UBND tỉnh bàn giải pháp nâng cao chỉ số năm 2023. |
Thứ hạng PCI được hình thành từ 10 chỉ số thành phần với hơn 140 chỉ tiêu cụ thể, phần lớn lấy từ kết quả điều tra doanh nghiệp. Tiến hành một cách công khai, khoa học, nên việc tăng hay giảm thứ hạng của tỉnh phụ thuộc vào trải nghiệm và đánh giá của các doanh nghiệp của địa phương khi trả lời điều tra hằng năm.
Chỉ số PCI của tỉnh Bắc Kạn trong 05 năm qua có sự gia tăng liên tục về thứ bậc trên bảng xếp hạng toàn quốc. Điểm tổng hợp của tỉnh năm 2018 là 60,11, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 đạt 62,8, đứng thứ 59; năm 2020 đạt 61,97, đứng thứ 59; năm 2021 vươn lên xếp hạng 48 với 62,26 điểm. Năm 2022, Bắc Kạn đã có sự đột phá khi gia tăng 13 bậc và xếp thứ 35 trên toàn quốc, với điểm tổng hợp là 65,15 điểm. Điều này thể hiện những nỗ lực của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính và chất lượng điều hành kinh tế thông qua sự trải nghiệm thực tế của các doanh nghiệp địa phương.
Xét về 10 chỉ số thành phần (thang điểm 10), năm nay tỉnh có 07 chỉ số tăng điểm, gồm: Gia nhập thị trường (6,36); Chi phí thời gian (7,97); Chi phí không chính thức (7,24); Tính năng động (7,37); Đào tạo lao động (5,38); Thiết chế pháp lý (8,02); Tính minh bạch (6,55).
Trong số các chỉ số thành phần, tỉnh Bắc Kạn được đánh giá cao ở chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh và Chi phí thời gian (đều đứng thứ 8 trên toàn quốc), Tính minh bạch (đứng thứ 9), Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (đứng thứ 11), Chi phí không chính thức (đứng thứ 17).
Chỉ số Gia nhập thị trường dù tăng điểm, song hiện vẫn xếp hạng 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tiếp cận đất đai đang ở thứ hạng 58. Đáng lưu ý, chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện tỉnh đang giữ thứ hạng thấp nhất cả nước, đây cũng là chỉ số giảm điểm trong năm qua.
03 chỉ số thành phần bị giảm điểm, gồm: Tiếp cận đất đai (năm 2021 là 7,83 điểm, năm 2022 còn 6,28 điểm); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (năm 2021 là 5,62 điểm, năm 2022 là 4,59 điểm); Cạnh tranh bình đẳng (năm 2021 là 6,67 điểm, năm 2022 là 6,23 điểm).
Mặc dù tỉnh đã rất nỗ lực trong việc thu hút đầu tư, tuy nhiên do những khó khăn nội tại khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được các chính sách. Điều này cũng đã được tỉnh nhìn nhận từ năm 2019, khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về “Tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”, trong đó đánh giá chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có thứ hạng rất thấp so với cả nước.
Hiện nay, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khó khăn với thủ tục đất đai khiến họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2022. Thời gian giải quyết hồ sơ đất đai, xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian là vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp thường gặp phải.
Thực tế tại địa phương, đất đai thường là một loại tài sản thế chấp quan trọng trong các thỏa thuận tín dụng. Do đó, việc dễ dàng tiếp cận đất đai hơn đồng nghĩa khả năng tiếp cận chính sách tín dụng sẽ dễ dàng hơn. Vướng mắc này đang cần “khơi thông” để các doanh nghiệp trên địa bàn có thể tiếp cận chính sách, qua đó góp phần cải thiện chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.
Đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, một số thủ tục mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá chưa “dễ thực hiện”, như: Cấp bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ tăng cường năng lực doanh nghiệp; giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm công nghiệp; miễn, giảm chi phí đào tạo nghề cho người lao động…
PCI là công cụ chính sách, giúp thúc đẩy chuyển động của bộ máy, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương. Chỉ số này đo lường chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Một địa phương có chất lượng điều hành tốt khi có những yếu tố như: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Chính sách đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.
Từ các điểm số thành phần PCI của Bắc Kạn cho thấy vẫn còn một số rào cản, khoảng cách giữa quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền với hiệu quả thực tế mà doanh nghiệp đánh giá, nhất là đối với chính sách hỗ trợ, lĩnh vực đất đai.
Thông qua Chỉ số PCI và các chỉ số thành phần, tỉnh Bắc Kạn có thể nhìn nhận rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu thông qua trải nghiệm và cảm nhận của các doanh nghiệp. Từ đó tỉnh có những hoạch định, giải pháp cụ thể để cải thiện, nâng cao chỉ số trong thời gian tới./.