Các nguồn tin cho biết, các đồng minh châu Âu của Kiev đang thảo luận nghiêm túc về khả năng điều quân tới Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình giữa nước này và Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tại Brussels, Bỉ, ngày 19 /12. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 19/12, tờ Washington Post (WP) dẫn các nguồn tin cho biết, triển vọng triển khai quân đã được thảo luận hôm 18/12 tại Brussels, Bỉ, khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte tiếp các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nguồn tin giấu tên tiết lộ: “Một nhóm các nước châu Âu sẽ thành lập một lực lượng quân sự để duy trì lệnh ngừng bắn và đóng vai trò ngăn chặn Nga… Lực lượng như vậy không thể tập hợp dưới cờ NATO, vì việc đó đòi hỏi sự đồng thuận của các thành viên trong liên minh và bị coi là động thái không mong muốn với Moscow”.
Theo nguồn tin, ý tưởng trên, do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy đã khơi dậy sự quan tâm của Vương quốc Anh, cũng như các nước vùng Baltic và Scandinavia. Tuy nhiên vẫn chưa rõ những nước nào sẽ gửi quân và sẵn sàng đóng góp bao nhiêu quân.
Đối với các nhà lãnh đạo châu Âu, việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình quy mô lớn sẽ cần đến sự hỗ trợ trong nước và nguồn lực quân sự. Các nhà phân tích giấu tên nói thêm, cần tập hợp hàng chục nghìn quân để có được một “lực lượng quân sự ấn tượng”.
Tuy nhiên trước đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định việc gửi quân NATO tới Ukraine thậm chí còn không được đưa ra thảo luận.
Về kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 19/12, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của khối nhằm giúp Ukraine ổn định, đồng thời nhất trí tăng cường viện trợ cho Ukraine, cả về quân sự và tài chính.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa nhấn mạnh, EU sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine, cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho quốc gia này, đồng thời bày tỏ mong muốn Kiev sẽ trở thành thành viên của gia đình EU trong một tương lai không xa.
EU cũng đang hành động để khôi phục và ổn định hệ thống năng lượng của Ukraine, vốn đã bị tổn hại nặng nề trong cuộc xung đột. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, đây là ưu tiên hàng đầu của khối trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần.
Để hỗ trợ Ukraine, EU cam kết cung cấp thêm vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự, đồng thời khẳng định sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết Ukraine, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của nước này và tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga.
Về mặt chính trị và ngoại giao, các nhà lãnh đạo EU cam kết không quyết định bất kỳ điều gì về Ukraine mà không có sự tham gia của quốc gia này. Mặc dù các cam kết của EU là rất quan trọng, nhưng việc chấm dứt xung đột và xây dựng lại Ukraine sẽ là một quá trình lâu dài và phức tạp.
Bên cạnh các quyết định trên, EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một trật tự thế giới mới, nơi các nguyên tắc dân chủ, nhân quyền và luật pháp quốc tế được tôn trọng, hướng đến một thế giới đa cực và công bằng hơn.
Tuy nhiên, về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh, bất kỳ bước đi nào để có hòa bình lâu dài đều phải có sự tham gia của Mỹ vì các đảm bảo của EU sẽ không đủ đối với Kiev.
Ông Zelensky cũng ủng hộ một sáng kiến triển khai quân đội phương Tây đến Ukraine, song cần triển khai chi tiết với những cơ chế hiệu quả cho ý tưởng này.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chau-au-nghiem-tuc-tinh-viec-dua-quan-den-ukraine-eu-hua-lam-cho-dua-lon-nhung-kiev-noi-khong-du-muon-phai-co-my-298106.html