Tình hình kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh quý I/2023 có bước phát triển khá hơn so với cùng kỳ năm trước với tốc độ tăng trưởng đạt 4,08%. Đây có thể coi là những tín hiệu tích cực để tỉnh thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023.
Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức tăng 4,08%
Ngành thương mại – dịch vụ trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế do quý I/2023 với mức tăng trưởng 6,04%.
Quý I/2023, Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tác động tiêu cực từ lạm phát, suy thoái nền kinh tế thế giới làm giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn; thị trường sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; chi phí sản xuất, lãi suất ngân hàng tăng cao đã cản trở sức đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, tốc độ tăng trưởng GRDP vẫn đạt được mức tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2022 (GRDP của Hà Tĩnh quý I/2022 âm 3,38%), nằm tốp giữa trong 63 tỉnh, thành phố và cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước (GDP quý i/2023 cả nước là 3,32%).
Việc tập trung đẩy nhanh tiến độ Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 góp phần quan trọng trong tăng trưởng ngành xây dựng và kinh tế tỉnh nói chung.
Phân tích cụ thể, Cục trưởng Cục Thống kê Trần Thanh Bình cho biết: “Đóng góp vào tăng trưởng GRDP đạt 4,08%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,97%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,84%; khu vực dịch vụ tăng 6,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,54%. Việc tăng trưởng trong quý I là tín hiệu tích cực và là động lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong cả năm 2023”.
Ngành thương mại – dịch vụ trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Điều này có được do quý I trùng với thời điểm tết Nguyên đán, thị trường sôi động, sức mua hàng hóa tăng mạnh. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm đạt hơn 14.213 tỷ đồng, tăng 23,84%; doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt hơn 1.594 tỷ đồng, tăng 31,61% so với cùng kỳ năm 2022.
Các con số này cũng thể hiện sự phục hồi tích cực, rõ rệt của hoạt động du lịch và các dịch vụ so với cùng kỳ năm trước nhờ các chính sách mở cửa. Nhờ đó, lĩnh vực thương mại – dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh với mức tăng trưởng 6,04% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp đến 2,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Với việc tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng khối lượng lớn trên địa bàn, lĩnh vực đầu tư, xây dựng có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm. Có thể kể đến những con số ấn tượng như: tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt khoảng 9.864 tỷ đồng, tăng 46,08% so với cùng kỳ năm trước; tốc độ tăng trưởng của riêng ngành xây dựng tăng 13,69% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngành chỉ số giảm, phục hồi kinh tế còn lắm chông gai
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn công tác kiểm tra hoạt động sản xuất tại cụm công nghiệp Phú Vinh (TX Kỳ Anh) vào tháng 2/2023.
Trong khi lĩnh vực xây dựng, thương mại là những yếu tố tích cực cho tăng trưởng kinh tế tỉnh thì hoạt động công nghiệp trong quý I dù đã có sự phục hồi nhưng vẫn chưa thể đạt mức tăng trưởng dương (chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2022). Do vậy, tính chung tăng trưởng của khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 3,84% và đóng góp 1,61 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Theo Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp giảm là do tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn phải dừng hoạt động. Cùng với đó, việc sản xuất thép của Formosa Hà Tĩnh gặp khó khăn do chi phí tăng cao trong khi giá bán thấp khiến cho lượng hàng tồn kho lớn và phải cắt giảm sản lượng sản xuất từ giữa năm 2022 đến nay. Đây cũng là những nguyên nhân tác động làm sụt giảm mức tăng trưởng của ngành công nghiệp nói riêng cũng như kinh tế của tỉnh trong năm 2021 và 2022.
Lĩnh vực nông nghiệp thời điểm này đang tập trung chăm sóc cây trồng vụ xuân.
Với hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản, theo phân tích của Cục Thống kê, lĩnh vực trồng trọt trong quý I chủ yếu là thu hoạch cây vụ đông và sản xuất vụ xuân, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, giá nhiên liệu tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp gặp khó nên chưa có bước đột phá. Mặt khác, quy mô cũng như cơ cấu của khu vực này chiếm tỷ trọng khá nhỏ và chỉ đóng góp 0,21 điểm phần trăm trong mức tăng chung nên không thể làm “đòn đẩy” cho tăng trưởng kinh tế nói chung.
Phân tích của Cục Thống kê cũng cho thấy “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế hiện nay ở Hà Tĩnh cũng như chung của cả nước là thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; hàng hóa tồn kho lớn… Tính đến cuối tháng 3, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tăng 39,84% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là các sản phẩm như bia, thép, sợi.
“Điểm nghẽn” hiện nay là lượng hàng hóa tồn kho lớn với các sản phẩm chủ lực như thép, bia, sợi.
Những khó khăn trên đang được các ngành, doanh nghiệp tập trung khắc phục, tuy nhiên vẫn sẽ là thử thách lớn cho nền kinh tế Hà Tĩnh trong quý tới.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, trong quý II, các dự án xây dựng khối lượng lớn như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion, dự án khu nhà ở của Tập đoàn Hà Mỹ Hưng; tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 hòa lưới trở lại sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cùng với đó, cao điểm mùa du lịch bắt đầu được khởi động, các loại cây trồng vụ xuân cho thu hoạch… sẽ là những yếu tố được kỳ vọng có kết quả tốt trong quý tới.
Để thực hiện mục tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2023, các cấp, ngành cần phải tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện kịp thời, linh hoạt, quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm. Cục trưởng Cục Thống kê Trần Thanh Bình cho rằng, các đơn vị, địa phương cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi sản xuất vụ xuân, vụ hè thu năm 2023 và đẩy mạnh phát triển sản xuất chăn nuôi gắn với phòng dịch bệnh; tập trung giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đồng hành với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất và giá cả một số mặt hàng đang tăng cao; ổn định phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là trong mùa du lịch biển.
Và cùng với sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cần phải có sự đồng thuận và tích cực sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân. Có như vậy mới có thể thực hiện đạt được mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2023.
Ngọc Loan – Hoài Nam