. Dự án sẽ được vận hành thương mại vào cuối năm nay.
Dự án metro số 1 TPHCM sẽ vận hành thương mại vào cuối năm nay Ảnh: Duy Anh |
Ông Nguyễn Quốc Hiển – Phó Trưởng ban phụ trách MAUR cho biết, nước ta hiện chỉ có 3 Ban Quản lý đường sắt đô thị gồm một ban của Bộ GTVT xây dựng tuyến Cát Linh – Hà Đông, một ban của UBND TP Hà Nội xây dựng tuyến metro số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội) và ban còn lại của UBND TPHCM xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Cả 3 tuyến metro khi triển khai xây dựng đều có một đặc điểm chung là kéo dài và đội vốn.
“Điều này chứng tỏ chúng ta đang gặp vướng mắc về hệ thống và nhiều vấn đề khác. Metro là dự án lớn, giá trị lên đến hàng tỷ đô la. Cả nước chỉ có vài dự án có vốn đầu tư tỷ đô. Về phần công nghệ với thế giới là không mới nhưng ở nước ta lại mới mẻ. Vì vậy, có thể nói đội ngũ làm metro ở cả 3 ban quản lý đều phải vừa học, vừa làm”, ông Hiển nhìn nhận.
Áp dụng bài học từ metro số 1, chủ đầu tư đang chuẩn bị “mặt bằng sạch” cho dự án metro số 2 Ảnh: Duy Anh |
Phó Trưởng ban phụ trách MAUR cho rằng, kinh nghiệm từ dự án metro số 1 sẽ tạo thành chuẩn mực để các tuyến metro tiếp theo ở TPHCM học tập kinh nghiệm. Cụ thể, bài học đầu tiên mà hiện nay tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đang học và triển khai là phải chuẩn bị mặt bằng sạch cả trên mặt đất lẫn dưới không gian ngầm.
“Giai đoạn 2030 – 2040, TPHCM sẽ hình thành 5 thành phố mới theo mô hình đô thị đa trung tâm. Metro sẽ là một trong những phương thức kết nối giải quyết điểm nghẽn về giao thông hiện nay, đồng thời giúp mô hình đô thị đa trung tâm triển khai thuận lợi hơn”.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi
“Khâu chuẩn bị mặt bằng phải khảo sát rất kỹ nhưng tuyến metro số 1 lại thiếu, quá trình nhà thầu thi công phát sinh hết chuyện này đến vấn đề kia khiến thời gian kéo dài, đội thêm vốn… Một dự án metro bình thường làm chừng 5 – 6 năm thôi nhưng chúng ta khởi công tuyến số 1 đến giờ đã 12 năm”, ông Hiển chia sẻ.
Tiếp theo là bài học về pháp lý. Đại diện chủ đầu tư cho rằng, tuyến metro số 1 bị dừng một thời gian là do vướng pháp lý, không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Bài học khác quan trọng không kém là công tác quản lý về hợp đồng. Rất nhiều vấn đề, vướng mắc ở dự án tuyến metro số 1 xuất phát từ trách nhiệm các bên không rõ ràng, phát sinh tranh cãi giữa các nhà thầu và giữa nhà thầu với tư vấn chung dẫn đến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.
Một góc depot Long Bình (TP Thủ Đức) Ảnh: Duy Anh |
“Các dự án metro đã và đang triển khai đều thực hiện theo Hợp đồng quốc tế (hợp đồng FIDIC). Riêng ở nước ta, khi thực hiện dự án metro phải đảm bảo hợp đồng FIDIC, vừa phải đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành trong nước. Có những việc nếu thực hiện theo hợp đồng FIDIC thì sẽ rất nhanh nhưng vì vướng quy định pháp luật nên phải lấy ý kiến chỗ này, xin ý kiến chỗ kia. Sắp tới cần tăng cường phân cấp, ủy quyền cho chủ đầu tư. Vướng cái gì cũng phải báo cáo, xin ý kiến sẽ làm ảnh hưởng đến nhà thầu và phát sinh khiếu nại, tốn kém”, ông Hiển dẫn chứng.
Cuối cùng, lãnh đạo MAUR cho rằng các dự án metro triển khai về sau cần quan tâm đến công tác vận hành, bảo trì và đào tạo. Công tác kết nối phải được tích hợp ngay từ đầu để giai đoạn cuối khi chuẩn bị vận hành sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
“Tăng tốc” hoàn thiện hệ thống metro
Ông Vũ Văn Vịnh – Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 thuộc MAUR cho biết, trong lúc tuyến số 1 đang tăng tốc để về đích thì dự án tuyến metro số 2 cũng đang trong quá trình thi công di dời hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị mặt bằng “sạch” phục vụ khởi công gói thầu chính cuối năm 2025. Hiện tại, đã có 584/586 trường hợp cần giải tỏa đồng thuận bàn giao mặt bằng, đạt tỷ lệ 99,6%. Các nhà thầu đã tổ chức thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí, trong đó có 10 vị trí nhà ga và 2 đoạn đào hở ở khu vực Bến Thành và khu vực ga Bà Quẹo. Trong năm 2024, MAUR phấn đấu cơ bản hoàn thành di dời các hạng mục chính như hạ tầng cấp, thoát nước ở tất cả vị trí nhà ga và trong nửa năm 2025 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại. Tất cả vì mục tiêu khởi công gói thầu chính vào cuối năm 2025 và đưa tuyến metro số 2 vào khai thác vào năm 2030.
Từ nay đến năm 2035, TPHCM phải có 200 km đường sắt đô thị. Đó vừa là thách thức vô cùng lớn, đồng thời cũng là cơ hội để sớm hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Theo ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM, để hoàn thành mục tiêu này thì cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư. Với 28 cơ chế đặc thù Sở GTVT đã trình UBND TPHCM xem xét để trình các cơ quan có thẩm quyền, sau khi hoàn chỉnh đề án này, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đưa ra lấy ý kiến các Bộ, ngành và dự kiến cuối năm nay sẽ được trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách thực hiện.
Theo đề án, đến năm 2035, TPHCM sẽ hoàn thiện 6 tuyến metro. Trong đó, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7km sẽ được kéo dài thêm gần 21 km từ ga Bến Thành về An Hạ (huyện Bình Chánh), nâng chiều dài toàn tuyến lên 40,8 km. Tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dài hơn 11 km sẽ đầu tư thêm 2 đoạn dài 9,1 km là Bến Thành – Thủ Thiêm và Tham Lương – bến xe An Sương, nâng tổng chiều dài toàn tuyến lên 20,2 km. Ngoài ra, TPHCM sẽ hoàn thành 4 tuyến khác gồm: tuyến số 3 (Hiệp Bình Phước – vòng xoay Dân Chủ – Tân Kiên – An Hạ) dài 29,5 km; tuyến số 4 (depot Đông Thạnh – Bến Thành – ga Bà Chiêm đường Vành đai 3) dài 36,8 km; tuyến số 5 (ga Võ Chí Công đường Vành đai 2 – ngã tư Bảy Hiền – depot Đa Phước) dài 32,5 km; tuyến số 6 (Bà Quẹo – sân bay Tân Sơn Nhất – Bình Triệu – Phú Hữu) dài 22,8 km. Tổng mức đầu tư cho các dự án (chưa tính tuyến số 1) khoảng 837.000 tỷ đồng.
Nguồn: https://tienphong.vn/chia-khoa-de-ha-tang-tphcm-cat-canh-post1668063.tpo