Những ngày gần đây, trước tình hình bệnh đau mắt đỏ lây lan diện rộng, người dân TP.Đà Nẵng phải chật vật trong việc tìm mua thuốc điều trị. Chính vì lượng mua hàng tăng đột biến, các tiệm thuốc tây ở Q.Sơn Trà và Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) đều trong tình trạng “cháy hàng”.
Ngày 13.9, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các tiệm thuốc tây ở tuyến đường Ông Ích Khiêm đã hết thuốc chữa bệnh đau mắt đỏ. Hai loại thuốc Tobrex và Tobradex (chữa bệnh đau mắt đỏ) được người dân tìm mua nhiều nhất.
Nhân viên nhà thuốc Long Châu cho biết, từ ngày 5.9, số lượng người dân tìm mua 2 loại thuốc Tobrex và Tobradex tăng cao. Mỗi ngày, nhà thuốc bán khoảng 20 – 30 lọ, đa số người dân tìm mua thuốc để phòng, chữa bệnh đau mắt đỏ cho con em. Hệ thống nhà thuốc Long Châu đã hết hàng từ 3 ngày trước.
Có hiện tượng đẩy giá thuốc?
Theo ghi nhận, giá thành của thuốc chữa bệnh đau mắt đỏ tăng vài nghìn đồng so với trước đó. Cụ thể, thuốc Tobrex giá 45.500 đồng/lọ tăng 2.500 đồng và thuốc Tobradex giá 53.000 đồng/lọ tăng 3.000 đồng so với giá gốc.
Theo các nhân viên tiệm thuốc, đây là một số loại thuốc có thành phần tương tự Tobradex có thể chữa đau mắt đỏ
“Hai loại thuốc Tobrex và Tobradex đã hết hàng từ những ngày trước. Bây giờ, nhà thuốc chỉ còn có các loại thuốc có thành phần tương tự. Hiện các đại lý cung cấp thuốc đã đẩy giá lên cao khoảng 80.000 đồng/lọ, chúng tôi không dám nhập về vì bán sợ khách phàn nàn…”, nhân viên nhà thuốc Hoàn Mỹ (P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) chia sẻ.
Bên cạnh việc tư vấn cho người dân về các loại thuốc phòng, chữa bệnh đau mắt đỏ cho trẻ nhỏ, các nhân viên còn tư vấn các loại thuốc dành cho người lớn. Trong đó, khi người lớn bị bệnh đau mắt đỏ sẽ sử dụng 3 loại thuốc nhỏ mắt gồm thuốc kháng sinh, tạo độ ẩm cho mắt và nước rửa mắt có giá khoảng 180.000 đồng.
Hôm qua 12.9, Sở Y tế TP.Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Phòng, chống bệnh đau mắt đỏ như thế nào?
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, các nhân viên nhà thuốc cho biết cũng đã tư vấn cho người dân khi mua thuốc chữa bệnh đau mắt đỏ cần lưu ý, chỉ sử dụng loại thuốc có hàm lượng kháng sinh vừa đủ để tránh gây ảnh hưởng đến mắt cho trẻ sau này.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, khuyến cáo bệnh đau mắt đỏ diễn tiến rất nhanh và nguy cơ biến chứng khá cao nên người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị, tránh việc tự ý mua thuốc để điều trị ở nhà…
Hiện bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp với số ca bệnh tăng đột biến, có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh học sinh vừa trở lại học tập trung tại các trường học.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng cho biết, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.
Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người đã bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Đồng thời, sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.