Món bánh với lớp vỏ từ bột mỳ cán mỏng, nhân thịt và rán giòn rất phổ biến trên toàn thế giới với nhiều phiên bản khác nhau.
Món bánh này có hình dạng cơ bản là tam giác hoặc nửa hình tròn, với phần bụng nhồi nhân căng phồng và phần viền đẹp mắt với những nếp gấp nhỏ gợn sóng.
Tại Việt Nam, bánh được gọi là bánh gối do hình dáng giống một chiếc gối căng phồng, với phần nhân từ thịt băm, miến, mộc nhĩ. Còn tại Ba Lan, món bánh này có tên là pierogi với phần nhân khoai tây, cá muối, thịt băm, phomai và hoa quả ăn kèm với bơ, kem chua hay hành phi.
Trong ẩm thực Mỹ Latinh, bánh được gọi là empanadas, có thêm phiên bản nhân ngọt bao gồm các nguyên liệu như bơ, trứng, chocolate, mật ong, các loại trái cây…
Mpanatigghi của Italy có phần nhân từ hạnh nhân, quả óc chó, chocolate, đường, quế, đinh hương và thịt bò băm. Kushli pitha ở Bangladesh thường nhân dừa và đường thốt nốt có gia vị quế.
Tại Nga, loại bánh này có hai phiên bản được ưa thích là chebureki (số ít – cheburek) và belyashi (số ít – belyash).
Dù cho ngày nay bạn có thể tìm thấy món chebureki trên khắp khu vực Trung Á, nhưng trên thực tế, từ “cheburek” hầu như không phổ biến ở miền Trung nước Nga cho đến những năm 1950. Từ điển đầu tiên có từ này là “Từ điển giải thích” trước chiến tranh của Dmitry Ushakov (1935-1940).
Chebureki ban đầu là một món ăn của người Tatar ở Crimea, sau đó mới đến Trung Á và nhanh chóng trở thành một món ăn ưa thích của cộng đồng người dân địa phương. Từ thế kỷ 17, người Tatar bắt đầu định cư ở khu vực bên kia sông Moskva và dần dần cheburaki thâm nhập vào nền ẩm thực địa phương.
Khi làm món ăn này, các đầu bếp Moskva đã cải biến và cho thêm vào thịt lợn hoặc thịt bò băm, khác với những người Tatars hoặc Bashkirs theo đạo Hồi thường sử dụng thịt bò hoặc thịt cừu béo.
Và cũng giống món bánh gối của Việt Nam thường gắn liền với lứa tuổi học sinh, sinh viên, đối với hầu hết người dân Nga, chebureki gắn liền với tuổi thanh xuân của một thế hệ.
Bốn mươi năm trước, quán càphê chebureki (được gọi là cheburechnaya) không chỉ là nơi để ăn uống mà còn là được coi là một trung tâm sinh hoạt xã hội, nơi các sinh viên tụ tập với bạn bè, thảo luận tin tức, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống.
Ngày nay, một trong những quán càphê chebureki đầu tiên của Moscow vẫn còn hoạt động trên khu vực Quảng trường Sukharevskaya. Những người dân sống trong khu vực đó nói rằng họ thường thấy những chiếc xe hơi sang trọng chở những người khách lớn tuổi tới quán để tìm lại bầu không khí của những năm tháng tuổi trẻ sôi động ngày xưa.
Belyashi, chiếc bánh tại quê hương Tatarstan lại khá khác biệt. Vỏ bánh được làm từ bột mỳ nhào dẻo rồi cán mỏng, không cho men nở. Nhân bánh được làm từ thịt băm và hành tây.
Bột được cắt thành từng miếng tròn mỏng, đặt một chút nhân vào giữa, sau đó người làm bánh cẩn thận túm phần rìa bánh lại chỉ để chừa một lỗ nhỏ ở giữa, rồi nướng trong lò. Vì vậy, hình dạng nguyên bản của chiếc bánh là hình tròn, gần giống như những chiếc bánh bao tại châu Á.
Khi rán trong dầu, món bánh này lại có một quy trình khá phức tạp. Đầu tiên, nó được lật úp phần hở xuống để phần nhân tại đó chín trước, tạo thành một lớp vỏ khiến nước thịt không thể chảy ra ngoài. Sau đó, nó được lật lại và rán cho đến khi chín. Trong lúc rán, người nấu sẽ thỉnh thoảng nhỏ một chút dầu vào phần thịt trong bánh.
Đây là một món ăn rất ngon, nhưng lại quá nhiều chất béo. Người ta cho rằng trước đây, người Tatar cần những món ăn giàu năng lượng như vậy để giúp họ làm việc trong cái rét khắc nghiệt của mùa đông. Giờ đây, món bánh này được khuyến cáo chỉ nên ăn từ 1 đến 2 chiếc mỗi lần.
Bên cạnh việc đóng góp cho nước Nga và thế giới một món ăn ngon, thì cheburaki hay belyashi còn cho thấy vai trò quan trọng của người Tatar, nhóm dân tộc lớn thứ hai tại Nga, trong đời sống của người dân thủ đô Moskva./.