Báo cáo mới nhất của FiinRatings cho biết trong tháng 4 chỉ ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu riêng lẻ được phát hành với giá trị 671 tỷ đồng. Như vậy, quy mô phát hành chỉ tương đương 2,5% so với tháng 3 và 2,25% so với cùng kì năm ngoái.
Lô trái phiếu này do Công ty North Star Holdings phát hành và có kỳ hạn trong 16 tháng, lãi suất 14%/năm. Đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất được ghi nhận từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn trong tháng 4 rơi vào gần 11.300 tỷ đồng, giảm 41,61% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. FiinRatings cho biết hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, chiếm 61%.
Giá trị trái phiếu ngân hàng được các tổ chức này mua lại tăng 5,64 lần so với tháng trước và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đến từ các ngân hàng lớn như VIB, Sacombank, VPBank và BIDV. Hầu hết lô trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng mua lại (8/12 lô trái phiếu) sở hữu kỳ hạn 3 năm và có thời gian đáo hạn còn lại 1 hoặc 2 năm (đáo hạn vào 2024 hoặc 2025).
Cũng trong báo cáo này, FiinRatings cho biết tính đến ngày 4/5, tỷ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng với 98 tổ chức phát hành và giá trị chậm trả lên tới 128.500 tỷ đồng, tăng 13,6% so với lần cập nhật gần nhất.
Theo đơn vị xếp hạng tín nhiệm này, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận một số hoạt động tái cơ cấu nợ trái phiếu theo Nghị định 08. Theo đó, Công ty Bất động sản Phát Đạt đã gia hạn lô trái phiếu trị giá 148 tỷ đồng vào ngày 4/5, đi kèm với đó là việc nâng cao lãi suất đến ngày đáo hạn.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Sovico cũng gia tăng kỳ hạn 52 gói trái phiếu từ 36 tháng lên 60 tháng. Các lô trái phiếu trên của tập đoàn sẽ được dời thời gian đáo hạn tới quý II/2025 sau khi có sự đồng ý của trái chủ.
(Nguồn: Zing News)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ