Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2024 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,48% so với tháng trước, tăng 1,89% so với tháng 12/2023 và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 7 tăng được Tổng cục Thống kê lý giải do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.
Bình quân 7 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá.
Trong đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77%, chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, giá dịch vụ chăm sóc người già tăng 2,5% so với tháng trước; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,47%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,24%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,3%.
Nhóm giao thông tăng 1,45%, chủ yếu do giá dầu diesel tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.
Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,01% do nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng. Giá phụ tùng ô tô tăng 0,15%; lốp, săm xe đạp tăng 0,31%; giá lốp săm xe máy tăng 0,09%. Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,24%; phí thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,15%; phí học bằng lái xe tăng 0,17% do nhu cầu cao.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%, chủ yếu do các nguyên nhân từ giá điện sinh hoạt tăng 1,39%; nước sinh hoạt tăng 0,22%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26% (làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm %). Trong đó, giá lương thực giảm 0,03%; thực phẩm tăng 0,31% (làm cho CPI chung tăng 0,07 điểm %), ăn uống ngoài gia đình tăng 0,25%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%. Trong đó, giá dịch vụ du lịch trọn gói tăng 0,23%; nhà khách, khách sạn tăng 0,43% do tháng 7 học sinh nghỉ hè nên nhu cầu đi du lịch của các cơ quan, doanh nghiệp và gia đình tăng cao.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%. Trong đó, giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,19%, dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,08%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11% do nhu cầu tiêu dùng tăng khi thời tiết nắng nóng. Cụ thể: giá nước giải khát có gas tăng 0,22%; nước quả ép tăng 0,16%; bia các loại và nước uống tăng lực đóng chai, lon, hộp cùng tăng 0,08%; rượu các loại tăng nhẹ 0,02%. Giá thuốc hút tăng 0,2% so với tháng trước.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07% do chi phí nhân công tăng.
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,03% do chi phí vận chuyển và nhân công tăng. Trong đó, giá dịch vụ giày, dép tăng 0,37%; dịch vụ may mặc tăng 0,21%; vải các loại tăng 0,19%; mũ nón tăng 0,16%; giày dép tăng 0,07%.
Nhóm giáo dục tăng 0,02%. Trong đó, giá sản phẩm từ giấy tăng 0,4%, bút viết các loại tăng 0,15%, sách giáo khoa tăng 0,05%.
Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giữ mức giá ổn định do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm. Trong đó, máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,39% so với tháng trước, giá sửa chữa điện thoại tăng 0,19%.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản trong tháng 7 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 7 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chi-phi-xang-dau-dien-y-te-day-cpi-thang-7-tang-2306598.html