Xác định mục tiêu nâng cao giá trị, đưa sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vươn xa, cạnh tranh trên thị trường, từ đó gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, các chủ thể đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm.
Nhiều năm qua, khi du khách đến với huyện Côn Đảo đã quá quen thuộc với sản phẩm hạt bàng. Nếu như trước đây, sản phẩm hạt bàng chỉ dừng lại ở các sản phẩm như rang muối, sấy khô… thì gần đây, để làm mới thức quà này, ngon hơn và độc đáo hơn, anh Nguyễn Hoài Hận, sinh năm 1990, ngụ tại huyện Côn Đảo đã nghiên cứu và cho ra loại bánh mang tên “bánh quy hạt bàng Côn Đảo”. Sau hơn 2 năm có mặt trên thị trường, bánh quy hạt bàng trở thành món ăn đặc sản, món quà ý nghĩa cho khách du lịch khi đến Côn Đảo.
Anh Hận cho biết, hạt bàng là một món quà đặc sản đã được khẳng định thương hiệu tại Côn Đảo. Nhưng anh muốn tạo ra một sản phẩm khác từ hạt bàng mà người lớn ăn được, trẻ em cũng thích. Với kinh nghiệm nhiều năm làm đầu bếp bánh cho các nhà hàng, khách sạn lớn ở Phú Quốc và Côn Đảo, tháng 9/2020, khi còn làm đầu bếp bánh tại khách sạn The Secret (huyện Côn Đảo), anh Nguyễn Hoài Hận đã nghiên cứu sản xuất ra “bánh quy hạt bàng”.
Ban đầu, anh làm những gói bánh nhỏ đặt trong phòng để tặng khách lưu trú. Bánh thơm, ngon, độc đáo được nhiều khách khen ngợi và đặt mua thêm.
Thấy nhiều khách quan tâm, đầu năm 2022, anh Nguyễn Hoài Hận quyết định mở tiệm bánh riêng mang tên Hani Bakery trên đường Nguyễn Duy Trinh, khu dân cư số 5, huyện Côn Đảo để sản xuất và bán các loại bánh; trong đó có bánh quy hạt bàng Côn Đảo.
Anh Hận thu mua hạt bàng của người dân trên đảo rồi về xử lý lại để làm bánh. “Những mẻ bánh đầu chưa hoàn thiện lắm, bánh hơi to, vị hơi ngọt. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi đã dần thay đổi mẫu mã cho đẹp hơn và bánh ngon hơn. Ngoài nhân hạt bàng truyền thống, giờ đây bánh quy hạt bàng Côn Đảo còn có thêm vị socola, bánh hạt bàng healthy…”, anh Hận nói.
Để giữ hương vị bánh thơm ngon, hạt bàng luôn bùi và chuẩn vị, anh Hận đã phải sản xuất theo phương pháp thủ công. Theo đó, hạt bàng xay nhuyễn cùng bơ, trứng, bột và các loại gia vị khác để làm bánh. Mặt bánh trang trí thêm hạt bàng nguyên hạt. Công thức đặc biệt cộng với mùi vị thơm bơ nhẹ, hòa quyện cùng hạt bàng xay nhuyễn trong từng chiếc bánh và độ ngọt vừa phải đã làm nên hương vị tuyệt vời cho bánh quy hạt bàng Côn Đảo.
Theo anh Hận, “bánh quy hạt bàng Côn Đảo” là tâm huyết của anh, với mong muốn góp phần tạo dấu ấn trong lòng du khách khi đến với Côn Đảo nên chất lượng, mẫu mã sản phẩm luôn được ưu tiên hàng đầu.
Sản phẩm “bánh quy hạt bàng Côn Đảo” đã được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và được Sở Công Thương cấp giấy công bố chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Đồng thời, sản phẩm cũng đã được đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Với sự sáng tạo đó, năm 2022 sản phẩm bánh quy hạt bàng của Nguyễn Hoài Hận được công nhận là “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” và đạt giải ba “Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2022”. Năm 2023 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Sản phẩm rất được người dân và du khách khi đến Côn Đảo ưu chuộng và mua để ăn và làm quà. Hiện sản phẩm tiêu thụ rất tốt.
Nhận thấy tiềm năng về vùng nguyên liệu các loại rau xanh trong nước, cơ sở sản xuất bột rau Thảo Nguyên, xã Phước Hưng, huyện Long Điền đã đầu tư hơn 500 triệu đồng, trang bị máy móc hiện đại, sử dụng công nghệ sấy lạnh để sản xuất các loại bột từ rau xanh. Bà Nguyễn Thị Mỹ, Chủ cơ sở cho biết, với công nghệ này, thực phẩm được sấy ở nhiệt độ thấp nên ít bị ảnh hưởng tới chất lượng so với ban đầu, giữ được màu sắc, độ tươi ngon và giữ được giá trị dinh dưỡng gần như tuyệt đối.
Hiện nay, cơ sở đang sản xuất các sản phẩm như bột rau má được chế biến từ rau má tươi, bột cần tây chế biến từ cần tây và bột diếp cá được chế biến từ lá diếp cá. Theo bà Mỹ, với công nghệ chế biến sâu, các sản phẩm đang được bán trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/kg, giá trị gấp gần 7 lần so với sản phẩm tươi. Hiện sản phẩm của cơ sở bà Mỹ đã công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023.
Toàn tỉnh hiện có 145 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng của các công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, HACCP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tập trung phát triển vùng nguyên liệu đầu vào tại địa phương và được kiểm nghiệm đánh giá từ quy trình trồng, thu hoạch, sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy chuẩn; có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác.
Tuy vậy, hàng nông nghiệp, đặc biệt là số sản phẩm OCOP được chế biến sâu của tỉnh không nhiều, hầu hết sản phẩm nông sản, hàng OCOP mới chỉ chế biến ở dạng thô, vì thế giá trị gia tăng không cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến sâu cho mặt hàng nông sản, nên các doanh nghiệp, hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang kêu gọi các doanh nghiệp vào cuộc, tập trung xã hội hóa, tập trung nguồn lực của doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp hình thành nên các chuỗi giá trị đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Nhằm tiếp thêm lực cho hoạt động sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm nông sản phát triển, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng, tỉnh đang đầu tư phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 7.000 ha, đây là cơ sở để hình thành nên các vùng nguyên liệu cho việc sản xuất, chế biến nông sản. Đi đôi với đó là ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh phát triển các nhà máy chế biến nông sản để nâng cao hiệu quả, giá trị nông sản, giải quyết bài toán về thị trường tiêu thụ và đảm bảo tiêu chuẩn để hướng tới xuất khẩu.
Baotintuc.vn
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/che-bien-sau-nang-tam-gia-tri-san-pham-ocop-20241104090150208.htm