Chèo cạn-múa bông và trăn trở bảo tồn

Việt NamViệt Nam06/02/2025


(QBĐT) - Các xã biển của TP. Đồng Hới vốn có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú và dù trải dài qua những biến thiên của lịch sử, may mắn nhiều giá trị truyền thống vẫn còn được bảo tồn, phát huy nguyên vẹn đến tận hôm nay. Nhiều trong số đó chính là “kho tàng” quý để phát triển du lịch, lan tỏa các di sản tinh thần của cha ông, đặc biệt, chèo cạn-múa bông là “điểm nhấn” không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội hay sự kiện trọng đại của địa phương. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy hiệu quả của loại hình văn hóa văn nghệ dân gian này, vẫn còn nhiều việc phải làm.

 

Câu lạc bộ (CLB) chèo cạn-múa bông phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) được thành lập từ năm 2023, nhưng theo ông Hoàng Thanh Nghĩa (80 tuổi, chủ nhiệm CLB), cách đây hơn 20 năm, những người yêu quý chèo cạn-múa bông đã thực sự “tụ hội”, miệt mài bảo tồn vốn quý văn hóa của cha ông truyền lại.

 

Dù nhiều khó khăn, CLB vẫn duy trì hoạt động, tập luyện biểu diễn, chủ yếu tại lễ hội xuân thủ kỳ yên (rằm tháng hai) và lễ hội cầu ngư (rằm tháng tư) hàng năm. Các thành viên đa dạng ngành nghề, chủ yếu là buôn bán kinh doanh, nhưng rất nhiệt tình, tích cực tham gia dù: “Học chèo cạn-múa bông theo đúng bài bản là rất khó, mất nhiều công sức, thời gian”, như ông Hoàng Thanh Nghĩa chia sẻ.

 

Miệt mài với loại hình nghệ thuật này suốt mấy chục năm qua, nghệ nhân Hoàng Thanh Nghĩa tâm sự, chính đam mê và trách nhiệm gìn giữ di sản đã giúp ông có nhiều động lực, quyết tâm để sưu tầm, nghiên cứu, học hỏi và hoàn thiện chèo cạn-múa bông của phường Hải Thành.

Lễ hội chèo cạn-múa bông là một trong những điểm nhấn nổi bật của Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới.
Lễ hội chèo cạn-múa bông là một trong những điểm nhấn nổi bật của Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới.

Bởi, mặc dù cùng là chèo cạn-múa bông, nhưng mỗi xã biển ở TP. Đồng Hới lại có những nét đặc thù khác biệt. Riêng chèo cạn của làng Động Hải xưa có từ 11-12 điệu, như: Nói lối, mái nhì, hò khoan, hò mái ba, hò mái nện, hò dạo, hò he, hò đệm, hò dập chèo… Mấy năm nay, ông đang nghiên cứu tập hợp tư liệu về múa bông để có thể đưa ra trình diễn vào đầu năm 2026. Múa bông lục cúng hoa đăng là sự cân bằng giữa âm-dương, xếp 8 chữ và cần nhiều người, không gian rộng lớn. Hiện nay, ông tìm tòi cách múa vẫn giữ bản sắc cũ nhưng cần ít người hơn, không gian hẹp hơn với 6 màn múa để phù hợp với bối cảnh hiện đại.

 

Vất vả, tâm huyết, nhưng thật sự nguồn kinh phí duy trì các hoạt động của CLB luôn là điều trăn trở. Thời gian qua, ngành văn hóa và thành phố đã dành nhiều sự quan tâm trong các hoạt động tập huấn và biểu diễn chèo cạn-múa bông. Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới hàng năm đều tổ chức lễ hội chèo cạn-múa bông, thu hút đông đảo người xem, nhất là khách du lịch, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của địa phương.

 

Tuy nhiên, để duy trì hoạt động thường xuyên cho CLB, chú trọng nâng cao chất lượng và có thể triển khai các giải pháp bảo tồn lâu bền cho chèo cạn-múa bông làng Động Hải, vẫn cần nguồn kinh phí thường xuyên, bền vững. Ngoài ra, thiếu lớp kế cận cũng là một nỗi lo của những người tâm huyết với chèo cạn-múa bông như nghệ nhân Hoàng Thanh Nghĩa. Thành viên của CLB chủ yếu ở tuổi trung niên, ngay lớp nghệ nhân lớn tuổi cũng rất ít ỏi, bản thân ông Hoàng Thanh Nghĩa đã 80 tuổi là người trực tiếp hướng dẫn về chèo cạn-múa bông cho thành viên CLB.


Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Đồng Hới Hoàng Thế Việt cho biết, thời gian qua, thành phố đã dành nhiều sự nỗ lực, quan tâm bảo tồn và phát huy chèo cạn-múa bông. Tuần Văn hóa-Du lịch thành phố hàng năm đều đưa lễ hội này vào hoạt động chính và thành phố dành nguồn kinh phí giao cho xã Bảo Ninh tổ chức các hoạt động của lễ hội. Thời gian tới, với nguồn lực được hỗ trợ từ tỉnh, các CLB văn hóa văn nghệ dân gian nói chung, về chèo cạn-múa bông nói riêng trên địa bàn thành phố sẽ được “tiếp sức” để duy trì hoạt động và tiếp tục hành trình bảo tồn, phát huy di sản truyền thống địa phương.

Còn tại xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), chị Nguyễn Thị Quỳnh, công chức văn hóa-xã hội xã cho biết, trên địa bàn xã không có CLB nào về chèo cạn múa bông mà chỉ duy trì các đội biểu diễn ở các thôn. Theo đó, mỗi khi có sự kiện cần huy động nhân lực như lễ hội chèo cạn-múa bông, các đội sẽ tập trung tập luyện. Trước đây, trên địa bàn xã có một số nghệ nhân chuyên hỗ trợ các đội tập luyện và nghiên cứu về chèo cạn-múa bông. Tuy nhiên, giờ các cụ cũng đã tuổi cao sức yếu hoặc qua đời, trong khi các nghệ nhân am tường về chèo cạn-múa bông lại khá hiếm hoi.

Theo Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình Đặng Thị Kim Liên, riêng về chèo cạn-múa bông trên địa bàn TP. Đồng Hới còn lại rất ít nghệ nhân. Cái khó là phải giữ đúng cái gốc của chèo cạn-múa bông vùng cửa biển Nhật Lệ, không pha tạp, trộn lẫn với những loại hình khác. Trong khi đó, để bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa văn nghệ dân gian này rất cần thiết có những giải pháp bền vững, nhất là hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động của các CLB, đội chuyên về chèo cạn-múa bông. Ngoài ra, cũng cần có sự giúp sức kịp thời để tiếp tục các công tác nghiên cứu, tìm hiểu về chèo cạn-múa bông nhằm gìn giữ, phát huy hiệu quả giá trị vốn quý cha ông để lại.

Mai Nhân



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202502/cheo-can-mua-bong-va-tran-tro-bao-ton-2224194/

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available