Sai phạm về Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, về trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG), theo quy định tại Luật giá, việc áp dụng biện pháp lập Quỹ BOG là có thời hạn, tuy nhiên hiện nay, Chính phủ đang cho áp dụng thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, các quy định hiện nay giao cho nhiều cơ quan tham gia quản lý Quỹ BOG (Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp).
“Việc này đã tồn tại nhiều năm, nhưng chưa được xử lý kịp thời, dẫn đến có sự đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng Quỹ BOG”, kết luận thanh tra cho hay.
Về điều hành Quỹ BOG, theo kết luận, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định chi Quỹ BOG khi giá chưa tăng với số tiền khoảng 1.142 tỉ đồng và chi Quỹ BOG cao hơn mức tăng giá với số tiền khoảng 318 tỉ đồng.
Tại kỳ điều hành từ 1.1.2017 đến trước 15h ngày 23.4.2018, liên bộ ban hành văn bản điều hành giá không rõ ràng, dẫn đến 19/27 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trích lập Quỹ BOG sai chủng loại xăng RON 95 với số tiền khoảng 1.013 tỉ đồng và chi sử dụng Quỹ BOG với số tiền khoảng 679 tỉ đồng.
Về quản lý Quỹ BOG, theo kết luận thanh tra, cơ quan quản lý Quỹ BOG đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý Quỹ BOG.
Việc quản lý Quỹ BOG chưa đảm bảo chặt chẽ; Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa ban hành văn bản hướng dẫn các Ngân hàng thương mại quản lý Quỹ BOG phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng dẫn đến có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng đã sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG, mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ BOG với số tiền là 7.927 tỉ đồng.
Trong số này có 3/7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên.
Điều hành giá không phù hợp
Về điều hành giá, theo kết luận, việc tính giá cơ sở xăng dầu hiện nay còn nhiều bất cập, tồn tại như: Bộ Tài chính tính toán các chỉ tiêu cấu thành lên giá cơ sở xăng dầu không chính xác, không sát với thị trường. Quyết định mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để tính vào giá cơ sở thiếu cơ sở pháp luật; áp dụng “định mức” về chi phí từ nhiều năm trước không phù hợp với thị trường.
Chi phí Premium đưa vào giá cơ sở lớn hơn chi phí Premium thực tế tại một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; áp dụng chi phí định mức cố định đã ban hành từ năm 2014 không phù hợp với thực tế hiện nay.
Bộ Công Thương không tính đúng, tính đủ giá xăng dầu trong nước theo giá xăng dầu thế giới và các chi phí khác, giá xăng dầu không theo kịp biến động của thị trường nên khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh, nhiều thương nhân đầu mối đã ngừng nhập khẩu để tránh thua lỗ. Đây là một trong những nguyên nhân, dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Ngày 24.2.2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 242 về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu quý II/2022, trong đó giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu cho 10/34 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhưng hầu hết các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu xăng dầu không đáp ứng tiến độ, khối lượng nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức được giao.
Để đảm bảo thu được lợi nhuận định mức và thu hồi vốn, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu thiếu khối lượng xăng dầu được giao; phải cắt giảm chi phí bán lẻ, giảm mức chiết khấu cho các đại lý, dẫn đến tình trạng chiết khấu bằng 0, nhiều cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu tự ý không bán hàng, góp phần làm gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.