Nhà báo Nguyễn Uyển – Nguyên Trưởng ban Công tác Hội – Hội Nhà báo Việt Nam: Phải nghiêm cẩn tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện
Hơn 60 năm trong nghề làm báo, tôi luôn luôn ghi nhớ những lời dạy chí thiết chí tình của Bác Hồ vô vàn kính yêu đối với báo chí và với người làm báo Việt Nam. Tôi luôn học hỏi để thấu đáo và làm cho đúng lời Người: “Làm báo là làm cách mạng… Nhà báo cũng là chiến sĩ”…
Nhà báo Việt Nam luôn được Đảng tin, dân mến, xã hội nể trọng suốt chặng đường vẻ vang của dân tộc là bởi luôn vâng lời Bác lời Đảng, luôn tự soi chiếu đạo đức nghề nghiệp của mình. Báo giới Việt Nam luôn vui, hãnh diện, tự hào về những kỳ tích tuyên truyền nhân văn, tích cực và lành mạnh trong công cuộc đấu tranh xây dựng cái mới, cái tốt đẹp cho con người, cho xã hội và đất nước…
Chúng ta thực sự buồn và căm giận những nhà báo vi phạm đạo đức, vi phạm luật pháp vì sự hèn mạt của cá nhân; đặc biệt những vụ “làm tiền” gần đây. Ấy là chưa kể đến những chuyện “đâm bị thóc chọc bị gạo”, dọa dẫm doanh nhân, doanh nghiệp để vụ lợi cá nhân; viết và nói không nhất quán; viết báo in thì khác, nhưng thông tin trên mạng xã hội thì hệt một kẻ lưu manh tha hóa… Dù đó là cá nhân, ít ỏi nhưng sự mất tín với báo giới Việt Nam là không hề nhỏ. Báo giới không thể để yên, Chi hội Nhà báo không thể cho qua. Cơ quan báo chí dứt khoát không thể có những phần tử như thế ở trong tòa soạn. Luật pháp cần xem xét, nghiêm trị xử phạt để răn đe!…
Để thực sự “Làm báo là làm cách mạng”, “Nhà báo cũng là chiến sĩ” thì nhà báo phải suốt đời theo gương Bác Hồ về đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng. Có vậy báo chí mới nhân văn, tích cực và lành mạnh theo kịp thời đại. Muốn vậy người làm báo dứt khoát phải có tâm đẹp, đức sáng. Tâm chính là phần hồn của con người. Tâm là tâm thức, là trung tâm của cảm giác, của tình cảm, của ý thức và hành động. Tình cảm và ý thức là gốc sinh ra tâm. Tâm sinh ra những điều tốt đẹp, nhưng cũng nẩy ra những điều tệ hại… Đi theo cái hay, cái tốt, cái thiện là tâm sáng, lòng trong (Như nhà báo Hữu Thọ từng nói)…
Cho nên, làm báo thì phải có nghề, phải có tấm lòng đẹp mới mong đưa đến những điều tốt đẹp cho bản thân, cho con người và xã hội… Đi cùng tâm là đức. Đức chỉ giá trị và tính cách của một con người. Đạo là đường, đức là tính tốt. Đạo đức là con người có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn, trong phong cách sống và hành động.
Người làm báo có đạo đức sẽ biết làm chủ, luôn hiểu mình phải làm gì khi tác nghiệp và viết tin bài… Tuyệt nhiên không nói dối, nói sai; không đơm đặt, vụ lợi cá nhân; không để kẻ xấu lợi dụng để làm điều sai trái… Cho nên, muốn có đạo đức đẹp thì phải thường xuyên rèn luyện. Phải nghiêm cẩn tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của người thầy báo chí cách mạng Hồ Chí Minh kính yêu, nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống. Nghĩa là phải suốt đời rèn luyện, tu dưỡng, bồi dưỡng đạo đức làm người và đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam. Đương nhiên, đây cũng là trách nhiệm không hề nhỏ từ nơi đào tạo Nhà báo, nơi sử dụng người làm báo, của Chi hội nhà báo và Hội Nhà báo Việt Nam!
Ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục báo chí – Bộ Thông tin & Truyền thông: Giữ tính cách mạng – nhiệm vụ cấp thiết, ưu tiên hàng đầu
Có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí và người làm báo thể hiện trách nhiệm của báo chí rất nặng nề nhưng là nhiệm vụ hết sức vẻ vang. Thực tế trong suốt hành trình phát triển, báo chí đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đâu đó trong đội ngũ những người làm báo vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng uy tín của cơ quan báo chí, lợi dụng danh nghĩa “nhà báo” để thực hiện mục đích cá nhân, khiến công chúng bức xúc.
Đặc biệt, khi mạng xã hội ngày càng phổ biến, một số người đang hoặc đã từng công tác trong các cơ quan báo chí có biểu hiện “lệch chuẩn” khi phát ngôn trên không gian mạng. Và ngay ở các cơ quan báo chí, cũng còn một số tòa soạn chưa thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động, không kiểm soát chặt chẽ nội dung, đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật, thông tin “giật gân”, câu view… Những vi phạm này đã bị phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức, từ cảnh cáo đến xử phạt vi phạm hành chính; thậm chí có cả những nhà báo đã bị tước thẻ, bị xử lý hình sự vì vi phạm nghiêm trọng. Đây là những việc thực sự đáng buồn và đáng tiếc!
Rõ ràng là, báo chí phải “soi và sửa mình”, phải nỗ lực giữ tính cách mạng, giữ vững giá trị cốt lõi và sứ mệnh của mình. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, các cơ quan báo chí phải ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Đảm bảo tính tư tưởng, giáo dục, tính chiến đấu của báo chí, người đứng đầu đơn vị và bản thân người làm báo phải kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời lập trường chính trị của báo chí cách mạng.
Một điều rất khó nhưng vẫn phải làm nghiêm trong bối cảnh hiện nay là các tòa soạn phải kiên định chống khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận. “Mặt trận” của các nhà báo trong bối cảnh hiện nay rộng hơn và phức tạp hơn bởi sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội. Nhiệm vụ chống hiện tượng lợi dụng báo chí và tự do ngôn luận để làm lộ bí mật quốc gia, thông tin kích động dư luận… trở nên cấp thiết. Báo chí cũng có trách nhiệm vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch.
Song song với đó, báo chí phải tích cực đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước cùng những thành tựu mọi mặt của công cuộc đổi mới… Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ về nghề báo, làm cho báo chí nước nhà luôn luôn xứng đáng là diễn đàn của nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước trong điều kiện mới, đội ngũ người làm báo ngày nay phải xác định tinh thần không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo và giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp, tích cực góp phần phục vụ cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách – Hội Nhà báo Việt Nam:
Cần sự vào cuộc với thái độ nghiêm túc, quyết liệt
Trong thời gian gần đây, có thể nói chưa bao giờ vấn đề đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo lại trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm, lo ngại của không chỉ những người làm báo chân chính mà còn của toàn xã hội, công chúng bạn đọc, những người đặt niềm tin tuyệt đối vào sứ mệnh cao quý của những người làm báo.
Qua theo dõi hoạt động báo chí và từ phản ánh của các đơn vị báo chí thông qua công tác kiểm tra giám sát, tôi cho rằng có mấy nguyên nhân chủ yếu sau: Một là: Một số cơ quan báo chí nhất là các tạp chí thực hiện chưa nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực báo chí, tiếp tục buông lỏng công tác quản lý, phóng viên cộng tác viên, nhất là phóng viên văn phòng, đại diện, thường trú, không thực hiện nghiêm túc Quyết định số 979/QĐ-HNBVN ngày 06/4/2018 về việc sinh hoạt của Hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương.
Hai là: Một số cơ quan báo chí vẫn còn hiện tượng giao khoán doanh thu quảng cáo cho đội ngũ phóng viên, cơ quan thường trú. Trong điều kiện các doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19 không có điều kiện tài trợ, quảng cáo cho cơ quan báo chí như trước dẫn đến hiện tượng muốn hoàn thành chỉ tiêu định mức với tòa soạn thì buộc phải vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.
Ba là: Các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp khi bị phóng viên đe dọa, nhũng nhiễu đều rất ngại ngần, không dám đứng ra tố cáo tới các cơ quan chức năng do lo sợ bị các đối tượng này tiếp tục gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Bốn là: Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp tại các cơ quan báo chí còn mờ nhạt. Công tác phổ biến, giáo dục về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp chưa nghiêm túc, còn nặng tính hình thức. Một số cấp Hội chưa thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chưa quan tâm đúng mức đến việc hội viên tham gia mạng xã hội để xảy ra hiện tượng hội viên thể hiện quan điểm trên mạng xã hội trái với quan điểm trên tác phẩm báo chí.
Năm là: Ý thức về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của một bộ phận người làm báo còn rất hạn chế. Một bộ phận phóng viên coi nghề báo chỉ là phương tiện để kiếm tiền, coi nhẹ lòng tự trọng, danh dự, uy tín của nghề báo, người làm báo, lạm dụng nghề nghiệp, lợi dụng lòng tin của công chúng bạn đọc để trục lợi.
Sáu là: Chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe. Tuy những sai phạm chỉ là cá biệt, là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng với niềm tin của Đảng, của nhân dân đối với báo chí thì đây thực sự là nỗi đau, là vết thương đau xót đối với đội ngũ những người làm báo.
Vì vậy, để chấn chỉnh, đẩy lùi những vấn đề tồn tại của các cơ quan báo chí, làm trong sạch đội ngũ người làm báo thì rất cần sự vào cuộc với thái độ nghiêm túc, quyết liệt của các cơ quan quản lý, các cấp hội nhà báo, các cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí và trách nhiệm bản thân từng phóng viên – nhà báo…
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học Viện Báo chí & Tuyên truyền:
Là sự bôi đen, vẩy mực lên nền báo chí của chúng ta
Khoảng 10 năm trở lại đây, đạo đức của nhà báo xuống cấp là vấn đề hết sức nổi cộm và gần đây thì càng trở nên “nóng”. Một số không nhỏ nhà báo vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật đã khiến cho uy tín, niềm tin của công chúng dành cho báo chí giảm sút rất nhiều.
So với trước đây, thực trạng vi phạm đạo đức có nhiều hình thái hơn như: cố tình viết sai sự thật, bịa đặt, thiếu khách quan, thiếu trung thực, phóng viên chạy quảng cáo, ép cơ sở, doanh nghiệp, ép các tổ chức ký hợp đồng truyền thông, săn lùng thông tin sai phạm rồi ngã giá… Thậm chí, một dạng khác cũng hết sức tồi tệ mà cố nhà báo Hữu Thọ khi còn sống đã dùng cụm từ là “đánh hội đồng” hoặc “cứu hội đồng”…
Trong một dịp phỏng vấn cố nhà báo Hữu Thọ khi nhắc đến phẩm chất của người đứng đầu cơ quan báo chí, ông có sử dụng một cụm từ rất Hữu Thọ, đó là “Người đứng đầu phải có khả năng ngửi bài” tức là cầm bài viết trên tay của quân mình, cấp dưới mà có thể “ngửi” được đằng sau đó là động cơ gì, mục đích gì? Hay hiện tượng nữa là báo hóa tạp chí mà Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có nhiều chỉ đạo, uốn nắn thời gian qua nhưng vẫn còn tồn tại…
Tôi nghĩ rằng, đây không phải chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” mà đã là sự bôi đen, vẩy mực lên nền báo chí của chúng ta. Nguyên nhân của vấn đề này, có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ cơ chế, khó khăn tác động của nền kinh tế thị trường, khiến mỗi nhà báo phải vật lộn với “cơm áo gạo tiền”, các tòa soạn phải lo toan về kinh tế báo chí… Một mặt phải hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm trong Kinh tế báo chí, một mặt phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nghề nghiệp.
Cho nên đây cũng là việc vướng mắc cần phải được tháo gỡ để tạo ra cơ chế động viên, khuyến khích, bảo hộ cho báo chí phát triển để cho người làm báo thăng hoa, sáng tạo, các cơ quan báo chí được giải phóng mình, chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh hết sức cao cả mà nhân dân, xã hội giao cho. Đó là trách nhiệm trước sự thật, trước công chúng, trước nhân dân. Đó là trách nhiệm trước tin tức, trách nhiệm trước các vấn đề của thời cuộc…
TS. Nguyễn Tri Thức – Ủy viên BBT kiêm Trưởng Ban chuyên đề và chuyên san, Tạp chí Cộng sản:
Cần xử lý mạnh tay hơn nữa đối với nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm nhiều lần
Thực ra, việc suy thoái về đạo đức trong tác nghiệp báo chí nói riêng và nghề báo nói chung đã diễn ra cách đây khá lâu rồi, không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đang rộ lên bởi các vụ bắt bớ các cộng tác viên, một số phóng viên ở một số cơ quan báo chí mà ít có tên tuổi, ít có uy tín, ít có vị thế trong làng báo. Sự vi phạm này rất cần phải lên án, rất cần phải ngăn chặn và triệt bỏ trong đời sống xã hội vì điều này sẽ mang tiếng báo chí, sẽ làm xấu hình ảnh báo chí, sẽ làm mất uy tín, mất sự tin cậy của nhân dân, cũng như là của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với hoạt động báo chí nói riêng và nền báo chí nói chung.
Thực ra, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn được, chúng ta phải có những cách để nhận diện, để ngăn chặn, thậm chí là cô lập, lên án từ chính cộng đồng làm báo và trong xã hội. Tôi nghĩ sâu xa nhất có nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng quan trọng nhất liên quan đến là vấn đề Kinh tế báo chí, liên quan đến quản lý nhà nước. Tôi nghĩ cần thắt chặt, xử lý mạnh tay hơn nữa đối với các nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm nhiều lần để có tính răn đe.
Chúng ta phải có những hình thức xử lý mạnh tay hơn, thậm chí là rút giấy phép đối với những cơ quan báo chí trong 1 năm mà có tới 3 nhà báo liên quan tới việc bị bắt hoặc 3 vụ việc khiến xã hội bất bình chẳng hạn. Song song với đó, chúng ta cũng cần kêu gọi nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao học tập làm theo Bác, đạo đức nghề nghiệp.
Đặc biệt vấn đề này làm sao phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế với nhiệm vụ chính trị của các cơ quan báo chí nói riêng và nền báo chí nói chung. Khi vấn đề kinh tế báo chí chưa được giải quyết, chưa giúp các nhà báo yên tâm lao động cống hiến thì còn nhiều cái khó khăn liên quan đến quá trình giữ gìn và nuôi dưỡng phát huy đạo đức nghề nghiệp trong quá trình công tác.
Nhà báo Trần Quang Đại – Báo Lao Động thường trú tại Nghệ An:
Không thỏa hiệp hoặc lùi bước trước những áp lực hay cám dỗ
Hiện nay, bên cạnh đội ngũ những người làm báo chân chính, luôn giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, vẫn có một bộ phận những người làm báo có những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hoạt động có tính chất vụ lợi, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, vi phạm nguyên tắc cung cấp thông tin và phát ngôn trên mạng xã hội. Chưa có sự khảo sát cụ thể, tuy nhiên theo tôi hiện tượng nói trên là khá phổ biến, đáng báo động, không thể chấp nhận được. Nghề báo hiện nay có nhiều áp lực cũng như nhiều cám dỗ. Đối với những đối tượng vi phạm, họ sẽ tìm cách gây áp lực, mua chuộc hoặc nhiều biện pháp, thủ đoạn để tránh bị báo chí phản ánh. Người làm báo muốn có những tác phẩm báo chí có chất lượng và có tác động xã hội đương nhiên phải không thỏa hiệp hoặc lùi bước trước những áp lực hay cám dỗ đó. Tuy nhiên, theo tôi đây là điều bình thường, không có gì khó khăn quá mức hay cái gì đó là sự hy sinh gì cả. Nếu bản thân nhà báo rõ ràng, kiên quyết thì những đối tượng tìm cách mua chuộc hay gây áp lực sẽ lui bước. Vì đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề nghiệp mà bất cứ ai bước chân vào nghề đều đã nắm được. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình, không ít lần tôi đã bị can thiệp, đe dọa, gây áp lực hoặc mua chuộc. Tuy nhiên, tôi đều tìm cách vượt qua bởi vì nếu thỏa hiệp hay lùi bước thì sẽ đánh mất mình, đánh mất niềm tin của bạn đọc… Có thể nói, cũng như mọi hoạt động xã hội – tư tưởng – nghề nghiệp khác, trong quá trình hoạt động, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, vi phạm, suy thoái trong đội ngũ những người làm báo. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, khắc phục thì các hiện tượng vi phạm càng nghiêm trọng, uy tín của báo chí giảm sút, thậm chí đánh mất vai trò của mình trong đời sống xã hội.
Bảo Minh (Ghi)