Châu Phi và Trung Đông là những thị trường dễ tính và có nhu cầu lớn đối với các hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là những thị trường mà không ít doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã gặp rủi ro, trong đó rủi ro thanh toán là một trong những rủi ro phổ biến nhất.
Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu ở nhà máy của Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn (Tập đoàn Lộc Trời). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Thị trường tiềm năng
Chia sẻ tại một hội nghị xúc tiến thương mại gần đây của Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á-châu Phi thuộc Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết do điều kiện tự nhiên như thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng không thuận lợi và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp nên để đáp ứng nhu cầu trong nước, mỗi năm, Trung Đông phải nhập khẩu tới 80% lương thực, thực phẩm, với tổng trị giá khoảng 40 tỷ USD. Trong khi đó, các nước châu Phi cũng phải nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD hàng hoá/năm. Một điểm đáng lưu ý là về các thị trường này đều có yêu cầu về chất lượng, mẫu mã hàng hoá không quá khắt khe.
Trong khi đó, ông Trương Xuân Trung, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu Vương quốc Ả rập (UAE), cho biết mọi hàng hoá của Việt Nam đều có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường UAE khi đáp ứng được các tiêu chuẩn. Đặc biệt, mặc dù chỉ có dân số khoảng 10 triệu người nhưng UAE có nhu cầu rất đa dạng và khả năng tiêu dùng. Hơn nữa, đây còn là trung tâm trung chuyển của khu vực và thế giới nên khả năng tái xuất hàng hoá từ thị trường này rất cao.
Cũng theo ông Trương Xuân Trung, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đang dẫn đầu về xuất khẩu nông sản sang UAE. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang UAE tăng 18%, hạt điều tăng 60%, chè tăng 15,4%, gạo tăng 30,9%. Đáng lưu ý, nông sản xuất khẩu vào UAE chưa phải chịu thuế nên mặc dù không có lợi thế về khoảng cách địa lý nhưng hàng Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh trên thị trường này.
Hơn nữa, ông Trung cho biết UAE hiện nằm trong khối các nước Hội đồng hợp tác các nước vùng Vịnh (GCC). Vì thế, hàng Việt Nam vào UAE và tái xuất sang các nước GCC khác không phải chịu thuế lần 2.
Chỉ ra tiềm năng với hàng hoá Việt Nam, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria nhấn mạnh đây là quốc gia đông dân nhất châu Phi với dân số trên 200 triệu người, và là thị trường tiêu dùng trẻ nhất, tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thị trường hàng tiêu dùng của Nigeria được dự báo tăng tới 150%, từ mức ước tính 240 tỷ USD năm 2023 lên khoảng 603 tỷ USD vào năm 2030. Năm 2024, Nigeria được dự báo sẽ là nước nhập khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới với khối lượng khoảng 2,1 triệu tấn.
Cẩn trọng trong giao dịch
Mặc dù châu Phi và Trung Đông là những thị trường rất tiềm năng nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần cẩn trọng trong giao dịch thương mại với các đối tác ở những khu vực này. Trong số các rủi ro khi làm ăn với các đối tác ở hai thị trường đó, rủi ro thanh toán là điều cần lưu ý nhất.
Doanh nghiệp cần xác minh đối tác trước khi giao dịch. Ảnh minh họa: TTXVN
Vì thế, để tránh rủi ro khi tìm kiếm các cơ hội làm ăn tại hai thị trường này, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần xác minh rõ ràng đối tác trước khi giao dịch, nhất là các đối tác liên hệ qua mạng, cảnh giác với thương vụ quá hấp dẫn, đồng thời đề nghị đối tác thanh toán theo phương thức L/C không huỷ ngang mở tại các ngân hàng uy tín. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu tuyệt đối không sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ) đối với các khách hàng ở châu Phi bởi vì, một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp sẽ bị mất hàng.
Trong trường hợp sử dụng hình thức thanh toán D/P, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải kèm theo điều khoản tiền đặt cọc. Tùy từng mặt hàng, doanh nghiệp cần đưa ra tỷ lệ đặt cọc tương ứng để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng của mình (ít nhất là từ 30% trở lên).
Bên cạnh đó, khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác ở châu Phi và Trung Đông, các doanh nghiệp nên lựa chọn những phương thức giao hàng, thanh toán an toàn, có lợi về mình, để tránh trường hợp nhà nhập khẩu không nhận hàng nhằm ép giảm giá. Hợp đồng phải quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hay tòa án) để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.
Mặt khác, theo các chuyên gia, một số nước GCC áp dụng giấy phép nhập khẩu, cấm nhập khẩu một số mặt hàng đặc biệt như đồ uống có cồn, thịt lợn, biệt dược…. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chú ý tới những điểm này để không vi phạm./.
Linh Anh