Bài viết của tác giả Lý Hùng trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Anh cả thừa kế đất, các em đều đồng tình
Tôi là anh cả trong gia đình có 4 anh em trai, sống ở vùng nông thôn. Gia đình đông con mà bố mẹ lại làm nông, điều kiện kinh tế không dư dả, tôi phải vừa học vừa làm từ sớm.
Tôi học tốt nhất trong cả 4 anh em nhưng đường học vấn cũng ngắn nhất. Phải thuyết phục mãi, cố gắng kiếm học bổng và trợ cấp, tôi mới được học hết cấp 3. Vừa tốt nghiệp, tôi quyết định đi làm trong nhà máy để cùng bố mẹ nuôi các em học. 3 em trai đều học đại học, cao đẳng rồi ở lại thành phố, tiền đồ so với tôi vẫn là hơn một bậc.
Tôi xác định bản thân là con lớn, không nên so bì quá nhiều với các em, tự nguyện lãnh thêm trách nhiệm chăm sóc bố mẹ. May mắn bố mẹ nhìn nhận được sự hy sinh của tôi. Trước khi qua đời, bố quyết định để lại toàn bộ đất đai ở quê cho tôi, các em chỉ nhận một phần tiền tiết kiệm. Bố dặn dò anh em phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau, tôi là anh cả đã phải cố gắng nhiều năm, phần tài sản này là xứng đáng.
Khi đó các em tôi từ thành phố về đều đồng ý với di chúc này. Một phần vì các em đều có nhà, có xe trên phố, chưa có ý định về quê. Tôi nhận đất và tiếp tục chăm sóc mẹ già, gia đình lúc này vẫn hòa thuận. Đến khi mẹ tôi không còn, chúng tôi vẫn có mối quan hệ tốt, lễ tết đều sum họp đủ đầy. Tôi nghĩ mình khá may mắn khi nhìn sang hoàn cảnh một số người bạn tranh chấp căng thẳng với anh chị em vì bố mẹ chia tài sản thừa kế không đều.
Đất tăng giá, thổi bùng mâu thuẫn tài sản
Thế nhưng điều tôi không ngờ tới lại xảy ra. Phần đất bố mẹ để đột nhiên tăng phi mã, có người hỏi mua với giá gấp 3, gấp 5 lần giá trị thời điểm tôi nhận thừa kế. Đất nhà hàng xóm cũng được hỏi mua với giá cao, không ít người đồng ý bán luôn. Không biết ai nói cho các em tôi trên thành phố thông tin này mà chúng cùng nhau về nhà và đề nghị bán đất đi để chia đều.
Tôi từ chối vì đây là tải sản bố mẹ để lại cho tôi, nếu để bán hay ở thì cũng là do bản thân tôi quyết định. Các em sau vài lần thuyết phục không thành, bắt đầu chỉ trích tôi ích kỷ, được bố mẹ thiên vị phần hơn. Thậm chí em thứ còn nói tôi ở gần nên xúi giục bố mẹ chia đất cho mình.
Tôi nhắc lại việc tất cả đã đồng thuận với di chúc khi bố mẹ vẫn còn, không có lý do nào để đến lúc này lại trách móc cả. Anh em tôi cãi nhau to. Người làng xì xào chuyện gia đình tôi mâu thuẫn vì tài sản thừa kế. Từ lần đó các em không về quê trong những dịp lễ tết nữa, chúng tôi chiến tranh lạnh.
Không muốn anh em bất hòa nhưng nghĩ đến sự vô lý của các em, tôi lại cảm thấy tức giận. Vợ khuyên tôi không nên làm ầm ĩ chuyện này, sau khó nhìn mặt các em. Nhóm chat gia đình im lìm nhiều tháng khiến tôi bức bối. Cho đến một hôm, tôi gửi vào đó một bức ảnh.
Đó là giấy báo nhập học đại học tôi tình cờ tìm lại được trong lúc dọn nhà. Không ai trong gia đình biết tôi từng được học bổng vào đại học nhưng lại từ bỏ vì tương lai của các em. Tôi nhắc lại kỷ niệm thơ bé, khi anh em chúng tôi chỉ ăn cơm với rau, có bánh kẹo, đồ ăn ngon người khác cho là lại nhường nhau, chia sẻ từng chút một. Vậy tại sao khi trưởng thành, mỗi người đều đầy đủ của cải vật chất hơn lại phải mâu thuẫn, khiến tình anh em sứt mẻ?
Vài ngày sau, các em đều lần lượt gọi cho tôi nói lời xin lỗi vì đã nói những lời không hay với tôi. Chúng hẹn ngày về nhà anh em ăn một bữa cơm chung. Tôi nói thẳng mong muốn mảnh đất này giữ làm của để dành, sau này nếu gia đình gặp khó, các em cần giúp đỡ bán đi cũng chưa muộn. Tôi vẫn nghĩ, nếu tài sản thừa kế trở thành lý do khiến mối quan hệ ruột thịt tan vỡ thì thật đáng tiếc và không mong gia đình nào phải lâm vào tình cảnh này.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chia-tai-san-thua-ke-ai-cung-dong-thuan-nhung-dat-tang-gia-3-em-trai-lai-trach-bo-me-thien-vi-toi-chi-gui-1-buc-anh-tat-ca-deu-xin-loi-172240506155006873.htm