Lực lượng đoàn viên, thanh niên xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước hỗ trợ người dân cách sử dụng thẻ ATM và các dịch vụ của ngân hàng.
Ông Nguyễn Xuân Tình, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), cho biết: “Ngay sau khi nhận được công văn của Bộ LÐ-TB&XH về chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH, Sở đã chỉ đạo phòng LÐ-TB&XH các huyện, TP Cà Mau rà soát các đối tượng trên địa bàn. Theo đó, số đối tượng đang quản lý hiện nay là 71.342 người, đã tiến hành rà soát là 50.307 người, chiếm 70,5%. Trong đó, số đối tượng đã có tài khoản (mong muốn chi trả qua tài khoản) là 4.120 người và đã thực hiện chi trả qua tài khoản là 2.222 người, chiếm 3,11%”.
Theo ông Nguyễn Xuân Tình, nguyên nhân dẫn đến việc chi trả không dùng tiền mặt còn ít là do từ trước đến nay đa phần đối tượng đã quen nhận tiền mặt, nên còn rất bỡ ngỡ, lúng túng. Những người lớn tuổi không biết sử dụng điện thoại thông minh, không nhớ số tài khoản, không nhớ mật khẩu, không biết cách rút tiền… nên họ không muốn nhận qua tài khoản.
Bên cạnh đó, đối tượng nhận tiền qua tài khoản lần đầu tiên đã bị ngân hàng trừ các khoản phí như: phí thường niên, phí quản lý thẻ, tiền giữ lại thẻ; do đó, số tiền rút ra không được trọn vẹn như nhận tiền mặt. Mặt khác, một số đối tượng khi thao tác rút tiền không đúng, quên mật khẩu, bị khoá thẻ… nên họ quay lại hình thức nhận tiền mặt.
Nhìn chung, các đối tượng người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội đa phần là người lớn tuổi, bệnh tật, điều kiện đi lại khó khăn, không biết sử dụng thẻ… trong khi về điều kiện hạ tầng dịch vụ, hiện nay trên địa bàn huyện, cây ATM chỉ đặt tại thị trấn, các xã còn lại không có. Ðiều này gây khó khăn cho việc rút tiền. Do vậy, các đối tượng hiện nay không có nhu cầu nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng.
Xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước hiện có 855 đối tượng được hưởng chính sách ASXH, thời gian qua, xã đã phối hợp với Viettel Cà Mau cấp số tài khoản và phân công, chia từng tổ đến tận nhà để cấp thẻ miễn phí cho các đối tượng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Em, ấp Tân Phong, xã Ðông Hưng, hiện đang chăm sóc cho người chú là thương binh và người anh bị khuyết tật, hàng tháng nhận được gần 13 triệu đồng. Chị Kim Em bộc bạch: “Việc chi trả tiền qua thẻ giúp tôi đỡ mất thời gian chờ đợi khi đi nhận trực tiếp, an toàn hơn trong quá trình di chuyển. Nhưng tôi còn chưa quen, chưa biết cách rút tiền, không biết cách kiểm tra số dư. Nhờ cán bộ xã nhiệt tình hướng dẫn, nay tôi đã cơ bản biết được cách sử dụng thẻ ATM”.
Ông Tiêu Quang Khái, Phó chủ tịch UBND xã Ðông Hưng, chia sẻ: “Việc chi trả tiền chính sách ASXH qua thẻ tạo điều kiện thuận tiện cho cán bộ chi trả, cũng như cơ quan quản lý kiểm soát được số tiền chi trả hàng tháng. Tuy nhiên, đa số các đối tượng nhận tiền là người có hoàn cảnh khó khăn, phương tiện đi lại hạn chế. Việc hàng tháng đến trung tâm huyện để rút tiền từ các cây ATM gặp nhiều khó khăn, do quãng đường di chuyển xa. Mặt khác, các đối tượng nhận trợ cấp hàng tháng với số tiền ít (người cao tuổi, bảo trợ xã hội) khi nhận chuyển tiền qua thẻ thì chi phí đi lại rút tiền là một trở ngại”.
“Ðể công tác chi trả chính sách ASXH không dùng tiền mặt hiệu quả hơn, cần miễn, giảm tối đa chi phí dịch vụ thanh toán liên ngân hàng của đối tượng thụ hưởng. Miễn giảm phí duy trì tài khoản ATM và phí báo tin nhắn khi biến động thông tin tài khoản. Các ngân hàng thương mại quan tâm đầu tư hạ tầng, bố trí cây ATM, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn. Hệ thống bưu điện tạo điều kiện cho đối tượng được rút tiền tại các điểm chi trả ở xã; chi trả điện tử qua mã thẻ QR để phục vụ các đối tượng không có tài khoản ngân hàng (do không có Smartphone…). Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu cần liên thông, đồng bộ, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, để việc thực hiện chính sách chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt được kịp thời, chặt chẽ, tránh bị lợi dụng trục lợi chính sách”, ông Nguyễn Xuân Tình đề nghị./.
Quách Nguyên