Biến ý tưởng thành hiện thực sinh động
Câu chuyện diễn ra từ 10 năm trước, nhưng với Đinh Thị Thảo và một số thành viên sáng lập của Chèo 48h thì nó như vừa mới ngày hôm qua. Đinh Thị Thảo – trưởng nhóm dự án nhớ lại, năm 2013, nhóm của bạn khám phá ra rằng người trẻ thiếu những sân chơi và môi trường để tìm hiểu nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương hay ca trù… khi đó chỉ được diễn xướng tại nhà hát và chiếu trên tivi, người trẻ hầu như không có thông tin gì về các bộ môn này, chứ chưa nói tới việc yêu thích.
Từ có chung ý tưởng thành lập một hội để mọi người cùng tham gia, cùng trải nghiệm, Thảo và nhóm bạn sau khi may mắn chiến thắng cuộc thi “Ý tưởng tôi 20” đã giành được sự hỗ trợ từ các tổ chức gồm tài chính và truyền thông, để chính thức khởi động dự án Chèo 48h.
Với hai mảng “Tháng chèo khám phá” và “Tuần chèo trải nghiệm”, thông qua những hoạt động tương tác về nguồn gốc, đặc trưng, kỹ thuật cơ bản của chèo dân gian; thực hành kỹ thuật hát chèo, múa chèo cơ bản dưới sự hướng dẫn của các nghệ sỹ chèo; làm quen với trang phục, nhạc cụ trong chèo; thăm nhà hát, nơi luyện tập của nghệ sỹ, thực tế tại các nôi của chèo… Dự án Chèo 48h cùng với sự giúp đỡ của Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Thanh Bình (chèo), nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Kha (chèo) và đạo diễn Lê Tuấn Cường (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam),… nhanh chóng gây ấn tượng mạnh với giới trẻ, trở thành sân chơi thực sự bổ ích, giúp họ vừa chơi vừa học, vừa được tìm hiểu những giá trị đặc sắc của chèo nói riêng và âm nhạc dân gian nói chung.
Tiếng lành đồn xa, Chèo 48h tiếp tục tạo ra nhiều lớp như Xẩm 48h, Quan họ 48h… đồng thời, dự án còn lan tỏa trong cả trường học như chương trình hợp tác với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình về tới trường học, giúp các bạn sinh viên có cơ hội được tiếp cận gần hơn với nghệ thuật truyền thống.
Không dừng lại ở đó, Chèo 48h còn đến với cả các em nhỏ và học sinh các trường tiểu học. Những buổi trải nghiệm về nghệ thuật truyền thống tại đình Hào Nam, hay một số khóa giới thiệu ngắn về chèo tại 2 trường mầm non ở Hà Nội… cho các cháu từ 5 tuổi đến 13 tuổi mang đến những thành công vượt ngoài mong đợi của các thành viên nhóm dự án. Mà thành quả cụ thể là hàng loạt giải thưởng như giải Nhất cuộc thi Ý tưởng tôi 20 năm 2014, giải Ba cuộc thi FBAIC của trường Ngoại thương Hà Nội, Top 10 khởi nghiệp cùng Kwai năm 2015…
Song, trên hết là tên tuổi của Chèo 48h đã vang xa, không chỉ trong phạm vi Thủ đô mà còn lan ra rộng khắp khi tổ chức thành công gần 30 khóa học với các bộ môn nghệ thuật cổ truyền như Chèo, Xẩm, Chầu văn; hơn 60 chương trình trải nghiệm sáng tạo tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 400.000 học viên, khán giả trong và ngoài nước.
Nghệ sĩ hát xẩm Khương Cường đánh giá, Chèo 48h đáng trân trọng và đặc biệt so với các dự án âm nhạc khác ở chỗ được thực hiện bởi các bạn trẻ hoàn toàn không dính líu gì đến chuyên môn âm nhạc hoặc giới nghiên cứu. Ai cũng biết, thế hệ trẻ hiện nay đa số đang chạy theo những loại hình âm nhạc thời thượng, hiện đại, còn những bạn trẻ như Chèo 48 là rất hiếm.
Chèo 48h lan tỏa… Xẩm tới mọi người
Thấm thoắt sắp tròn 10 năm ngày ra đời dự án Chèo 48h, những thành viên ngày đầu tiên giờ đều đã trưởng thành và tất nhiên chịu nhiều áp lực hơn về thời gian, công việc hay gia đình… nhưng tình yêu dành cho Chèo 48h vẫn vẹn nguyên. Hết thảy trong số họ vẫn ngập tràn nhiệt huyết, vẫn say mê với sứ mệnh của mình.
“Việc công chúng biết đến dự án Chèo 48h giúp chúng tôi tìm được cộng đồng để mọi người cùng chia sẻ niềm đam mê và gây dựng được cộng đồng những người trẻ yêu nghệ thuật dân gian truyền thống. Và sau này khi các bạn tìm đến dự án để tham gia học chèo hay các lớp bộ môn khác không chỉ là sự tò mò, mà là họ đi tìm niềm đam mê và đâu đó là sự mong muốn mãnh liệt với nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam” – Đinh Thị Thảo, trưởng nhóm Chèo 48h chia sẻ.
So với những ngày đầu, Chèo 48h hiện nay có quy mô nhỏ hơn, nhất là sau đại dịch Covid-19 khiến số người tham gia học trực tiếp tại các lớp bị hạn chế. Song, chất lượng và đối tượng tham gia dự án lại mở rộng hơn, khi không chỉ có những bạn học sinh, sinh viên mà còn cả những người đã đi làm. Kinh nghiệm sau nhiều khóa đào tạo, một số thành viên của dự án giờ đây cũng trở thành người “đứng lớp” thay vì sự trợ giúp của những nghệ sĩ thực thụ như trước kia.
Có thể kể đến trường hợp của nghệ nhân dân gian Ngô Văn Hảo – người đồng hành cùng dự án từ năm 2016 và cũng là thời điểm đầu tiên có lớp Xẩm. Hiện Xẩm là lớp đông nhất trong số các lớp thuộc dự án Chèo 48h.
Gắn bó với Chèo 48h gần 10 năm, dù Ngô Văn Hảo nay đã tốt nghiệp đại học và làm kế toán cho một công ty nhưng anh cùng các thành viên trong nhóm vẫn đang cố gắng từng ngày để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của âm nhạc truyền thống.
Đến nay, Ngô Văn Hảo đã “đứng lớp”, truyền dạy được nhiều khóa học cho những người yêu mến nghệ thuật hát Xẩm, đồng thời cũng giới thiệu môn nghệ thuật này trong nhiều chương trình biểu diễn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng nhiều chương trình văn nghệ học đường khác. Lớp học Xẩm với đa dạng độ tuổi từ các em nhỏ, thanh thiếu niên, sinh viên đến những người lớn tuổi không chỉ được đắm chìm trong không gian nghệ thuật của các làn điệu âm nhạc dân tộc, mà còn được học hỏi miễn phí.
“Hiện nhóm hạt nhân có 6 người, đều là các bạn trẻ có kỹ năng hát Xẩm rất tốt, nhiều bạn có khả năng hát được nhiều loại hình nghệ thuật như hát Quan họ, Xoan, Chầu Văn… Bên cạnh đó, số lượng học viên tiếp cận và xin tham gia nhóm hát Xẩm hiện tại ngày một tăng lên. Ngoài ra, dự án còn mở các lớp học chuyên sâu cho những thành viên nòng cốt để cùng nhau trao đổi, rèn luyện nhằm nâng cao kỹ năng ca hát. Bởi, ước mơ hoài bão của tuổi trẻ là khẳng định được dấu ấn, là muốn đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn tới công chúng thông qua cách của mình, thật sáng tạo và gần gũi” – anh Hảo chia sẻ.
Ngô Văn Hảo cho rằng, điểm khác biệt của các lớp học này chính là cách tiếp cận, khi đến lớp học các bạn trẻ sẽ được trở về những gì cổ xưa nhất, theo lối truyền miệng, hát cổ, hình thức diễn xướng cổ.
Nói về mục tiêu sắp tới, Ngô Văn Hảo cùng các thành viên trong nhóm đã và đang xây dựng kế hoạch cho chặng đường dài tiếp theo, để duy trì hoạt động của các lớp học cộng đồng. Đồng thời tổ chức thêm các chương trình tọa đàm, các buổi biểu diễn, chiếu phim di sản để lan tỏa giá trị tình yêu với môn hát xẩm nói riêng và nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam nói chung, qua đó tiếp tục khẳng định Chèo 48h là sân chơi thực sự bổ ích cho tất cả, nhất là với giới trẻ đam mê âm nhạc truyền thống.
Hữu Kế – Đình Trung
Nguồn: https://www.congluan.vn/cheo-48h-san-choi-hiem-co-cho-gioi-tre-me-am-nhac-truyen-thong-post300109.html