Thay vì cúng cá chép thật, cá chép giấy, ngày cúng ông Công, ông Táo năm nay, nhiều gia đình tại Hà Nội đã chọn món chè trôi nước tạo hình đàn cá chép.
Năm nay, chè trôi nước cá chép cúng ông Công, ông Táo được nhiều người Hà Nội lựa chọn |
Vân Anh |
Chị Vũ Lan, ở Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, chia sẻ: “Người Việt quan niệm một năm mở đầu bằng tết Nguyên đán và kết thúc bằng tết ông Công, ông Táo. Vì vậy, vào ngày này, người ta tất chú trọng trong làm cỗ cúng ông Công, ông Táo. Ông bà ta ngày xưa cứ phải cúng cá thật mang ra sông, ra hồ phóng sinh. Giờ dịch bệnh, mình ở chung cư, mang cá đi thả rất xa nên chọn cách cúng chè trôi nước cá chép vừa đẹp mắt, vừa đỡ gây ô nhiễm môi trường”.
Chị Nguyễn Vân Anh, chủ bếp Vân Anh, ở An Dương, Q.Tây Hồ, cho biết đây là năm đầu tiên bếp đưa chè trôi nước cá chép vào bán trong dịp 23 tháng Chạp. Chỉ trong 1 tuần đã có hơn 1.000 đơn hàng đặt mua.
“Đây là một bất ngờ, trước tôi chuyên về làm bánh ngọt và bánh sinh nhật, năm nay tôi bắt đầu chuyển hướng kinh doanh bán đồ ăn online. Tôi không nghĩ món chè trôi nước của mình được nhiều khách hàng đặt mua đến vậy”, chị Vân Anh nói.
Mỗi set chè có đầy đủ nguyên liệu kèm theo |
Vân ANH |
Theo chị Vân Anh, chè trôi nước được làm từ bột nếp Thái, tạo màu bằng cách sử dụng rau củ quả tự nhiên như: gấc, củ dền, bột nghệ, lá nếp, hoa đậu biếc… Một set cá giá 100.000 đồng, gồm: 3 cá, kèm 1 bông sen, 1 đài sen. Đi kèm set cá là 1 chai nước đường, vừng, dừa tươi bào sợi.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa món chè trôi nước cá chép, chị Vân Anh cho hay: “Khác với chè trôi nước bình thường, món chè trôi nước cá chép ngọt thanh dâng ông Công, ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp gồm có 5 màu chủ đạo. Màu đỏ mang ý nghĩa khát vọng. Màu xanh tượng trưng cho sự tươi tốt của núi rừng, cây cỏ. Màu vàng tượng trưng cho hạnh phúc ấm no đủ đầy. Màu hồng tượng trưng cho sự trù phú của đất đai. Màu cam tượng trưng cho sự nhiệt huyết, năng động”.
Ngoài tạo hình màu sắc bắt mắt, để chiều lòng khách hàng, một số cửa hàng online còn biến tấu chè trôi nước cá chép nhân đậu xanh, khoai môn, nhân sầu riêng…
Xu hướng cúng cá chép “giả” bắt đầu thịnh hành tại Hà Nội từ năm 2020 khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, bộ cá chép bằng thạch rau câu, xôi cá chép được ưa chuộng, năm nay đến lượt bộ cá chép chè trôi nước đang “làm mưa, làm gió” trên “chợ mạng” ở Hà Nội. Giá mỗi bộ cá chép từ 70.000 – 100.000 đồng, cao gấp đôi so với cá chép thật. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi tiền mua.
Chị Hạnh Nguyên, bán hàng online ở phố Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân, cho biết từ chiều 24.1 (tức 22 tháng Chạp) đơn hàng bánh trôi cá chép “đắt hàng tơi tới”. Nhiều khách hàng mua về cúng sớm còn đặt thêm cho người thân cúng sáng 23 tháng Chạp.
“Bánh trôi cá chép cúng ông Công, ông Táo thả vào trong nước nhìn sống động y như thật. Vừa tiện lợi, vừa đẹp mắt, rất phù hợp với gia đình sống ở chung cư”, chị Hạnh Nguyên nói.
Tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể lựa chọn cá chép hấp chín hoặc cá cấp đông |
Hạnh Nguyễn |
Theo những người bán hàng, khách có thể lựa chọn set cá chín hoặc cá cấp đông về tự luộc hoặc hấp trong 15 phút. Nếu là cá cấp đông, trước khi cúng, cá chép cần được rã đông hoàn toàn. Bánh cho vào khi nước đã đun sôi hoặc hấp cách thủy, khi bánh chín thì thả vào bát nước lạnh cho nguội, sau đó vớt ra cho ráo nước rồi cho vào bát, chan nước đường, rắc dừa bào sợi xung quanh. Sau khi dâng hương, hạ lễ thụ lộc có thể thêm cốt dừa hoặc rắc vừng vào ăn cùng.
“Để đảm bảo hương vị của chè trôi nước, món này nên dùng trong ngày là ngon nhất. Nếu không sử dụng hết, nên cho vào khay hoặc hộp đậy kín và để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 – 3 ngày. Khi muốn dùng, các bạn mang hâm nóng lại là có thể thưởng thức”, chị Hạnh Nguyên tư vấn.