Ngay sau khi đắc cử Tổng thống Argentina, ông Javier Milei đã có một số động thái cho thấy chính phủ mới sẽ coi trọng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.
Dưới thời ông Javier Milei, Argentina sẽ duy trì quan hệ với cả hai siêu cường. (Nguồn: Getty Images) |
Cụ thể, ngay sau khi ông Milei đắc cử Tổng thống Argentina, bà Diana Mondino, người được cho là sẽ trở thành Ngoại trưởng của chính quyền mới, đã gặp Đại sứ Trung Quốc Zhou Xiaoli. Bà đã chuyển lời của ông Milei, mời Chủ tịch Tập Cận Bình dự lễ nhậm chức ngày 10/12 tới.
Đáp lại, Đại sứ Zhou đã trao cho bà Mondino bức thư của Chủ tịch Tập Cận Bình chúc mừng chiến thắng của ông Milei, mong hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung.
Đây là thay đổi có ý nghĩa so với các tuyên bố không thân thiện với Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử của ông. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh từng cảnh báo việc hạ cấp quan hệ song phương sẽ có ảnh hưởng tiêu cực cho Argentina.
Theo bà Mondino, việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc cũng như Brazil là “vô lý”.
Với Mỹ, ông Milei tuyên bố sẽ thực hiện chuyến thăm nước này và Israel trước lễ nhậm chức. Điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/11, hai bên đã trao đổi về xung đột Israel-Hamas. Ông Milei ca ngợi vai trò của ông chủ Nhà Trắng trong tiến trình thúc đẩy thoả thuận ngừng bắn tạm thời giữa hai bên và thả con tin tại Dải Gaza.
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề khác như lương thực và năng lượng. Song nội dung cuộc thảo luận không nhắc tới khoản tiền Argentina nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay USD hoá nền kinh tế.
Về phần mình, ông Biden khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Buenos Aires. Đáng chú ý, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gửi lời chúc mừng và mong muốn sớm thăm Argentina. Trong chiến dịch tranh cử, ông Milei từng nhiều lần đề cập và ca ngợi ông Trump.
Nhận định về chính sách ngoại giao của Buenos Aires thời gian tới, bà Modino cho biết, chính quyền của ông Milei có ý định triển khai “ngoại giao hiện đại và tự do”.
Theo đó, đường lối đối ngoại trên sẽ tách khỏi hệ tư tưởng cũ, thay vào đó là sự thực dụng, với mục tiêu phát triển kinh tế và thúc đẩy xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ. Điều này đòi hỏi Buenos Aires phải có quan hệ tốt với cả hai siêu cường.
Những bước triển khai chính sách đối ngoại đầu tiên của chính phủ mới bắt đầu thể hiện đường hướng đó.