Tham dự đoàn làm việc của phía châu Âu có ông Peteris Ustubs, Giám đốc INTPA. Trong đó, ông Peteris Ustubs đã đại diện phái đoàn EU trao đổi với Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành về mối quan tâm của EU. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các vấn đề liên quan tới việc triển khai quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) tại Việt Nam.
Cụ thể, ông Peteris Ustubs cho biết phái đoàn muốn lắng nghe quan điểm và những khó khăn của phía Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP), do EU và Vương quốc Anh đồng chủ trì. Ngoài ra, phái đoàn cũng quan tâm và mong muốn thúc đẩy sự phối hợp giữa EU và Việt Nam trong Chương trình Hợp tác Định hướng Đa niên EU – Việt Nam giai đoạn 2021-2027, tập trung vào tăng trưởng xanh bền vững và hành động khí hậu.
Tiếp lời ông Peteris Ustubs, Thứ trưởng Lê Công Thành gửi lời cảm ơn EU và Vương quốc Anh đã nắm vai trò dẫn dắt thực hiện JETP. Thứ trưởng nhận định đây là bước đi quan trọng để hướng tới việc thực hiện thành công mô hình mẫu hợp tác đối tác giữa một bên là các nước phát triển và một bên là các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi, đóng góp vào nỗ lực chung giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời đảm bảo tính công bằng, công lý trong thực hiện các hành động khí hậu.
Tuy nhiên, JETP là một vấn đề mới, mang tính chất liên ngành, do đó, Việt Nam vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn.
Với vai trò trong Ban Thư ký triển khai JETP, Bộ TN&MT nhận thức được những thách thức này. Theo đó, Bộ đang liên tục học hỏi kinh nghiệm từ phía Indonesia và Nam Phi, hai quốc gia đã tham gia vào JETP trước, đồng thời tiếp tục trao đổi với các bộ ngành phía Việt Nam để tìm kiếm thuận lợi và giải quyết khó khăn.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Ban Thư ký triển khai JETP có 4 nhóm, lần lượt do các Bộ TN&MT, Công thương, Kế hoạch – Đầu tư và Tài chính dẫn đầu. Trong đó, Bộ TN&MT rất ủng hộ và mong muốn thúc đẩy JETP từ quá trình xây dựng đến triển khai.
Trong lĩnh vực phụ trách, Bộ TN&MT đang sửa đổi Nghị định 06 về quản lý tín chỉ carbon, tiến tới thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028. Theo đó, định giá carbon sẽ là động lực để các ngành kinh tế Việt Nam chuyển động, hướng tới giảm phát thải. Đồng thời, Bộ cũng đang sửa đổi quy định làm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp nghiên cứu khu vực biển làm điện gió, cũng như thủ tục về môi trường trong dự án năng lượng.
Thứ trưởng Lê Công Thành còn thông tin về một vài khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực khác, bao gồm vấn đề trần nợ công, quản lý các dự án có nguồn vốn hỗn hợp, công nghệ truyền tải điện và vấn đề giá điện.
Trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam đang đứng trước khó khăn lớn về năng lượng nền. Trong đó, năng lượng tái tạo phải đi đôi với năng lượng nền. Hiện tại, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII, hướng tới giải quyết những vướng mắc này.
Về hệ thống truyền tải điện, hệ thống truyền tải điện ở Việt Nam có sự mất cân đối giữa cung và cầu ở phía Bắc và Nam đất nước. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức vấn đề này và đang xây dựng quy định để truyền tải điện có thể thu hút nguồn đầu tư khác nhau, đặc biệt vào việc xây dựng lưới điện thông minh và mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thứ trưởng Lê Công Thành kỳ vọng thời gian tới, Việt Nam có thể sớm đưa ra quy định mới liên quan tới mua bán điện trực tiếp.
Hiện nay, cả Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trong các vấn đề nói trên, bao gồm thủ tục dự án ODA, việc mua bán điện trực tiếp, kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII.
Các vấn đề này cũng sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện cam kết COP26, tại đây Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các chỉ đạo, thúc đẩy công tác để sớm gặt hái kết quan ban đầu trong việc triển khai JETP, bao gồm những dự án mang tính chất thí điểm có thể được thông qua hội nghị này.
Ghi nhận những chia sẻ từ Thứ trưởng Lê Công Thành, phía EU đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai các cam kết vì môi trường và thực hiện JETP. Theo đó, ông Peteris Ustubs cho biết Liên minh châu Âu rất quan tâm và mong muốn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các thoả thuận hợp tác giữa hai bên một cách thiết thực, hiệu quả.