Theo VARS, hiện các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng “vùng vẫy, quẫy đạp” và sẵn sàng “bấu víu” vào bất cứ chiếc phao cứu sinh nào. Tuy nhiên, những chiếc phao để cứu thị trường mà Chính phủ đưa ra vẫn chưa đến được với doanh nghiệp. Trong khi sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu không “ngoi lên” kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn “sặc nước, ngừng thở” đồng loạt.
Số liệu khảo sát của VARS cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ, chỉ còn 1.744 đơn vị.
Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các địa phương trên cả nước. Số lượng môi giới hoạt động chỉ còn khoảng 30 – 40% so với thời điểm cuối năm 2022.
Trong quý 1/2023, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án. “Nghèo nàn, kém hấp dẫn, thiếu hụt” là những từ chính xác để mô tả về thực trạng nguồn cung trong thời gian qua. Cụ thể, năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% năm 2018 (năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19). Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Đến quý 1/2023, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Thị trường thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn.
Thiếu nguồn cung phù hợp cộng với dòng tiền yếu và niềm tin bị sụt giảm, khiến cho lượng giao dịch năm 2022 và quý 1/2023 đều có chiều hướng đi xuống. Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018.
Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý 1/2023 chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường truyền thống của các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chủ yếu dựa vào các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án trên thị trường tại hầu hết các địa phương đều trong tình trạng “đắp chiếu”, chờ phê duyệt. Đơn cử như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh… trong tình hình kinh tế suy giảm, hiệu quả sử dụng và kinh doanh đặc biệt với bất động sản nghỉ dưỡng là rất thấp.
Về doanh thu, kết quả khảo sát của VARS với các hội viên cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý 1/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm tới 20 – 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70 – 80%.
Khó khăn trên cũng buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Dữ liệu từ 20 doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản lớn nhất (tính tại thời điểm ngày 31.12.2022) cho thấy, có tới 6 doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự đáng kể trong năm 2022. Tính chung, cả nước có trên 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động hơn 20% so với quý 2/2022.
VARS dự báo, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3/2023 và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay.