Trở về sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 45 năm tại Pò Hèn (TP Móng Cái, Quảng Ninh), người lính già Hoàng Như Lý càng thấm thía giá trị của hòa bình, ông nói “Chỉ có hòa bình mới đem lại hạnh phúc cho các bên”.
Bỏ lại bao lo toan, tất bật của những ngày cuối tháng Chạp 2023, chúng tôi lên biên giới TP Móng Cái (Quảng Ninh) để tìm gặp ông Hoàng Như Lý (72 tuổi), người lính từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 45 năm tại Đồn biên phòng Pò Hèn (TP Móng Cái), sáng 17/2/1979.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Nhân Tông của xã Hải Xuân (TP Móng Cái), ông kể, mùa Xuân năm 1972 nghe theo tiếng gọi của Đảng ông lên đường nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang.
Sau gần 4 tháng huấn luyện tân binh ở D19 thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, đóng quân ở Hải Phòng, ông Lý và đồng đội được điều về Đồn biên phòng 209 Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) vào ngày 18/9/1972.
“Lúc đó đồn Pò Hèn nằm sát bờ sông biên giới. Gọi là đồn nhưng chỉ là ngôi nhà ngăn thành nhiều gian phòng, được xây bằng gạch đất lợp ngói đen, cửa gỗ bằng các miếng ván ghép lại. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang được thành lập thì bắt đầu có đồn này”, ông Lý nhớ lại.
Người lính già kể tiếp, thời điểm đó, đồn Pò Hèn chưa có điện lưới, sinh hoạt vào buổi tối chỉ bằng đèn dầu.
Ông Lý và đồng đội nghỉ ngơi một ngày, sau đó được biên chế vào tiểu đội vũ trang, với nhiệm vụ chính là tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới.
Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, Mỹ đã ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, ông Lý được cử đi học lớp hạ sỹ quan trinh sát biên phòng.
Thung lũng Ba Mô thuộc địa phận Lương Sơn (Hòa Bình) là thao trường luyện tập thường xuyên của ông Lý và đồng đội.
Ông nhớ lại, ngày khai giảng thầy giáo của ông từng nói: “Trường đào tạo này được coi là như lò luyện vàng, luyện vàng ra vàng, thau ra thau. Đồng chí nào vượt qua ngưỡng cửa trường đào tạo này sẽ trở thành hạt giống nòng cốt cho lực lượng sau này, còn đồng chí nào không chịu rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên sẽ tự đào thải”.
Cuối cùng sau 22 tháng, ông Lý đã vượt qua và hoàn thành tốt khóa đào tạo. Sau đó, ông trở về Đồn biên phòng 209 Pò Hèn công tác và trở thành một trinh sát viên có tuổi đời, tuổi quân còn rất trẻ.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới nói trên, ông Lý may mắn sống sót trở về với thương tích 18%. Sau này ông chuyển ngành về làm công nhân lâm nghiệp, chấm dứt đời binh nghiệp.
Hết thời gian binh nghiệp, ông Lý trở về TP Móng Cái sinh sống, lập nghiệp cho đến nay đã hơn 40 năm.
Ông kể, vợ ông – bà Đỗ Thị Thơm (70 tuổi) là nữ y sỹ hộ sinh từng công tác tại phân viện Pò Hèn thời kỳ 1976-1978 – cơ sở khám chữa bệnh cho quân và dân khu vực Pò Hèn, Thán Phún (xã Hải Sơn, TP Móng Cái ngày nay).
Cuối năm 1978, phân viện Pò Hèn được lệnh rút về tuyến sau ở xã Tràng Vinh để phục vụ quân dân ở nơi đây. Một thời gian sau, nữ y sỹ hộ sinh này chuyển về trung tâm Bệnh viện Móng Cái công tác.
“Chúng tôi cưới nhau vào cuối năm 1979 và sinh được hai người con, một trai, một gái. Các con chúng tôi giờ đã trưởng thành, đều là cán bộ công chức nhà nước”, ông Lý kể.
Nhớ lại thời kỳ khó khăn khi rời nghiệp lính, ông Lý kể, vợ chồng ông đã làm đủ nghề để kiếm sống. Có thời điểm, gia đình ông tiếp quản cửa hàng cơm của lâm trường để kinh doanh, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.
Bà Đỗ Thị Thơm chia sẻ thêm, giai đoạn này hai vợ chồng rất tích cực làm việc, bà vừa làm nhà nước, vừa cùng chồng làm thêm công việc nông nghiệp như cấy lúa, trồng rau, nuôi trồng thủy sản,…
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng bà Thơm luôn sát cánh bên chồng để cùng nhau vượt qua gian khó.
Còn theo ông Lý, những người lính may mắn sống sót từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm xưa trở về địa phương mỗi người một nơi, tất cả đều tự thân vận động để vươn lên thoát khỏi khó khăn của cuộc sống, nhằm xóa đói, giảm nghèo cho gia đình.
Ông Lý kể, Việt Nam và Trung Quốc đã khép lại quá khứ để cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp nơn, chính vì vậy, thời gian qua đường biên giới giữa Việt – Trung luôn được duy trì hòa bình và hai nước liên tục củng cố, nâng cấp mối quan hệ.
Từ sau khi bình thường hóa năm 1991, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, toàn diện và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng và an ninh,…
Cũng chính nhờ sự thành quả duy trì mối quan hệ hòa bình giữa hai nước mà đời sống nhân dân địa phương hai bên được nâng lên.
Ông Lý nhớ, giai đoạn từ 1991 đến năm 1997, ông đã từng giao lưu buôn bán với các bạn hàng Trung Quốc để nhập hàng đầu máy xe công nông về nước bán cho người dân.
Cũng chính khoảng thời gian giao lưu buôn bán trên đã giúp cuộc sống gia đình ông Lý thay đổi. Ông đã có tiền để sửa sang nhà cửa, lo cho các con ăn học thành người.
“Chỉ có trải qua cuộc chiến tranh mới thấu hiểu được giá trị của hòa bình. Chỉ có hòa bình mới đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân hai bên. Chỉ có hòa bình mới phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội được”, theo lời ông Lý.
Ông kể tiếp, những năm trước đây, địa bàn xã Hải Xuân, khu vực nơi ông Lý sinh sống rất phức tạp về vấn nạn mua bán ma túy. Biết ông có nghiệp vụ công an, lại là người lính từng vào sinh, ra tử ở chiến địa Pò Hèn năm xưa, Công an xã Hải Xuân đã vận động ông tham gia làm công an an xã bán chuyên trách.
Suy nghĩ một đêm, cuối cùng ông Lý đã nhận lời làm công an xã bán chuyên trách và ông làm công việc này đến nay đã 17 năm.
Có sự hỗ trợ của ông Lý, tình hình an ninh trên địa bàn đã được đảm bảo, tệ nạn sử dụng và mua bán ma túy khu vực ông sinh sống đã giảm hẳn.
Cái uy của người lính và có nghiệp vụ trong người, khiến các đối tượng “cộm cán” trên địa bàn cũng phải nể sợ và cúi chào mỗi khi gặp ông.
“Vài năm trước đây, vấn nạn ma túy khu vực này phức tạp lắm. Buổi sáng các đối tượng tụ tập mua bán ma túy vào thời điểm người dân đi chợ, trẻ con đi học nên nhiều người rất sợ. Tôi cùng với công an xã quản lý các đối tượng nghiện, dần dần mới giải tán được “chợ” mua bán ma túy này”, ông Lý cho biết.
Ngoài ra, ông Lý còn phát hiện sớm và vận động, hòa giải thành công các tụ điểm phức tạp về khiếu kiện liên quan đến đất đai trong nhân dân, không để phát sinh thành các điểm nóng, kéo dài.
Ông Lý tham gia công tác xã hội và luôn được người vợ Đỗ Thị Thơm hết mực ủng hộ, bà nói “Ông ấy có nghiệp vụ công an, nghiệp vụ người lính nên các đối tượng xấu cũng có chút e dè. Giờ các con cái trưởng thành, ông ấy lại càng yên tâm cho hoạt động công tác xã hội, bà con thôn xóm rất quý ông ấy”.
Ghi nhận những thành tích đó, tháng 11/2023 vừa qua, ông Lý vinh dự là cá nhân duy nhất trong lực lượng công an viên bán chuyên trách của Công an tỉnh Quảng Ninh được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.
Không chỉ tham gia công việc công an viên, ông Lý còn tham gia làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hải Xuân. Ông cũng rất tích cực đóng góp và tham gia các phong trào của địa phương.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Thanh Huyền, Chủ tịch UBND xã Hải Xuân nhận xét: “Ông Lý là một cựu chiến binh mẫu mực, gia đình ông rất gương mẫu. Chúng tôi rất may mắn có được một công dân gương mẫu như ông Lý. Ông ấy rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương”.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hải Xuân, trong thời gian Covid-19, ông Lý rất tích cực cùng chính quyền xã tham gia công tác tuyên truyền và chống dịch. Ông là người tuổi đã cao nhưng rất tích cực “đi tưng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, tuyên truyền người dân trên địa bàn cùng tham gia chống dịch.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hải Xuân, ông Lý rất tích cực và quan tâm đến công tác chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi trên địa bàn.
“Ông Lý có chiếc ô tô con loại KIA Morning và ông trực tiếp chở hội viên Hội Người cao tuổi của xã đi tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người cao tuổi trên địa bàn. Ông Lý là tấm gương sáng, tạo một tinh thần rất lớn cho anh em cán bộ trẻ chúng tôi học hỏi, noi theo”, ông Huyền chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Hải Xuân chia sẻ thêm, nhiều người vẫn nghĩ những người lớn tuổi sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi thường ít đến cơ quan, nhưng ông Lý ngày nào cũng đều đặn đến làm việc như một cán bộ công chức xã đang còn tuổi công tác. Ông làm việc rất tận tụy, trách nhiệm với công việc nên được nhiều người quý mến, học hỏi làm theo.
TP Móng Cái nằm trong vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, là điểm kết nối quan trọng trong hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Trên địa bàn hiện có 1 cửa khẩu quốc tế với 2 khu vực: Cầu Bắc Luân I, cầu Bắc Luân II.
Trong đó khu vực cầu Bắc Luân II kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc Móng Cái – Vân Đồn – Hạ Long – Hải Phòng – Hà Nội. Đây là hành lang đường bộ quan trọng kết nối với các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng miền.
Hiện nay, cửa khẩu Móng Cái đã được bố trí trang thiết bị hiện đại, đầy đủ. Các ngành cửa khẩu triển khai đồng bộ việc đẩy mạnh công nghệ thông tin trong việc thực hiện các thủ tục khai báo điện tử, mang lại hiệu quả tiết kiệm nhân lực, nâng cao năng lực giám sát, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại địa phương này còn nghiên cứu, thí điểm thực hiện mô hình cửa khẩu số tại cầu Bắc Luân II.
Từ tháng 3/2023, cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng, Trung Quốc (khu vực cầu Bắc Luân II) trở thành cửa khẩu đường bộ được phép làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng lương thực từ Việt Nam và các nước ASEAN sang Quảng Tây (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, từ 6/12/2023, cửa khẩu đường bộ Đông Hưng (khu vực cầu Bắc Luân II) được phép làm thủ tục nhập khẩu thêm 3 mặt hàng nông sản, từ đó sẽ nâng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn TP Móng Cái.
Từ thành tựu chung của Móng Cái nói trên đã giúp Pò Hèn đổi thay, phát triển về mọi mặt.
Trong những năm qua xã Hải Sơn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh, TP Móng Cái quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ. Từ đó, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc, mức thu nhập của người dân tăng cao, đạt trên 65 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 xã không còn hộ nghèo.
Đặc biệt xã Hải Sơn được Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đầu tư, nâng cấp hoàn thiện đường quốc lộ 18C và đưa vào sử dụng năm 2023. Tuyến đường này đã tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao thương hàng hóa với các vùng miền. 100% đường làng, ngõ xóm của xã đều được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp.
Gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, hàng năm TP Móng Cái và xã Hải Sơn đã tổ chức các sự kiện lớn tại địa phương như: Lễ hội Hoa sim biên giới, Ngày hội Văn hóa – Thể thao và Du lịch các dân tộc xã Hải Sơn, Chợ phiên Pò Hèn, thu hút đông đảo du khách thập phương đến với lễ hội và đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho người dân.
Thiết kế: Thủy Tiên
Dantri.com.vn