Hội nghị quốc tế Stockholm+50 do Đại hội đồng Liên hợp quốc triệu tập, được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển từ ngày 2-3.6.2022 bàn về vấn đề môi trường thế giới
Đó là chủ đề Ngày Môi trường thế giới 5.6.2022. Hơn một năm đã trôi qua, nhưng thực tế trái đất vẫn mỗi ngày một nóng lên, con người – mỗi giây trôi qua – đều vẫn phải đối mặt với những hậu quả tai hại của khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Không gian Hoa Kỳ(NASA), thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất là 0,1 nhưng đến 2020 con số ấy tăng lên 0,85 độ C. Vậy là trong vòng 40 năm, trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta, đã đạt đến mức nóng nhất trong khoảng 125.000 năm; băng tan chảy với mức độ chưa từng có khiến nước biển dâng lên khoảng 20 cm trong vòng 100 năm và tăng gấp đôi kể từ 2006 đến nay; nồng độ khí nhà kính ở mức cao nhất; các đợt nắng nóng thường xuyên, kéo dài, gây thiệt hại nặng nề… Các nhà khoa học khí hậu cho rằng, với tốc độ này, chỉ khoảng 20 -30 năm tới, nhiệt độ trái đất sẽ tăng đến 1,5 độ C. Khi ấy, gần một tỷ người sẽ phải trực tiếp đối mặt với những đợt nắng nóng chết người; hàng trăm triệu người sẽ rơi vào cảnh thiếu nước ngọt do hạn hán; nhiều loài sinh vật sẽ tuyệt chủng; nhiều vùng đất sẽ biến mất trong lòng đại dương…
Để trả lời câu hỏi: Nếu biến đổi khí hậu không thể kiểm soát, nhiệt độ trái đất tăng lên đến 3 hoặc 4 độ C, tương lai chúng ta sẽ đi về đâu, giáo sư Robert Kopp – một trong hàng trăm nhà khoa học, đồng tác giả của bản báo cáo về biến đổi khí hậu được mệnh danh là “Báo động đỏ cho nhân loại” – khẳng định rằng, lúc ấy, môi trường tự nhiên sẽ hoàn toàn thay đổi, xóa sổ hầu hết các loài sinh vật. Sự sống trên Trái Đất có thể vượt qua bằng cách tạo ra những loài sinh vật và hệ sinh thái mới nhưng con người không thể tồn tại theo cách này vì ngưỡng an toàn cao nhất của loài người chỉ có thể là 1,5 độ C.
Duy trì Tết trồng cây hằng năm là một trong các giải pháp thực hành lối sống xanh
Vậy chúng ta phải làm gì để duy trì ngưỡng an toàn, góp phần cứu tương lai nhân loại khỏi nguy cơ diệt vong bởi khủng hoảng khí hậu toàn cầu?
Chắc chắn đây là một việc khó nhưng không phải không làm được và buộc phải tiến hành ngay một cách toàn diện từ cá nhânđến chính phủ, trên tất cả các lĩnh vực, với phạm vi toàn cầu. Cần đầu tư một chương trình quy mô nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về biến đổi khí hậu. Sổ tay đánh thuế các bon của Uỷ ban thuế Liên hiệp quốc lập ngày 25.10.2021 cần được sử dụng một cách nghiêm túc và hiệu quả. Chúng ta cùng nhau xây dựng lối sống xanh bền vững và cần những nhân vật nổi tiếng ở tất cả các lĩnh vực tham gia tiên phong vì họ có tầm ảnh hưởng lớn, có thể định hình lại lối sống và phong cách tiêu dùng của rất nhiều người. Lối sống xanh ấy là tăng cường rau quả trong bữa ăn vì ngành chăn nuôi thải ra bầu khí quyển nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Nói không với thời trang nhanh vì đây là ngành gây ô nhiễm nặng thứ hai trên thế giới, thậm chí sẵn sàng dùng đồ second-hand để tạo phong cách riêng của mỗi người. Hãy gieo một hạt mầm hay trồng một cây xanh ở nơi nào ta dừng chân. Tiết kiệm năng lượng; ứng dụng công nghệ; hạn chế rác thải có hại cho môi trường…
Nếu chúng ta cùng chung sức từng bước làm được điều đó khe cửa hẹp sẽ mở ra đưa nhân loại vào ngưỡng an toàn 1,5 độ C.
Vậy sao ta không cùng bắt đầu ngay để gieo mầm hy vọng?
HẢI YẾN