Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2024 – 2025, TP.HCM cần tuyển 4.013 giáo viên (GV) cho các bậc học từ mầm non đến THPT. Trong đó, bậc mầm non cần tuyển 691 GV, tiểu học cần tuyển 1.386, THCS cần 1.588 GV, THPT cần tuyển 263 và các trường chuyên biệt cần tuyển 85 GV.
QUẬN TRUNG TÂM CŨNG KHÔNG TUYỂN ĐƯỢC GIÁO VIÊN
Ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận TP.HCM đang gặp khó về nguồn tuyển GV của cấp học theo môn. Cụ thể, tiểu học khó tuyển GV các môn âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất; THCS khó tuyển GV âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh, tin học, công nghệ; THPT khó tuyển GV âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ.
Trong đó, khó khăn nhất là tuyển dụng GV tiểu học và THCS, do không có hoặc có rất ít người đăng ký dự tuyển hoặc người đăng ký dự tuyển không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn.
Mỗi năm, trung bình TP.HCM cần tuyển thêm khoảng gần 5.000 GV cho các bậc học từ mầm non đến THPT, nhưng số GV trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu, thậm chí có môn học không có ứng viên.
Ngay tại Q.1, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT, từ năm học 2020 – 2021 đến năm học 2023 – 2024, quận này luôn không tuyển đủ GV so với nhu cầu.
Cụ thể, năm học 2020 – 2021, nhu cầu tuyển dụng là 194 GV, thực tế số thí sinh trúng tuyển và nhận công tác là 71 người, chiếm tỷ lệ 36,59%. Năm học 2021 – 2022, nhu cầu là 280, có 46 người nhận công tác, tỷ lệ 16,42%. Năm học 2022 – 2023, nhu cầu là 304, số GV nhận công tác là 90 người, tỷ lệ 29,6%. Năm học 2023 – 2024, nhu cầu là 276, số GV nhận công tác là 79 người, tỷ lệ 28,62%. Như vậy, tính tổng 4 năm, Q.1 mới chỉ tuyển được 26,13% GV so với nhu cầu cần tuyển.
Theo ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, tình trạng thiếu GV đang diễn ra nghiêm trọng, kéo dài. Mầm non, tiểu học thiếu GV nhiều môn: tiếng Anh, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tổng phụ trách Đội; THCS thiếu GV ngữ văn, lịch sử, địa lý, công nghệ kỹ thuật công nghiệp, mỹ thuật, tiếng Trung, tiếng Nhật, tổng phụ trách Đội. Số lượng GV chưa đáp ứng đủ định mức trong đề án vị trí việc làm.
Ông Long cho hay số lượng GV sinh sống trên địa bàn Q.1 và các quận lân cận rất ít. Nhiều GV ở tỉnh phải thuê nhà ở trọ, khoảng cách từ chỗ ở đến nơi làm việc xa nên không gắn bó lâu dài tại nơi công tác, sau một thời gian sẽ xin thuyên chuyển hoặc nghỉ việc.
Bên cạnh đó, còn tình trạng GV mới tuyển dụng, sau một thời gian ngắn cũng xin nghỉ việc, chuyển việc do không yên tâm công tác vì áp lực, lương và các chế độ, chính sách khác không đảm bảo cuộc sống. Có hiện tượng “chảy máu chất xám” ở nhóm GV trẻ, sau khi được nhà trường bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng nguồn thu nhập ở trường ngoài công lập hấp dẫn hơn trường công lập, họ sẵn sàng chuyển đổi nơi công tác.
CHÍNH SÁCH THU HÚT NHÂN LỰC GIỎI
Trước thực tế này, ông Tống Phước Lộc cho hay: Năm học 2024 – 2025, TP.HCM đặt ra 5 giải pháp để từng bước khắc phục khó khăn tồn tại trong quá trình tuyển GV.
Trước hết, TP yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền việc tuyển GV trên các phương tiện truyền thông nhằm thu hút nguồn nhân lực tại chỗ và nguồn lực ở các tỉnh, thành đến TP.HCM công tác.
Sớm hoàn thiện đề án chính sách thu hút đối với GV tiểu học tại các trường tiểu học công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng như tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật.
Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường ĐH để tuyển dụng vào vị trí GV các cấp học. Phối hợp triển khai, thực hiện tốt chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên (SV) tốt nghiệp xuất sắc.
Theo đó, Sở GD-ĐT đã ban hành các văn bản gửi ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH trên địa bàn TP để tăng cường, phổ biến tuyên truyền chủ trương này trong SV. Đến nay đã nhận được danh sách 356 SV tốt nghiệp xuất sắc của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (25 SV), Trường ĐH Sài Gòn (15), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (7), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (65), ĐH Kinh tế TP.HCM (194), Trường ĐH Công thương TP.HCM (50).
Những SV xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nếu tuyển dụng sẽ được thụ hưởng chính sách như: hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự, phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kiến thức chuyên ngành giáo dục. Đồng thời, còn được ưu tiên giao thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, chương trình, đề án, dự án từ cấp trường trở lên.
PHÂN CẤP TUYỂN GIÁO VIÊN CHO HIỆU TRƯỞNG
Ông Tống Phước Lộc cho hay tiếp tục rà soát, thí điểm phân cấp tuyển dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc Sở GD-ĐT thuộc diện nhiều năm liền khó có người trúng tuyển viên chức đồng ý đến nhận việc và ký kết hợp đồng làm việc.
Tính đến nay, Sở GD-ĐT đã thí điểm phân cấp thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho 29 đơn vị. Trong đó, riêng năm 2024, Sở GD-ĐT đẩy mạnh phân cấp thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho hiệu trưởng của 9 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên trực thuộc Sở có trụ sở trường xa trung tâm TP, bao gồm 7 trường THPT tại H.Củ Chi và 1 trường tại TP.Thủ Đức, 1 trường tại H.Bình Chánh.
“Thực tế cho thấy khi được chủ động, các trường đã thuận lợi hơn rất nhiều trong tuyển dụng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị. Tuy nhiên, để đảm bảo việc tuyển dụng “đều tay” giữa các trường cũng như đảm bảo chất lượng, Sở vẫn có sự giám sát sao cho việc phân cấp đạt hiệu quả tối ưu. Việc mở rộng phân quyền tuyển dụng nhằm giúp các trường ở khu vực ngoại thành chủ động hơn trong công tác tuyển dụng GV”, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá về công tác phân cấp tuyển dụng.
Theo cơ chế về tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục hiện nay, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm trong việc tuyển GV bậc THPT, các trường trực thuộc, các quận, huyện chịu trách nhiệm tuyển GV bậc mầm non đến THCS.
Cuối tháng 7 vừa qua, trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về luật Nhà giáo, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết địa phương này đang nghiên cứu thí điểm giao quyền tuyển dụng GV cho hiệu trưởng.
Theo bà Hoa, nên giao cho hiệu trưởng quyền tuyển dụng GV, sử dụng có hiệu quả và chịu trách nhiệm về công tác tuyển dụng. Bởi hiệu trưởng là người giám sát và chịu trách nhiệm cao nhất đối với chất lượng giáo dục và hiệu quả công tác tại đơn vị. Hiệu trưởng sẽ nắm rõ nhất trường cần những GV nào, chất lượng ra sao…
Nguồn: https://thanhnien.vn/chi-tuyen-duoc-50-giao-vien-so-voi-nhu-cau-tphcm-tim-giai-phap-185240808203811595.htm