Nhiều đám cháy rừng tiếp tục xảy ra và trở nên dữ dội hơn tại Canada, buộc nhiều người phải sơ tán, trong bối cảnh nước này đang đối phó nhiều đám cháy không thể kiểm soát, được cho là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo AFP ngày 11.6, tổng diện tích bị cháy kể từ đầu năm lên đến gần 46.102 km2, vượt xa mức trung bình những năm trước đây.
416 đám cháy
Tại khu vực phía tây Canada, sau một vài ngày lắng bớt, các đám cháy mạnh trở lại tại tỉnh bang Alberta, khiến thị trấn Edson ở hạt Yellowhead tối 9.6 phải sơ tán lần thứ 2 kể từ tháng 5. “Ngọn lửa vượt tầm kiểm soát nên một số đội chữa cháy đã phải rút lui. Họ không thể chiến đấu với ngọn lửa này”, theo ông Luc Mercier, quan chức tại hạt Yellowhead. Đài CBC dẫn lời cô Hayley Waites (cư dân tại Edson) cho biết người dân đã theo từng đoàn xe lớn rời thị trấn.
“Khi bạn hoảng hốt, tất cả những gì bạn nghĩ đến là bỏ chạy. Nhưng ngay khi rời khỏi xe, bạn mới hỏi rằng nếu nhà mình không còn ở đó khi quay lại thì sao?”, cô lo lắng.
Tại tỉnh bang British Columbia, khoảng 2.400 cư dân thị trấn Tumbler Ridge đã sơ tán gần hết, sau khi đám cháy tiến đến gần. Tại miền đông, ông Francois Bonnardel, Bộ trưởng An ninh công cộng tỉnh bang Quebec, cho biết vào sáng 10.6 rằng tình hình ở nhiều khu vực trung tâm và phía đông bắc vẫn còn khó khăn, với một số thị trấn bị đe dọa. “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quebec phải đối phó với quá nhiều đám cháy, phải sơ tán quá nhiều người. Chúng ta sắp có cuộc chiến có thể kéo dài suốt mùa hè”, ông dự báo.
Mùa hè năm nay tại Canada sẽ kết thúc vào ngày 5.11. Khoảng 14.000 người đang trong diện sơ tán tại tỉnh bang Quebec, trong khi ông Bonnardel nhấn mạnh rằng “chúng ta vẫn chưa thắng trận chiến”. Cơ quan môi trường tại Canada thống kê đang có 416 đám cháy trên cả nước, trong đó có 203 đám cháy ngoài vòng kiểm soát.
Khói lan đến Mỹ, Bắc Âu
Khói từ đợt cháy rừng tồi tệ nhất ở Canada đã quay lại thành phố New York (bang New York, Mỹ) và vùng đông bắc nước Mỹ trong ngày 10.6 (giờ địa phương), sau khi trời trong và không khí sạch vào buổi sáng.
Đến chiều cùng ngày, theo Bloomberg, không khí tại New York tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khói, trong khi chất lượng không khí ở mức trung bình được ghi nhận, bao phủ phần lớn phía đông Mỹ, kéo dài đến tận bang Florida. “Chừng nào lửa còn cháy thì khói vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng”, theo chuyên gia khí tượng Dominic Ramunni tại Văn phòng New York của Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ.
Trước đó, ngày 9.6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi khói từ các đám cháy ở Canada. Nhà lãnh đạo cho biết ông đang gửi thêm nguồn lực đến Canada, bao gồm lính cứu hỏa và các thiết bị chữa cháy, sau khi đã cử 600 người đến hồi tháng 5. Hơn 111 triệu người ở Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi không khí có chất lượng ở mức cảnh báo do các vụ hỏa hoạn, theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ.
Theo CNN, khói từ những đám cháy ở Canada còn lan qua Greenland, Iceland và xa tận Na Uy. Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu khí hậu và môi trường Na Uy (NILU) phát hiện lượng khói gia tăng, khi sử dụng các thiết bị rất nhạy cảm và xác nhận nguồn gốc nhờ mô hình dự báo. Nhiều người ở Na Uy có thể ngửi và thậm chí thấy khói như một làn sương mù nhẹ. Tuy nhiên, nhà khoa học cấp cao Nikolaos Evangeliou tại NILU cho biết rằng không như nhiều nơi bị ô nhiễm gây hại ở Mỹ, người dân Na Uy có thể không bị ảnh hưởng sức khỏe do khói đã bay rất xa và trở nên rất loãng.