Hai đại diện của hai thời kỳ trên "con thuyền" chèo về quê hương có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ: Đinh Thảo và Nguyễn Hoàng Hiệp.
Chúng tôi vận hành dự án phi lợi nhuận, nhưng trong một số hoạt động, chúng tôi quyết định thu một khoản tiền nhỏ để mọi người có góc nhìn khác: trả tiền để đón nhận giá trị. Vì chèo, xẩm, quan họ - những giá trị truyền thống không đáng thương đến mức cần "giải cứu".
"Con thuyền" ngược dòng
* 10 năm trước là thời kỳ các bạn trẻ 9X say mê với rock, rap, pop, nhưng các bạn lại chọn nghệ thuật chèo cho một dự án cộng đồng, vì sao vậy?
- Đinh Thảo: Chúng tôi cũng không nằm ngoài dòng chảy chung thích những thứ sôi động, hiện đại.
Với nghệ thuật truyền thống, tôi cũng như các bạn khác từng rất xa lạ. Một lần khi tôi còn học đại học, vào giờ âm nhạc dân tộc cổ truyền, cô giáo trình chiếu một video về nghệ thuật hát xẩm, tôi thấy khá khó nghe.
Tôi đi tìm và bắt gặp những người bạn trong cuộc thi "Tôi 20" có cùng sự quan tâm, ý tưởng trong việc tạo dựng những sân chơi tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật cổ truyền giống như mình.
"Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" bắt đầu có hình hài từ đó.
Chúng tôi học và làm việc ở nhiều lĩnh vực, nhưng không có nhiều người học trường nghệ thuật.
Cho tới bây giờ Chèo 48h đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia, trong đó có những bạn học các ngành văn hóa, nhân văn, cũng có bạn học kỹ thuật, có bạn là bác sĩ, làm việc trong doanh nghiệp.
Sân chơi chúng tôi gây dựng không phải dành riêng cho người học bài bản lĩnh vực nghệ thuật mà cho những ai yêu mến, trân trọng giá trị truyền thống.
* Vì sao là "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương"?
- Đinh Thảo: Thời đó, mỗi lần chúng tôi họp hành hay cùng nhau làm gì đó đều tình cờ khoảng hai ngày, nên chúng tôi chọn khoảng thời gian đó để đặt tên.
Khi đó cũng chỉ nghĩ sẽ làm dự án về nghệ thuật chèo và duy trì khoảng một năm sau khi nhận giải và được "Tôi 20" đầu tư kinh phí hoạt động. Nhưng chúng tôi cũng có những bất ngờ về sự quan tâm và gắn bó của một số bạn trẻ.
Chúng tôi càng gắn bó càng say mê. Thành viên nhóm không chỉ là những người tổ chức, điều hành, quảng bá mà chúng tôi cũng học, cũng thực hành và đến một lúc chúng tôi thấy không dừng lại được mà phải tiếp tục.
* Vậy là với "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" có thể hình dung con thuyền của các bạn từng đã ngược dòng và giờ đây nó đang hòa vào một dòng chảy thuận buồm xuôi gió?
- Nguyễn Hoàng Hiệp: Là một người trẻ, tôi thấy nhận xét "người trẻ quay lưng với truyền thống" không còn đúng lúc này.
Nhưng ở 7 - 10 năm trước, các anh chị của Chèo 48h vất vả hơn.
Tôi nhớ chị Ánh (một thành viên) khi phỏng vấn các bạn trẻ ở hồ Gươm (Hà Nội) với câu hỏi "Các bạn có biết gì về chèo không?", có những bạn đã ngơ ngác trả lời "Là chèo thuyền á?".
Khó khăn khi đó là bộ môn xa lạ với người trẻ, các anh chị thời kỳ đầu cũng khó khăn khi tiếp xúc với đối tác, các nhà tài trợ vì bị hoài nghi về tính nghiêm túc, tính khả thi.
Các anh chị đó phải có rất nhiều nhiệt huyết thì mới vượt qua được khó khăn đó.
Để người trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống, sự đóng góp của những người như các anh chị khởi lập Chèo 48h rất quan trọng.
Bên cạnh đó có các nghệ sĩ trẻ cũng quay về truyền thống và tạo nên sự lan tỏa, các phương tiện thông tin đại chúng, nhà trường cũng có nhiều hoạt động quan tâm. Sự cộng hưởng đó mang đến thành quả như hiện nay và tôi chỉ là người tiếp quản và duy trì tiếp thành quả.
Có thể tôi hơi lạc quan nhưng từ những bạn trẻ tôi tiếp xúc qua các lớp học, các workshop của Chèo 48h, chúng tôi nghĩ mình đã có một lựa chọn đúng cho hành trình.
Cá nhân tôi không nghĩ mình sẽ gắn bó với nghệ thuật truyền thống, vì từng học một ngành khác và cũng được gia đình định hướng làm nghề khác. Nhưng giờ thì đã lỡ say mê. Đây là nơi có thể cho tôi năng lượng tích cực.
Trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng vẫn bắt đầu từ gốc
* Cách làm của các bạn để đưa nghệ thuật truyền thống đến với các bạn trẻ ra sao? Và một câu hỏi không thể không có: kinh phí hoạt động từ đâu?
- Đinh Thảo: Chúng tôi có các lớp học về chèo, xẩm, quan họ với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ, nghệ nhân.
Ở lớp học, các bạn sẽ có hiểu biết căn bản về các môn nghệ thuật truyền thống này và thực hành hát, sử dụng nhạc cụ và tham gia các show diễn mini.
Ngoài ra chúng tôi có các workshop, các chương trình trải nghiệm, hành trình cùng về những địa danh là cái nôi của các môn nghệ thuật truyền thống...
Chúng tôi kết nối với các cơ quan, tổ chức văn hóa để từ thành quả có được, xây dựng các sản phẩm có thể kết hợp trình diễn.
Ví dụ như kết hợp với Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam tổ chức thường xuyên các show diễn nhỏ trong lòng phố cổ để tăng thêm giá trị cho không gian di sản trong lòng phố. Chúng tôi cũng kết hợp với các trường đại học tổ chức các chương trình cho sinh viên.
Về kinh phí, chúng tôi có hai năm 2014 - 2015 nhận được hỗ trợ từ "Tôi 20". Từ năm 2016 cho tới hiện tại, chúng tôi hoạt động độc lập và tự lo kinh phí trang trải. Các workshop, lớp học có thu tiền ở mức có thể hỗ trợ chi phí thực tế.
Chúng tôi vận hành dự án phi lợi nhuận, nhưng trong một số hoạt động, chúng tôi quyết định thu một khoản tiền nhỏ để mọi người có góc nhìn khác: trả tiền để đón nhận giá trị. Vì chèo, xẩm, quan họ - những giá trị truyền thống không đáng thương đến mức cần "giải cứu".
* Chèo 48h bây giờ có gì mới so với thời kỳ đầu? Khi gen Z tiếp quản, các bạn có ý tưởng kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, ứng dụng công nghệ trong việc lan tỏa?
- Nguyễn Hoàng Hiệp: Ngoài hoạt động lớp học, hiện nhóm cũng tổ chức các chương trình tái hiện không gian của chèo hát xẩm hay các canh quan họ cổ.
Các chương trình đảm bảo ba yếu tố: biểu diễn, chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm từ các nghệ sĩ, nghệ nhân hay thành viên của Chèo 48h tham gia biểu diễn và phần tương tác, trao đổi với khán giả.
Chúng tôi cũng chú ý đến các trải nghiệm với nhiều giác quan cho các bạn trẻ. Các bạn sẽ được nghe hát, nghe kể chuyện, được chạm vào nhạc cụ và các bộ trang phục biểu diễn.
Trong chương trình, các bạn có thể ứng dụng AI để soạn các lời mới cho một làn điệu của xẩm. Với những lời thơ soạn cho làn điệu giao duyên các bạn trẻ có thể tặng cho nhau, hát cho nhau.
Đó cũng là những điểm mới phù hợp với các bạn trẻ. Tuy nhiên chúng tôi luôn phải giữ những giá trị cốt lõi mà Chèo 48h đã làm trước đó, không để chệch hướng.
* Giá trị cốt lõi đó là gì?
- Là kết nối để người trẻ hiểu được giá trị truyền thống. Muốn thế phải bắt đầu từ gốc để các bạn hiểu về chèo, xẩm, quan họ cổ.
Đi cùng đó là nhạc cụ, là trang phục, là cách đối đáp, thưa gửi, ứng xử, phong tục truyền thống. Các bạn quan tâm tới nghệ thuật truyền thống cần hiểu rõ gốc rễ thì sau đó mới có thể sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền giá trị truyền thống được.
Ví dụ cùng với những làn điệu của xẩm, chúng tôi giới thiệu với các bạn trẻ về các loại nhạc cụ, vai trò của chúng trong gánh hát xẩm, đặc trưng của các gánh hát xẩm.
Với quan họ, chúng tôi cũng muốn đưa các bạn trẻ về với canh hát quan họ cổ để hiểu vì sao người xưa gọi là "chơi quan họ" chứ không phải biểu diễn như trên sân khấu.
Đinh Thảo tốt nghiệp ngành âm nhạc học Học viện Âm nhạc quốc gia và Nguyễn Hoàng Hiệp tốt nghiệp ngành văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Cả hai bạn hiện làm việc cho Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Nhưng "Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương" là một trong nhiều dự án cộng đồng độc lập hai bạn đã tham gia và là thành viên chủ chốt.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cheo-thoi-ai-nguoi-tre-quay-lung-voi-truyen-thong-khong-con-dung-luc-nay-20240612095717988.htm
Bình luận (0)