LCĐT – Gia đình chị Pờ Thị Liên ở thôn Nhân Giống, thị trấn Mường Khương (Mường Khương) trước đây chủ yếu chỉ trồng ngô, lúa, kinh tế chẳng mấy dư dả. Năm 2012, thấy người dân ở các thôn khác trồng quýt mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị bàn với chồng chuyển một phần diện tích trồng ngô của gia đình sang trồng quýt.
Chị Pờ Thị Liên (phải ảnh) chia sẻ kinh nghiệm trồng quýt với người dân trong thôn. |
Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên vườn quýt của gia đình chị Liên cho quả nhỏ, mẫu mã xấu, múi bị khô nên không bán được. Không cam chịu thất bại, chị đã tìm đến cán bộ khuyến nông, các nhà vườn trên địa bàn huyện để hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quýt trên sách, báo và mạng internet. Mang những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được về áp dụng vào vườn quýt của gia đình, chỉ 1 năm sau, cây đã cho trái ngọt.
Nắm được đặc tính sinh trưởng và làm chủ kỹ thuật chăm sóc, chị Liên mở rộng diện tích trồng theo quy mô hàng hóa. Chỉ cho tôi xem khu đồi phía xa, chị Liên cho biết: Từ 500 gốc quýt ban đầu, bây giờ gia đình tôi đã có 2.800 gốc. Diện tích quýt phát triển ổn định, cho thu bình quân 8 – 10 tấn quả/năm, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Trồng quýt hơn 10 năm, chị Liên rút ra kinh nghiệm: Bên cạnh sự cần cù, chịu khó, không thể không áp dụng khoa học – kỹ thuật vào trồng và chăm sóc quýt. Mặc dù quýt được đánh giá là cây dễ trồng và không mất nhiều công chăm sóc nhưng nếu bón phân, phun thuốc không đúng kỹ thuật thì tỷ lệ đậu quả thấp, quả nhạt hoặc chua, thậm chí cây còn bị thối gốc, héo lá. Thời điểm sau thu hoạch khoảng 1 tháng phải tỉa cành, tạo tán để tạo độ thoáng cho các cây với nhau…
Ông Tráng Văn Thành, Bí thư Chi bộ thôn Nhân Giống cho biết: Chị Pờ Thị Liên là nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, chị Liên còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho hội viên. Chị Liên đã vận động nhiều gia đình trong thôn chuyển đổi đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng quýt, nhờ vậy đời sống bà con ngày càng ổn định.