Thỏa thuận đạt được hôm thứ Hai vừa rồi tại tòa án liên bang của Mỹ nhằm đảm bảo rằng người dùng sử dụng chế độ Ẩn danh trong Chrome sẽ có được nhiều quyền riêng tư hơn khi lướt internet so với trước đây.
Trước đó, các luật sư đã trong vụ kiện Google vào tháng 6 năm 2020 tin rằng các biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn sẽ trị giá từ 4,75 tỷ USD đến 7,8 tỷ USD, dựa trên giá trị ước tính của thông tin cá nhân được bảo vệ theo thỏa thuận dàn xếp.
Gần như mọi trình duyệt lớn hiện nay đều có chế độ riêng tư. Nhưng dưới đây là những gì mà các trình duyệt làm và không làm cho người dùng:
Chế độ Ấn danh có thể làm được gì?
Mỗi khi bạn bật chế độ riêng tư của trình duyệt, hãy coi đó là một khởi đầu mới, giống như lần đầu bạn sử dụng trình duyệt web hoặc lần đầu duyệt web trên một máy tính mới. Không có đề xuất nào dựa trên lịch sử của bạn, tính năng tự động phần lớn không khả dụng và bạn sẽ phải đăng nhập vào tài khoản của mình.
Theo công ty Mozilla Foundation, đơn vị sở hữu trình duyệt Mozilla, ngay khi bạn đóng cửa sổ ẩn danh, trình duyệt internet sẽ xóa lịch sử duyệt web và mọi cookie trong lần sử dụng đó trên máy tính của bạn.
Điều này quả thực có ích lợi của nó. Ví dụ: Đảm bảo các tìm kiếm về các chủ đề nhạy cảm, như chăm sóc sức khỏe, không hiển thị trong lịch sử duyệt web của bạn, nhưng không có nghĩa nó sẽ biến mất mãi mãi trên không gian internet.
Chế độ Ấn danh không làm được gì?
Cụ thể, hãy nhớ rằng mục đích của chế độ duyệt web riêng tư không phải là che đậy sự thật rằng bạn đã truy cập một trang web, mà là giúp bạn giấu kín việc đã truy cập những trang web đó với thiết bị của mình.
Hay nói cách khác chế độ ẩn danh chỉ giúp bạn ngăn được ai đó ngoài đời thực biết bạn xem gì khi vào máy tính của bạn, chứ không ngăn được chính các trang web và các bên thứ ba.
Thường chế độ riêng tư này không ngăn các trang web bạn truy cập nhìn thấy vị trí của bạn, thông qua địa chỉ IP của bạn hoặc ngăn nhà cung cấp dịch vụ internet ghi lại hoạt động của bạn. Miễn là địa chỉ IP của bạn hiển thị, Mozilla Foundation cho biết danh tính và hoạt động của bạn vẫn được hiển thị hoàn toàn với các công cụ tìm kiếm và bên thứ ba – hãy nghĩ đến các nhà quảng cáo – bất kể bạn duyệt web ở chế độ nào.
Đó là lý do tại sao Google mới đây đã phải đồng ý xóa hàng tỷ hồ sơ chứa thông tin cá nhân được thu thập từ những người sử dụng chế độ Ẩn danh để lướt web như một phần của thỏa thuận giải quyết vụ kiện cáo buộc gã khổng lồ này đã giám sát bất hợp pháp người dùng.
Google tới đây sẽ còn phải tiết lộ quyền riêng tư nổi bật hơn trong điều khoản dịch vụ để cho mọi người dùng biết về việc bị thu thập dữ liệu của mình như thế nào.
Google cũng sẽ được yêu cầu thiết lập chế độ Ẩn danh để người dùng có thể tự động chặn các bên thứ ba theo dõi họ trong 5 năm tới, nếu thẩm phán liên bang chấp thuận thỏa thuận giải quyết sau phiên tòa dự kiến vào ngày 30 tháng 7.
Ngoài ra ở chế độ Ẩn danh, mọi tệp bạn có thể tải xuống hoặc dấu trang bạn tạo trong lần duyệt web đó sẽ không bị xóa vào cuối phiên, nghĩa là bạn vẫn dễ bị nhiễm virus máy tính, phần mềm độc hại và trình ghi nhật ký thao tác bàn phím.
Có lựa chọn nào an toàn hơn không?
Mạng riêng ảo (VPN) có thể gây nhiễu địa chỉ IP của bạn, khiến các trang web khó theo dõi bạn hơn. Nhưng việc sử dụng VPN cũng đặt ra thêm các câu hỏi bảo mật, đặc biệt đối với những người dùng sử dụng nhà cung cấp VPN miễn phí hoặc giá rẻ mà họ chưa xem xét kỹ lưỡng.
Một số công cụ tìm kiếm như DuckDuckGo tập trung vào quyền riêng tư hơn và cam kết không bao giờ thu thập thông tin cá nhân hoặc theo dõi những người nhập truy vấn trên trang web của mình. Và một số trình duyệt khác được thiết kế để gây khó khăn hơn cho bên thứ ba và các nhà quảng cáo theo dõi bạn.
Nhưng, ngay cả với tất cả các tùy chọn này, thì hãy nhớ rằng bạn rất khó có thể thực sự “ẩn danh” trên không gian mạng!
Hoàng Hải (theo AP)