Châu Phi đang bước vào đợt khủng hoảng nợ công lần thứ ba kể từ khi giành được độc lập và viễn cảnh còn nhiều thử thách, theo Economist.
Một năm trước, Bộ trưởng Tài chính Ghana Ken Ofori-Atta tránh nói rằng đất nước ông cần được IMF viện trợ. Nhưng giờ Ghana sắp tham gia một chương trình trị giá 3 tỷ USD của tổ chức này. Sau khi được IMF phê duyệt, dựa trên sự đảm bảo từ các chủ nợ song phương, họ sẽ lập tức nhận được 600 triệu USD.
Việc giải ngân các khoản tiếp theo sẽ phụ thuộc vào tiến bộ của Ghana trong việc giảm nợ. Tương tự, Zambia đang vỡ nợ công và chật vật đáp ứng các điều khoản đặt ra để được tái cấu trúc nợ. Dự kiến họ sẽ đạt được thỏa thuận vào tháng sau.
Trường hợp của Ghana và Zambia phát tín hiệu cho một kỷ nguyên “thắt lưng buộc bụng” mới ở châu Phi, nơi nợ công đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, theo Economist.
Thời kỳ hậu độc lập, châu Phi đã trải qua hai thời kỳ nợ công leo thang. Lần đầu là vào những năm 1980 và 1990, dẫn đến một cuộc khủng hoảng mà cuối cùng các nước giàu phải xóa nợ. Lần hai là vào những năm 2000 và 2010, khi các nước châu Phi tìm cách huy động vốn nhiều hơn ngoài việc nhận viện trợ và các khoản vay giá rẻ từ các tổ chức đa phương.
Các nhà tài chính của Trung Quốc đã cho các chính phủ châu Phi vay 160 tỷ USD từ năm 2000 đến 2020. Thị trường vốn trong nước cũng được tận dụng. Giai đoạn 2010-2020, nợ trong nước của châu Phi tăng từ mức trung bình 15% GDP lên 30%.
Các chính trị gia châu Phi nhấn mạnh rằng, việc vay mượn là cần thiết để đầu tư vào trường học, trạm y tế và đường sá. Nhưng nhiều nước đã vay quá nhiều, hoặc tiêu sai số tiền nhận được. Hậu quả là giờ họ buộc phải thắt lưng buộc bụng dưới sự giám sát của các tổ chức tài chính đa phương nếu muốn được giải cứu.
Năm 2022, nợ công trên GDP ở khu vực châu Phi cận Sahara đạt trung bình 56%, cao nhất kể từ đầu những năm 2000. Tỷ lệ này không cao so với tiêu chuẩn của các nước giàu, nhưng nó gần như quá sức ở châu Phi, nơi lãi suất cao hơn nhiều.
Hơn nữa, 40% nợ của khu vực này là nợ nước ngoài, khiến các quốc gia trở thành nạn nhân của biến động tỷ giá hối đoái. Năm nay, chi tiêu của các quốc gia châu Phi để trả nợ nước ngoài (cả trả nợ gốc và lãi) sẽ chiếm 17% thu ngân sách chính phủ, mức cao nhất kể từ năm 1999, theo Debt Justice.
Tiền để trang trải cho những nhu cầu khác giảm. Năm 2010, trung bình một quốc gia cận Sahara chi tiêu cho sức khỏe mỗi người nhiều hơn 70% so với nợ nước ngoài (38 USD so với 22 USD). Đến 2020, chi tiêu cho trả nợ cao hơn 30%. Trong cuộc khủng hoảng nợ hiện tại, các nước rơi vào một trong 3 dạng, theo nhà quản lý quỹ Greg Smith, tác giả cuốn sách về nợ châu Phi tên “Where Credit is Due”.
Đầu tiên là các nước “châu Phi mới nổi”, bao gồm một số quốc gia giàu có của lục địa này, chẳng hạn như Mauritius và Nam Phi. Họ vẫn có thể vay trên thị trường vốn, mặc dù ở mức lãi suất cao hơn. Nhóm thứ hai, bao gồm khoảng 35 quốc gia, là “châu Phi nghèo hoặc thận trọng”. Những nước này hoặc quá tốt để không cần vay nhiều (như Botswana) hoặc hầu hết quá tệ để nước ngoài muốn cho vay.
Thứ ba là các nước “châu Phi cận biên” với khoảng 15 quốc gia đa số có nền kinh tế triển vọng nhất của châu lục nhưng cũng đang gặp rắc rối nhất. Quỹ Greg Smith tính toán rằng họ cần vay khoảng 30 tỷ USD mỗi năm để trả các khoản nợ nước ngoài hiện có. Ghana và Zambia, hai nước cận biên đã vỡ nợ, cho thấy việc giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ của thời đại này sẽ phức tạp hơn trước ra sao.
Ngay cả khi các quốc gia cận biên khác tránh được tình trạng vỡ nợ, họ vẫn gặp rắc rối. Kenya gần đây không trả lương cho công chức đúng hạn. “Lương hay vỡ nợ? Hãy lựa chọn”, David Ndii, Cố vấn kinh tế của Tổng thống William Ruto, nói.
Ethiopia, quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi, hầu như không được tiếp cận viện trợ và thị trường vốn kể từ khi rơi vào nội chiến năm 2020. Tương tự Ghana hay Nigeria, chính phủ Ethiopia đã vay mượn nhiều từ ngân hàng trung ương, làm suy yếu đồng tiền nội tệ và thúc đẩy lạm phát. Giờ chiến tranh đã kết thúc, họ muốn IMF giúp đỡ trước khi khoản nợ trái phiếu châu Âu (Eurobond) trị giá một tỷ USD đến hạn vào cuối năm 2024.
Nigeria thì chủ yếu là nợ trong nước, chiếm tới 96% thu ngân sách chính phủ vào năm ngoái. Một phần nguyên nhân là gần đây chính phủ nước này thu được rất ít tiền từ dầu mỏ do nạn trộm cắp tràn lan, sản lượng thấp và chi phí trợ cấp nhiên liệu. Ở Bờ Biển Ngà và Senegal, nợ chiếm một phần tư thu ngân sách.
Lời giải lý tưởng để thoát nợ là tăng trưởng kinh tế. Nhưng triển vọng với châu Phi khá ảm đạm. Vào tháng 4, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Phi cận Sahara năm nay xuống còn 3,6%, chỉ cao hơn khoảng một điểm phần trăm so với mức tăng dân số. Yêu cầu thắt lưng buộc bụng cũng có thể làm chậm tăng trưởng hơn nữa.
Một số chuyên gia khuyến nghị các nước châu Phi tăng thêm thuế. Trung bình thu từ thuế ở khu vực cận Sahara chiếm 13% GDP so với 18% ở các nền kinh tế mới nổi khác và 27% ở các nước giàu. Tỷ lệ này không tăng trong một thập kỷ.
Đã có 21 quốc gia có thỏa thuận vay với IMF và số nước sẽ còn tăng. Giải ngân khoản vay của Trung Quốc cho châu Phi đã giảm xuống khoảng 10% so với mức cao nhất vào năm 2016. Từ năm 2012 đến 2021, viện trợ quốc tế cho châu Phi cận Sahara chiếm 3% GDP của khu vực, giảm từ mức 4% trong thập kỷ trước.
Thị trường Eurobond có thể mở cửa trở lại, nhưng lãi suất sẽ cao hơn so với những năm 2010. Lãi suất Eurobond thấp nhất mà Ghana – quốc gia giàu nhất lục địa phía tây châu Phi tính theo GDP trên đầu người – đạt được là 6,4%.
Nơi đây sẽ càng chật vật hơn nếu địa chính trị toàn cầu biến động. Phân tích của IMF đầu tháng này cho biết khu vực châu Phi cận Sahara gặp rủi ro cao nhất nếu phương Tây và Trung Quốc tách rời thành hai khối thương mại khác nhau. Trong một “kịch bản nghiêm trọng”, GDP khu vực có thể giảm 4%.
Châu Phi giàu có hơn so với những năm 1980. Giới lãnh đạo tại đây cũng tài năng và khéo léo hơn. Tuy nhiên, biến động toàn cầu khiến công cuộc thoát nợ của họ trở nên đau đớn và khó khăn hơn xưa, theo Economist.
Phiên An (theo The Economist)