Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo ban, bộ, ngành liên quan, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ H.Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) có tổng chiều dài khoảng 519 km, đi qua 9 tỉnh, gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, và Hưng Yên. Dự án do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT, thuộc Tập đoàn Điện lực VN – EVN) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 22.356 tỉ đồng.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN, cho biết công tác giải phóng mặt bằng cho dự án vẫn còn nhiều vướng mắc, như đoạn Nam Định – Thanh Hóa mới bàn giao được 175/180 vị trí móng, và 35/75 khoảng néo; đoạn Quảng Trạch (Quảng Bình) – Quỳnh Lưu (Nghệ An) và Quỳnh Lưu (Nghệ An) – Thanh Hóa mới cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt bản đồ trích đo, và đang thực hiện công tác vận động để tạm ứng chi trả bồi thường, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Sau khi nghe các địa phương và các đơn vị liên quan báo cáo tiến độ thực hiện dự án cũng như những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật quan điểm trong triển khai dự án là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công làm việc với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”; “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”; “thi công 3 ca, 4 kíp”; “làm việc xuyên lễ, xuyên tết”, bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia, có tính cấp bách, có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, nhất là đối với khu vực miền Bắc.
“Với tinh thần không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Chính phủ, Thường trực Chính phủ đặc biệt quan tâm việc thực thi các dự án đường dây 500 kV mạch 3. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các địa phương liên quan, đặc biệt là các địa phương có đường dây đi qua. Nhiệm vụ này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội đến người dân với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm có trọng tâm, trọng điểm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý đây là lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của toàn dân, không phải việc của riêng ai, nên cùng với các đơn vị chủ công, nòng cốt, thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, huy động sức mạnh tổng lực để triển khai, bù lại tiến độ, thời gian bị chậm trước đây, quyết tâm hoàn thành, đưa vào vận hành công trình trước ngày 30.6.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm kỹ thuật, chất lượng công trình; bảo đảm không có tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; bảo đảm an toàn lao động, không để xảy ra sự cố đáng tiếc cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.