Lên thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu chảy vào Việt Nam ở An Giang và Đồng Tháp, du khách sẽ chinh phục 3 cột mốc biên giới trong ngày.
Độc giả Minh Đức, TP HCM, vừa có chuyến khám phá vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Anh chia sẻ hành trình phiêu lưu bụi bặm, với nắng, gió và những con đường gập ghềnh để chinh phục các cột mốc ở đây.
Sông Tiền là nhánh chính dòng Mekong, đổ vào Việt Nam ở địa phận xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp và xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang. Sông chảy qua các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang rồi đổ ra biển qua 6 cửa: Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, tổng chiều dài hơn 235 km.
Sông Hậu là dòng phụ của Mekong, chảy vào Việt Nam ở địa phận thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang. Sông chảy qua các tỉnh An Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh, đổ ra biển qua 3 cửa: Định An, Ba Thắc (hiện không còn) và Trần Đề, tổng chiều dài khoảng 230 km.
Qua con đường chinh phục nơi đầu nguồn những con sông này, du khách sẽ check in 3 cột mốc. Nếu xuất phát từ Hồng Ngự vào buổi sáng, có thể đến cả 3 cột mốc trong ngày, trước khi về lại thành phố Châu Đốc nghỉ ngơi.
Đầu tiên, xuất phát từ trung tâm Hồng Ngự, du khách men theo đường tỉnh 841 để tới cột mốc 240, thuộc cửa khẩu Thường Phước. Quãng đường dài khoảng 25 km, có đoạn cuối tương đối khó đi do đang thi công. Mốc 240 nằm ngay bên đường, sát điểm thông thương giữa cửa khẩu Thường Phước với cửa khẩu quốc tế Kaoh Roka, tỉnh Prây Veng, Campuchia. Du khách có thể tự do tiếp cận cột mốc mà không cần xin phép biên phòng, tuy nhiên cần giữ phép tắc tối thiểu để không ảnh hưởng đến trật tự chung.
Đứng ở mốc 240, không thể quan sát được khu vực đầu nguồn sông Tiền trên đất Việt. Muốn làm điều này, cần phải tới mốc 241, nằm song song với mốc 240, ở bên bờ An Giang. Từ bến đò Thường Phước cách đó gần 2 km, lên phà để sang địa phận An Giang, đi ngang qua khu vực đầu nguồn sông Tiền. Quang cảnh ở nơi dòng chính của Mekong đổ vào Việt Nam rất nhộn nhịp, với những con tàu chở cát và những chiếc cần cẩu khai thác cát hoạt động ngày đêm.
Sau khi sang bờ An Giang ở bến đò Vĩnh Xương, đi thêm 1 km sẽ tới điểm kiểm soát mốc 241. Để vào được khu vực cột mốc, cần có giấy giới thiệu hoặc được biên phòng cấp phép. Nếu đi tự do với mục đích tham quan, du khách cần đến khai báo ở Đồn biên phòng Vĩnh Xương (cách bến khoảng 2 km).
Sau khi được cấp phép sẽ có bộ đội biên phòng dẫn du khách vào khu vực cột mốc, với quãng đường đi bộ chừng 100 m. Khu vực cột mốc như một công viên nhỏ, với cây xanh, bờ kè. Đứng từ đây có thể quan sát được khu vực đầu nguồn sông Tiền trên đất Việt, phía bên kia là tỉnh Kandal, Campuchia. Cán bộ biên phòng sẽ chờ trong suốt quá trình tham quan.
Tiếp đó, để tới nơi đầu nguồn sông Hậu, có hai lựa chọn: đi vòng qua thành phố Châu Đốc, An Giang hoặc men theo đường xã dọc kênh Nhánh Đông. Hướng qua thành phố Châu Đốc là cách đi chính, đường to và đẹp, nhưng xa hơn khoảng 60 km. Trong khi hướng kênh Nhánh Đông là đường nhỏ, đòi hỏi du khách cần kỹ năng sử dụng bản đồ để định vị, khoảng cách từ mốc 241 là 18 km.
Để đi đường ngắn hơn, từ mốc 241, hãy dùng Google Maps tìm đường đến trạm biên phòng Phú Hữu, rồi tìm bến đò ngang qua sông (cách đó khoảng 50 m). Sau khi sang Trạm biên phòng Đồng Đức, du khách tìm đường đến cột mốc biên giới 246 (1), với quãng đường 7,5 km.
Nằm sát chợ Long Bình, thuộc thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang, mốc 246 (1) tọa lạc ở giữa một khu đất rộng, cảnh quan hiền hòa, giống như một sân chơi của trẻ em và nơi hóng mát của người dân. Đứng từ khu vực này, du khách có thể quan sát được cận cảnh nơi ngã ba sông Ba Thắc – Bình Di, là những nhánh cấu thành nên sông Hậu.
Lý do cho tên mốc 246 (1) là bởi đây là khu vực đặt 3 cột mốc được cắm gần nhau ở những nơi có địa hình phức tạp, không cho phép cắm mốc đơn hay đôi, thường là ở ngã ba của sông suối biên giới. Trong trường hợp này, 246 (1) thuộc Việt Nam, còn 246 (2) và 246 (3) thuộc Campuchia.
Tại Hồng Ngự, đừng quên check in ở tượng đài cá tra và tới nhà bè Song Ngư (đường Lý Thường Kiệt, phường An Thạnh) để thưởng thức các loại lẩu cá trứ danh với góc ngắm sông độc đáo. Còn ở Châu Đốc, nhớ lưu lại kỷ niệm ở tượng đài cá basa, đứng trên cây cầu có tên đặc biệt – Vĩnh Nguơn – để ngắm kênh Vĩnh Tế và nếm thử những đặc sản của vùng Bảy Núi như cơm bò, bò bảy món, lẩu kiến vàng.
Nửa cuối năm, du khách có thể ghé thăm An Giang vào dịp Lễ Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 22/5 đến 3/6, và lễ Sene Dolta kết hợp đua bò Bảy Núi diễn ra vào khoảng đầu tháng 10.
Minh Đức
Nguồn: https://vnexpress.net/check-in-ba-cot-moc-dau-nguon-song-tien-song-hau-4737738.html