Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục bị triệu tập hầu tra, Quân đội Ukraine rút khỏi một số khu vực ở miền Đông, quân số Mỹ ở Syria tăng gấp đôi, Malaysia tăng cường phòng thủ ở Biển Đông, Mỹ buộc tội “gián điệp Trung Quốc” can thiệp chính trị… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Sun Yeol tiếp tục bị triệu tập hầu tra sau vụ ra lệnh thiết quân luật. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Trung Quốc “xua đuổi” máy bay Philippines gần Bãi cạn Scarborough: Hải cảnh Trung Quốc ngày 20/12 cho biết đã cảnh báo và “xua đuổi” 1 máy bay C-208 của Philippines “xâm phạm trái phép” vùng trời trên Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) ở Biển Đông.
Hải cảnh Trung Quốc kêu gọi phía Philippines lập tức chấm dứt “các hành vi vi phạm và khiêu khích”, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường công tác thực thi pháp luật tại “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. (Reuters)
*Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục bị triệu tập hầu tra: Ngày 20/12, nhóm điều tra liên ngành của Hàn Quốc đã gửi yêu cầu Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol có mặt để thẩm vấn trong tuần tới liên quan đến việc ban bố thiết quân luật bất thành hồi đầu tháng.
Một quan chức cho biết nhóm điều tra đã gửi giấy triệu tập yêu cầu ông Yoon có mặt để thẩm vấn tại trụ sở Văn phòng Điều tra tham nhũng đối với quan chức cấp cao (CIO) ở Gwacheon, phía Nam Seoul, vào 10 giờ sáng ngày 25/12. Đây là yêu cầu triệu tập lần thứ hai mà nhóm điều tra gửi đến ông Yoon sau khi ông từ chối hợp tác với yêu cầu triệu tập đầu tiên hồi đầu tuần này.
Nhóm điều tra dự định thẩm vấn Tổng thống Yoon về vai trò của ông liên quan đến việc ban bố lệnh thiết quân luật hôm 3/12. (Yonhap)
*Malaysia tăng cường phòng thủ ở Biển Đông: Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Malaysia Raja Nushirwan Zainal Abidin cho biết Malaysia sẽ tăng cường hải quân và không quân để bảo vệ vùng biển lãnh thổ, bao gồm Biển Đông, đồng thời duy trì các kênh ngoại giao với các nước liên quan. Đây là phát biểu của ông Raja Nushirwan trước 300 đại biểu, gồm các nhà ngoại giao, quân nhân và học giả, tại Hội nghị Biển Đông 2024 do Viện Hàng hải Malaysia tổ chức tại Kuala Lumpur ngày 18/12.
Ông Raja Nushirwan cho biết NSC sẽ xây dựng chính sách an ninh quốc gia mới để tái khẳng định vị thế của Malaysia là một quốc gia biển. Theo ông, chính sách này sẽ dựa vào Sách Trắng Quốc phòng Malaysia 2019, tập trung vào việc xây dựng lực lượng hải quân và không quân lớn mạnh hơn, một ưu tiên chưa được nhấn mạnh trong quá khứ. (Straits Times)
*Trung Quốc ủng hộ tiến trình hòa bình ở Myanmar: Ngày 20/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao nước này Tôn Vệ Đông đã phát biểu tại một cuộc họp khu vực về Myanmar ở Thái Lan rằng tất cả các bên nên ủng hộ Myanmar trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình và hòa giải.
Thông cáo của bộ trên khẳng định Trung Quốc ủng hộ Myanmar bảo vệ chủ quyền và ủng hộ tất cả các bên trong nước giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn.
Ngày 19/12, Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp khu vực về Myanmar với sự tham dự của các nước láng giềng gồm Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ. (Reuters)
*Hàn Quốc bắt giữ chỉ huy tình báo quân đội: Ngày 20/12, nhóm điều tra liên ngành của Hàn Quốc về vụ thiết quân luật đã đề nghị ban hành lệnh bắt giữ người đứng đầu Bộ Chỉ huy Tình báo Quốc phòng với cáo buộc tham gia các hoạt động thiết quân luật.
Thiếu tướng Moon Sang-ho, đã bị các điều tra viên tạm giữ đầu tuần này, bị tình nghi đã điều quân đến trụ sở Ủy ban Bầu cử Quốc gia ở Gwacheon, phía Nam Seoul, vào ngày 3/12 sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật.
Ông cũng bị tình nghi đã thảo luận về các hoạt động thiết quân luật với cựu chỉ huy tình báo quốc phòng Noh Sang-won cùng hai thuộc cấp khác tại một cửa hàng thức ăn nhanh ở tỉnh Gyeonggi hai ngày trước khi ông Yoon ban bố thiết quân luật. (Yonhap)
Châu Âu
*Nga cảnh báo G7: Trừng phạt dầu mỏ sẽ gây tổn thất cho cả hai bên: Điện Kremlin ngày 20/12 tuyên bố bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đối với lĩnh vực dầu mỏ Nga đều sẽ phản tác dụng, đồng thời khẳng định Moscow sẽ có biện pháp giảm thiểu hậu quả của động thái đó.
Bloomberg hôm 19/12 đưa tin các quốc gia thành viên G7 đang cân nhắc các phương án tăng cường giới hạn giá dầu của Nga, bao gồm kế hoạch thay thế cơ chế này bằng lệnh cấm hoàn toàn hoạt động vận chuyển dầu thô Nga hoặc hạ ngưỡng giá từ mức 60 USD/thùng hiện tại xuống khoảng 40 USD/thùng. (Reuters)
*Ba Lan phản đối Hungary cấp quy chế tị nạn cho quan chức: Ngày 20/12, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết nước này đã triệu Đại sứ Hungary tới và triệu hồi Đại sứ Ba Lan tại Hungary để tham vấn nhằm phản đối “hành động thù địch” của Budapest khi cấp quy chế tị nạn cho cựu Thứ trưởng Tư pháp Ba Lan Marcin Romanowski, người đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng.
Hôm 19/12, Bộ Ngoại giao Ba Lan gọi quyết định của Chính phủ Hungary cấp quyền tị nạn cho cựu Thứ trưởng Romanowski, bị cáo buộc biển thủ quỹ từ Quỹ Tư pháp, là một “bước đi không thân thiện”. (AFP)
*Quân đội Ukraine rút khỏi một số khu vực ở miền Đông: Quân đội Ukraine ngày 20/12 thông báo đã rút lực lượng khỏi khu vực xung quanh 2 ngôi làng Uspenivka và Trudove thuộc vùng Donetsk ở miền Đông để tránh bị các lực lượng Nga bao vây. Trên trang Telegram, nhóm Khortytsia của Ukraine cho biết: “Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã quyết định rút các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ Ukraine khỏi khu vực nói trên để tránh bị bao vây”.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng của nước này đã kiểm soát thêm 2 khu dân cư ở vùng Donetsk là Uspenivka và Novopustynka. Trước đó, quân đội Nga khẳng định đã kiểm soát được làng Trudove hôm 18/12. (Reuters)
*Châu Âu thảo luận kế hoạch đưa quân tới Ukraine: Tờ Washington Post (WP) dẫn các nguồn tin cho biết các đồng minh châu Âu của Kiev đang thảo luận nghiêm túc về khả năng điều quân tới Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga.
Theo báo trên, triển vọng triển khai quân đã được thảo luận hôm 18/12 tại Brussels khi Tổng thư ký NATO Mark Rutte tiếp các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Ukraine Zelensky. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng biết đến ý tưởng này khi ông gặp ông Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris hồi đầu tháng 12.
Tuy nhiên trước đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định việc gửi quân NATO tới Ukraine thậm chí còn không được đưa ra thảo luận. (WP/Sputnik)
*Ukraine cáo buộc Nga tấn công mạng quy mô lớn: Tối 19/12 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna cho biết Nga đã thực hiện một cuộc tấn công mạng ồ ạt nhằm vào các cơ quan đăng ký của nhà nước Ukraine.
Trên mạng xã hội Facebook, bà Stefanishyna chia sẻ: “Hôm nay, cuộc tấn công mạng lớn nhất từ bên ngoài trong thời gian gần đây đã xảy ra với các cơ quan đăng ký của nhà nước Ukraine. Hậu quả cuộc tấn công có chủ đích này là công việc của các cơ quan đăng ký, trực thuộc Bộ Tư pháp Ukraine, đã tạm thời bị gián đoạn”.
Bà Stefanishyna chỉ rõ cuộc tấn công “do người Nga thực hiện nhằm làm gián đoạn hoạt động của cơ sở hạ tầng cực kỳ quan trọng của đất nước Ukraine” và nhà chức trách đang nỗ lực khôi phục hệ thống. (Reuters)
Trung Đông – châu Phi
*Thổ Nhĩ Kỳ quyết xóa sổ khủng bố để thiết lập Syria “mới và ổn định”: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, phiến quân thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm liên quan cần phải bị xóa bỏ để thiết lập một đất nước Syria mới an toàn và ổn định.
Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Hội nghị D-8 ở Ai Cập, Tổng thống Erdogan cũng cam kết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ ban lãnh đạo mới của Syria trong cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng sẽ không còn thế lực nào tiếp tục bắt tay với các nhóm nêu trên ở Syria, dường như ám chỉ đến sự hợp tác giữa Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) và Mỹ ở Đông Bắc Syria. (Reuters)
*Hamas chịu áp lực ngừng bắn ở Gaza: Tờ The Hill dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas đang chịu áp lực phải tiến hành lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza của Palestine với lý do sự ủng hộ trong khu vực dành cho nhóm này đã giảm sút trong những tháng gần đây.
Phát biểu ngày 19/12 sau khi kết thúc chuyến đi thứ 12 tới Trung Đông kể từ khi chiến tranh nổ ra, Ngoại trưởng Blinken chỉ rõ chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang hợp tác với các đối tác trong khu vực để gây áp lực buộc Hamas phải đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn. Cả chính quyền Biden sắp mãn nhiệm và chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đều ra tín hiệu muốn hoàn tất thỏa thuận trước lễ nhậm chức ngày 20/1 tới. (The Hill)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Ukraine công bố viện trợ nhân đạo cho Syria |
*Quân số Mỹ ở Syria tăng gấp đôi: Ngày 19/12, Lầu Năm Góc cho biết họ có 2.000 lính Mỹ ở Syria, nhiều gấp hơn 2 lần so với con số 900 được công bố trước đó và đồng thời lý giải số binh sĩ bổ sung được coi là lực lượng tạm thời để hỗ trợ sứ mệnh chống lại các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder thừa nhận ông không biết quân số Mỹ tại Syria đã lên tới 2.000 từ khi nào, nhưng có lẽ xảy ra trước thời điểm chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ.
Trong nhiều năm qua, Mỹ tuyên bố công khai rằng họ có 900 binh sĩ ở Syria đang hợp tác với các lực lượng địa phương để ngăn chặn sự trỗi dậy của IS. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khẳng định quân đội Mỹ sẽ ở lại Syria. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể đảo ngược quyết định này khi ông nhậm chức vào ngày 20/1 tới. (Reuters)
*Iraq trao trả 1.900 binh sĩ Syria vượt biên: Chính quyền Iraq trao trả cho chính quyền mới ở Syria hơn 1.900 người từng phục vụ trong các lực lượng vũ trang của chính quyền Tổng thống Bashar Assad. Những người này đã rời bỏ vị trí trong đợt tấn công vừa qua của phe đối lập ở Syria để chạy trốn sang Iraq.
Thông báo của Bộ chỉ huy Chiến dịch Hỗn hợp Iraq (IJOC) cho biết trong buổi sáng 19/12, “dưới sự phối hợp của một số lực lượng tại Syria, 1.905 binh sĩ và người liên quan đã được trả về và chính thức bàn giao tại trạm kiểm soát biên giới Al-Qa’im”.
Những người được trả về theo đề nghị của chính quyền mới tại Syria và dựa trên cam kết tự nguyện bằng văn bản. Phía Iraq cũng kêu gọi chính quyền mới ở Syria đảm bảo an toàn cho người trở về, cam kết ân xá và cho phép họ đoàn tụ gia đình. (Al Jazeera)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*Mỹ cảnh báo về kho vũ khí hạt nhân ngày càng tinh vi của Trung Quốc: Trong báo cáo “Sức mạnh quân sự Trung Quốc” được công bố mới đây, Lầu Năm Góc nhận định Bắc Kinh không chỉ gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân đang hoạt động lên 600, mà còn cải thiện tính đa dạng và độ tinh vi của kho vũ khí.
Báo cáo “Sức mạnh quân sự Trung Quốc” – được thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ yêu cầu và được công bố hàng năm trong 2 thập kỷ qua – là tài liệu không được phân hạng “Mật” toàn diện nhất của Lầu Năm Góc, trong đó đưa ra những đánh giá chi tiết về năng lực quốc phòng của “người khổng lồ châu Á”. (SCMP)
*Ông Trump ra tối hậu thư cho EU: Ngày 20/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) nếu không lấp đầy “thâm hụt lớn” trong quan hệ thương mại với Washington bằng cách mua dầu và khí đốt với số lượng lớn.
Trên mạng xã hội, ông Trump viết: “Tôi đã nói với EU rằng họ phải bù đắp khoản thâm hụt khổng lồ với Mỹ bằng cách mua dầu và khí đốt của chúng tôi trên quy mô lớn. Nếu không, sẽ có thuế quan vĩnh viễn!”. (Sputnik)
*Bạo loạn nhà tù tại Mexico khiến nhiều người thiệt mạng: Các nhà chức trách Mexico hôm 19/12 cho biết đã xảy ra vụ bạo loạn ở một nhà tù bang Tabasco ở Đông Nam nước này, khiến 7 tù nhân thiệt mạng và 10 người bị thương, trong đó có 4 cảnh sát.
Công tố viên bang Tabasco – ông José Barajas Mejía cho biết vụ việc trên xảy ra vào khoảng 5h sáng (giờ địa phương) khi lực lượng an ninh đến Trung tâm tái hòa nhập xã hội bang Tabasco (Creset) để thực hiện việc chuyển giao hai tù nhân gây bạo lực. Các tù nhân tại đây đã tấn công nhóm an ninh áp giải bằng súng và sau đó đốt phá đồ đạc và cơ sở vật chất trong trại giam. Cuộc bạo loạn kéo dài trong suốt 4 giờ và cuối cùng tất cả đã bị bắt. (AFP)
*Mỹ ký hợp đồng mua 131 tên lửa tầm xa Tomahawk: Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này đã ký hợp đồng trị giá 400 triệu USD để mua 131 tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk, trong đó 42 tên lửa dành cho lực lượng vũ trang Mỹ và 78 tên lửa cho Nhật Bản.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay: “Công ty Raytheon ở Tucson, Arizona, được trao hợp đồng trị giá tối đa 401.199.552 USD để mua 131 tên lửa Tomahawk chiến thuật Block V được sản xuất hoàn chỉnh, bao gồm 26 tên lửa cho Lục quân, 16 cho Thủy quân lục chiến, 11 cho Khối thịnh vượng chung Australia và 78 cho Chính phủ Nhật Bản”. Công việc dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2028. (Sputniknews)
*Mỹ buộc tội “gián điệp Trung Quốc” can thiệp chính trị: Ngày 20/12, các công tố viên Mỹ tiết lộ cáo trạng hình sự đối với một công dân Trung Quốc, cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử một đặc vụ ở California để tác động đến chính trường tiểu bang này.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ Yaoning “Mike” Sun, 64 tuổi, tại nhà riêng ở Chino Hills, gần Los Angeles, với cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ nước ngoài trong khi tham gia chính trị địa phương.
Theo cáo trạng, Sun từng là quản lý chiến dịch tranh cử và cố vấn thân cận của một chính trị gia giấu tên ra tranh cử chức vụ địa phương năm 2022. Trong chiến dịch tranh cử, ông ta bị cáo buộc đã thông đồng với Chen Jun – công dân Trung Quốc vừa bị kết án tù hồi tháng trước vì làm gián điệp cho Bắc Kinh – trong nỗ lực giúp chính trị gia này đắc cử. (AFP)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-2012-chau-au-tinh-dua-quan-toi-ukraine-iraq-trao-tra-hang-ngan-binh-si-syria-vuot-bien-ong-trump-ra-toi-hau-thu-cho-eu-298123.html