Những chai nước bằng nhựa từng làm tắc các kênh thoát nước ở thị trấn Kayunga của Uganda đang được tái chế thành gạch sinh thái, sau đó được dùng để xây bể chứa nước cho cộng đồng.
Hành động của Uganda là một phần trong cam kết của châu Phi nhằm loại bỏ nhựa khỏi khu vực này trên thế giới. Theo Cơ quan Quản lý môi trường quốc gia, thủ đô Kampala của nước này sản xuất hơn 13.000 tấn nhựa mỗi năm. Gần một nửa trong số đó không được xử lý hoặc tái chế đúng cách. Để khắc phục phần nào tình trạng này, tổ chức từ thiện địa phương Ghetto Research Lab nhằm hỗ trợ phụ nữ sống trong các khu ổ chuột đã đào tạo người dân ở Kayunga về quản lý rác thải nhựa.
“Tổ chức của chúng tôi gắn kết mọi người lại với nhau, đặc biệt là những phụ nữ sử dụng nhựa. Chúng tôi hướng dẫn họ những bài học và ý tưởng như làm gạch chai, máy lát nền bằng nhựa và loại bỏ chúng”, Patrick Majuzi, người sáng lập Ghetto Research Lab, cho biết. Những phụ nữ ở thị trấn Kayunga được đào tạo để đóng gói các chai bằng nhựa thải trước khi nén chúng lại để chúng đủ chắc chắn. Những chai này sau đó được làm thành gạch sinh thái để xây bể chứa nước cho cộng đồng, những nơi thiếu nước sạch.
Việc quản lý chất thải nhựa đang là một vấn đề nhức nhối tại lục địa đen và là mối hiểm họa nhãn tiền đối với sức khỏe con người. Các nước châu Phi như Rwanda, Kenya, Morocco… đã đi tiên phong trong việc cấm sử dụng túi ni lông tại siêu thị từ hơn 10 năm trước. Đi đầu trong công cuộc cấm sử dụng túi ni lông ở châu Phi là Rwanda. Kể từ năm 2007, Chính phủ Rwanda đã ban lệnh cấm đối với các loại túi ni lông dùng trong sinh hoạt thường ngày của người dân. Một trong những phương pháp cụ thể để loại bỏ túi ni lông ở nước này là thuyết phục các doanh nghiệp và những người bán hàng nhỏ lẻ thay thế túi ni lông bằng các loại túi giấy an toàn với môi trường. Sở dĩ Chính phủ Rwanda thành công là bởi ở thời điểm ban hành lệnh cấm, việc sản xuất túi ni lông ở nước này còn chưa phổ biến.
Từ tháng 3-2017, Kenya đã đưa ra một trong những biện pháp cứng rắn nhất thế giới: chỉ cần có hành vi vi phạm về lệnh cấm túi ni lông, có thể bị phạt tới 4 năm tù hoặc nộp 38.000 USD. Lệnh cấm có phần khắt khe bắt nguồn từ việc tình trạng môi trường ở Kenya bị ô nhiễm nặng. Ước tính, người dân nước này dùng 24 triệu túi ni lông mỗi tháng. Túi ni lông thường được tìm thấy trong dạ dày của bò ở Kenya, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng của việc sản xuất nông nghiệp và lương thực thực phẩm, vốn dĩ là ngành mang lại thu nhập cho phần lớn người dân. Cũng theo lệnh cấm, du khách đến Kenya mang theo túi ni lông từ các cửa hiệu miễn thuế sẽ được yêu cầu phải bỏ những chiếc túi này lại sân bay.
Tương tự, tại Tunisia, tất cả các chuỗi siêu thị đều phải ngừng phân phối túi ni lông. Theo quy định mới ở Tanzania, lệnh cấm áp dụng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, bán và sử dụng tất cả túi ni lông sử dụng một lần. Người nào bị bắt gặp sản xuất túi ni lông có thể nhận án tù 2 năm hoặc bị phạt số tiền lên tới 400.000USD. Bất cứ ai bị phát hiện mang theo túi ni lông đều có thể bị phạt tại chỗ 13USD. Chính phủ cũng đã cảnh báo khách du lịch không mang túi ni lông khi nhập cảnh vào nước này, nơi có các điểm tham quan nổi tiếng như núi Kilimanjaro và Serengeti.
LAM ĐIỀN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chau-phi-no-luc-bao-ve-moi-truong-post738290.html