Sáng 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), chùa Hương Tích – còn gọi là chùa Hương ở Hà Tĩnh – chính thức khai hội. Chùa nằm gần đỉnh Hương Tích, thuộc dãy núi Hồng Lĩnh ở xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) ở độ cao 650m so với mực nước biển.
Chùa được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, một trong số 21 thắng cảnh của nước An Nam xưa. Chùa được xây dựng vào đời Trần, thế kỷ thứ XIII, gắn với tích Công chúa Diệu Thiện – con vua Trang Vương nước Sở tu hành hóa Phật.
Năm nay, thời tiết thuận lợi cho khách đi du xuân, đến chùa chiêm bái. Buổi sáng ngày khai hội, chùa Hương Tích đón hàng vạn lượt khách. Xe máy và xe ô tô đỗ kín bãi xe.
Chùa Hương Tích tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những đỉnh núi đẹp nhất trong số 99 đỉnh núi Hồng. Để đến được ngôi chùa, du khách trải qua các cung đường khác nhau.
Ban đầu, du khách có thể lựa chọn đi xe điện với quãng đường 4,5km hoặc đi thuyền với quãng đường hơn 3km rồi đi bộ 1,4km.
Khi đến miếu Cô, du khách có thể mua vé để đi cáp treo lên chùa chính. Nhiều người lựa chọn cách này để tiết kiệm thời gian và sức lực.
Với những du khách có thể trạng tốt và muốn đi bộ vãn cảnh, họ lựa chọn leo núi với cung đường hơn 1km.
Ngôi thượng điện của chùa Hương Tích là đích đến của du khách thập phương. Họ đến đây để dâng lễ vật, thắp hương cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lối lên chính điện chùa Hương Tích có một tượng hổ trong tư thế nghỉ ngơi bên bàn thờ thu hút nhiều du khách. Tượng hổ này làm bằng bê tông, sơn màu vàng. Nhiều người chen chân đến đây thắp hương, khấn bái và chờ đến lượt chạm vào pho tượng.
Họ cho rằng tượng hổ này có thể giúp chữa bách bệnh nên chuẩn bị sẵn dầu gió và túi thơm. Sau khi thoa dầu, họ đưa tay xoa, sờ lên nhiều bộ phận tượng rồi xoa lên bộ phận tương tự ở cơ thể mình.
Chùa từng đặt biển cấm du khách xoa tượng hổ nhằm tránh lan truyền mê tín dị đoan và làm hỏng tượng, song do lượng khách quá đông nên ban quản lý không thể kiểm soát hết.