Các chuyên gia nhấn mạnh ưu tiên đào tạo bậc thạc sĩ để hình thành nguồn nhân lực có chuyên môn, góp phần phát triển và quản lý đô thị bền vững.
Thông tin trên được chia sẻ trong hội thảo quốc tế “Đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển đô thị thông minh: kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng hợp tác, giải pháp triển khai”, do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tổ chức chiều 4.11.
Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao
Báo cáo kết quả tư vấn cho dự án “Hỗ trợ củng cố chiến lược phát triển đô thị thông minh tại TP.HCM (FONIVILLI)”, giáo sư Gayo Diallo (ĐH Bordeaux, Pháp), nhận định việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi những cán bộ phụ trách có chuyên môn. “Họ phải có kiến thức nền tảng về đô thị thông minh, có vốn hiểu biết về xã hội và hạ tầng đô thị nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp. Muốn có lực lượng này, chúng ta cần đào tạo giảng viên có khả năng hướng dẫn những cán bộ thực hiện mục tiêu của đô thị thông minh”, giáo sư Diallo cho hay.
Từ năm 2017, TP.HCM đã triển khai Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” (theo Quyết định số 6179/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP.HCM) với một trong những lĩnh vực ưu tiên là nguồn nhân lực. Ông Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố cần nguồn nhân lực sản xuất mới (nguồn nhân lực số công nghệ số) để thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng tại hội thảo, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết hiện nay TP.HCM đã ban hành chính sách thu hút chuyên gia cho lĩnh vực chuyển đổi số và công nghệ thông tin. Tuy vậy, ông Thắng nhấn mạnh: “TP.HCM thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn sâu trong những vấn đề công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, vi mạch, dữ liệu lớn… trong khi chuyên gia tư vấn chung thì nhiều”.
Cần xây dựng chương trình đào tạo như thế nào?
Giáo sư Robert Laurini (ĐH Lyon, Pháp) chia sẻ rằng các chương trình đào tạo thạc sĩ trong lĩnh vực đô thị thông minh cần bao hàm nhiều chủ đề rộng. “Đô thị thông minh liên quan đến nhiều khía cạnh như môi trường, quản trị nhà nước… nên chương trình phải bao quát để học viên nắm bắt những kiến thức và năng lực cần thiết. Vì vậy, những chủ đề thường được đưa vào chương trình đào tạo như quy hoạch và thiết kế không gian đô thị; công nghệ và đổi mới; tính bền vững và quản lý môi trường; quản trị và chính sách công; phát triển xã hội và kinh tế”, giáo sư Robert Laurini phân tích thêm.
Theo các giáo sư, bên cạnh chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục ĐH cũng cần lưu tâm đến nguồn giảng viên đủ năng lực đảm nhiệm, cũng như tạo lập một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu với những nhà nghiên cứu thuộc đã lĩnh vực để đảm bảo cập nhật chương trình đào tạo của mình. Ngoài ra, các ĐH kết hợp với các đối tác ĐH nước ngoài để các trường ĐH đạt được mục tiêu đào tạo của mình.
“Các trường ĐH có thể mời các chuyên gia nước ngoài đào tạo ngắn hạn. Hay họ có thể gửi học viên đến các trường đối tác để được đào tạo ngắn hạn hoặc chuyển tiếp đến bậc tiến sĩ”, giáo sư Gayo Diallo nói.
Cũng tại hội thảo, giáo sư Laurini và giáo sư Diallo trình bày đề xuất của ĐH Côte d’Azur (tỉnh Nice, Pháp) về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, ĐH Côte d’Azur có thể hỗ trợ thiết kế chương trình đào tạo thạc sĩ tại TP.HCM, nhận ghi danh học viên cho chương trình thạc sĩ“Smart Cities” tại trường, tiếp nhận nghiên cứu sinh và nhận lời mời hợp tác đồng hướng dẫn luận án tiến sĩ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chia-khoa-cho-nguon-nhan-luc-phat-trien-do-thi-thong-minh-185241104213038084.htm