Lửa cháy dữ dội trong trại tị nạn Rohingya ở Cox’s Bazar, Bangladesh. Ảnh: The Reuters
Ngọn lửa bùng phát tại Trại 11 ở Cox’s Bazar, một quận biên giới phía đông nam Bangladesh nơi có hơn một triệu người tị nạn Rohingya sinh sống. Hầu hết những người tị nạn đã chạy trốn khỏi cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo ở Myanmar vào năm 2017, và trận hỏa hoạn khiến một số người trong số họ trở lại cảnh vô gia cư.
Theo ông Mohammad Rafiqul Islam, giám đốc cảnh sát địa phương: “Chúng tôi hiện không có ước tính thiệt hại nhưng cũng không có báo cáo về thương vong.” Ông nói thêm rằng ngọn lửa đã được kiểm soát và các quan chức cấp cao từ các sở cứu hỏa, cảnh sát và cứu trợ người tị nạn đã có mặt tại hiện trường.
Ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 2.000 túp lều trước khi nó được kiểm soát. Ảnh: CNN
Các nhà chức trách đang làm việc với các tổ chức nhân đạo quốc tế và địa phương để cung cấp thực phẩm và nơi trú ẩn tạm thời cho những người bị mất nhà cửa, ông Mohammad Rafiqul Islam cho biết thêm.
Selim Ullah, một người tị nạn 40 tuổi và là cha của 6 đứa con, nói: “Tôi không thể cứu được bất cứ thứ gì. Mọi thứ cháy thành tro. Nhiều người không còn nhà cửa. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi. Khi chúng tôi ở Myanmar, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề… nhà cửa của chúng tôi bị thiêu rụi, bây giờ nó đã xảy ra một lần nữa.”
Những người tị nạn Rohingya cố gắng cứu đồ đạc của họ sau khi ngọn lửa lớn thiêu rụi trại. Ảnh: CNN
Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IOM) tại Bangladesh cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội rằng “họ đang đánh giá nhu cầu của mọi người để cung cấp hỗ trợ.”
Vào tháng 3 năm 2021, trong trận hỏa hoạn tồi tệ nhất trong các trại của người Rohingya , ít nhất 15 người đã thiệt mạng và khoảng 50.000 người phải di dời sau khi ngọn lửa nhấn chìm toàn bộ khu nhà trong một khu định cư. Ước tính có khoảng 1 triệu thành viên của cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya không quốc tịch sống trong những trại tị nạn lớn nhất thế giới sau khi chạy trốn khỏi chiến dịch giết chóc và đốt phá tàn bạo của quân đội Myanmar, theo The Guardian
NGHIÊM THANH (Theo CNN, The Guardian)