CampuchiaRừng ngập nước Stung Treng ở hạ nguồn Mekong từng là nơi cung cấp sinh kế cho nhiều ngư dân, trước khi trữ lượng các loài cá suy giảm nghiêm trọng.
Tha Sara, góa phụ ba con 34 tuổi, bắt đầu công việc giặt giũ bên chiếc xuồng nhỏ chất đầy quần áo. Hai đứa con nhỏ của Sara đứng trên bờ, nhìn về phía xuồng của mẹ neo gần bờ sông Mekong ở làng Veun Sein, tỉnh Stung Treng, đông bắc Campuchia.
Chồng cô qua đời năm 2019, để lại khoản nợ 5.000 USD mà anh từng vay mượn trang trải cuộc sống. Đây là món nợ lớn với những lao động nghèo như gia đình Sara, khi họ chỉ có thể kiếm được 200 USD mỗi tháng.
Gánh nặng nợ nần đã buộc Sara phải xa các con để đi làm giúp việc ở Arab Saudi. Sau hai năm, Sara gần như trả hết nợ và tiết kiệm được một chút tiền.
Cô đã dự định làm việc ở Arab Saudi lâu hơn. Song tháng 5/2022, người thân ở Campuchia nhắn tin rằng con gái của cô ốm nặng và họ từ chối tiếp tục giúp cô chăm sóc các con.
“Do chủ nhà không muốn tôi về, họ đã không mua vé máy bay cho tôi”, cô kể. Sara đã phải dành phần lớn số tiền tiết kiệm được, khoảng 2.000 USD, để mua vé về Campuchia.
Trong hành trình trở về, Sara gặp trục trặc về vé máy bay tại Thái Lan, điểm cuối của hành trình, khiến cô phải mất thêm 500 USD. Khi về tới Campuchia, cô chỉ còn đủ tiền mua một chiếc xe máy và trở lại với cuộc sống vất vả mưu sinh như trước.
Sara không phải người duy nhất ở trong làng Veun Sein phải đi xuất khẩu lao động. Không chỉ ra nước ngoài, nhiều người cũng đi đến những khu vực khác trong nước để tìm việc.
Trưởng làng Si Chandorn cho biết trong 20 dân làng rời đi năm ngoái, 18 người là phụ nữ. Họ thường làm việc trong khách sạn, tiệm làm tóc, giúp việc cho các gia đình hoặc bán hàng ở chợ.
Bà Chandorn, 63 tuổi, cho biết xu hướng này mới xuất hiện từ năm 2017, khi cơ hội việc làm trong khu vực hạn chế và trữ lượng cá trong khu vực suy giảm. Trước kia, tình hình không khó khăn đến vậy.
“Veun Sien từng là nơi có rất nhiều cá vì có rừng ngập nước”, bà nói.
Rừng ngập nước Stung Treng nằm dọc dòng Mekong, phía bắc thị trấn Stung Treng, trong nhiều năm qua là một trung tâm đa dạng sinh học. Được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar của UNESCO năm 1999, khu rừng là nơi sinh sống của nhiều loài chim và cá có nguy cơ tuyệt chủng. Trải rộng trên khu vực rộng 14.600 hecta, đây cũng là điểm đến của hàng trăm loài cá di cư khi chúng bơi ngược dòng vào mùa sinh sản.
Tính đến năm 2021, hơn 15.000 cư dân sinh sống tại 20 ngôi làng xung quanh rừng ngập nước Stung Treng, với nghề mưu sinh chính là đánh bắt cá. Tuy nhiên, nhiều dân làng đã phải từ bỏ nghề này khi trữ lượng cá ở rừng ngập nước suy giảm nghiêm trọng.
Ian Baird, giáo sư địa lý tại Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ, người từng sống ở khu vực này trong những năm 1990 và có quan hệ gần gũi với các cộng đồng địa phương, đã trở lại đây vào tháng 5/2022 để tìm hiểu nguyên nhân khiến rừng ngập nước tại Stung Treng chết dần.
Baird cho rằng hàng loạt đập lớn được xây dựng trên dòng chính sông Mekong và các nhánh của nó là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Những con đập thủy điện giữ lại nước trong hồ chứa lớn vào mùa mưa và xả chúng vào mùa khô để sản xuất điện.
Việc xả nước vào mùa khô khiến các rừng ngập nước bị ngập quanh năm, thay vì chỉ ngập vào mùa mưa như thông thường. Trong khi đó, các loài cây đặc hữu ở khu rừng ngập mặn này đã thích ứng với mùa nước nổi và nước rút suốt hàng nghìn năm qua.
Khi nước sông Mekong dâng lên vào mùa mưa, thường từ tháng 5 đến tháng 10, những loài cây này ngập trong nước. Đến mùa khô, khi nước rút, chúng sinh sôi nảy nở và phát triển.
Nhưng dân làng ở Stung Treng cho hay từ giữa những năm 2000, khi các đập thủy điện mọc lên ở thượng nguồn, nước sông không rút cạn vào mùa khô, khiến cây cối trong rừng ngập nước không có thời gian sinh trưởng cần thiết. Chúng thối rữa và chết hàng loạt.
Baird phát hiện khoảng 50% loài cây cao trong rừng ngập nước đã chết khô. Nếu không có biện pháp can thiệp, toàn bộ khu rừng có thể bị xóa sổ trong tương lai.
Hiện có hơn 150 đập thủy điện nằm dọc theo con sông Mekong và các nhánh của nó, trong đó có 13 đập được xây dựng trên dòng chính. Baird đã phân tích mực nước ở khu vực trong mùa khô và nhận thấy nước ở Pakse, miền nam Lào và là điểm gần nhất với rừng Stung Treng, đã tăng lên trong 15 năm qua.
“Thiệt hại không chỉ gây ra cho rừng ngập nước mà còn đối với những loài thủy sinh ở đó. Một số loài thậm chí biến mất hoàn toàn”, giáo sư Baird nói, dẫn báo cáo gần đây của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế về khu rừng ngập nước Stung Treng. “Điều này cũng tác động lớn đến nghề đánh bắt cá”.
Khu rừng bị hủy hoại cũng đẩy nhanh tình trạng xói mòn các bãi bồi, khiến nhiều vùng đất nông nghiệp biến mất.
Ủy hội sông Mekong (MRC), cơ quan liên chính phủ giám sát sự phát triển của sông Mekong gồm Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia, thừa nhận mực nước ở Pakse “tăng nhẹ”, cho rằng đây có thể là kết quả của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, xả nước từ hồ chứa và thay đổi cách sử dụng đất.
“Chúng tôi đang làm việc với bốn nước thành viên cùng Trung Quốc, Myanmar trong dự án ‘Giới hạn của thay đổi cho phép đối với các khu vực ngập nước hạ nguồn sông Mekong’. Trong đó, chúng tôi cố gắng đánh giá dòng chảy tối thiểu và tối đa trong mùa mưa và mùa khô”, tuyên bố của MRC có đoạn.
Chhoun Chhorn, phó giám đốc sở môi trường tỉnh quản lý khu vực Stung Treng, xác nhận họ chưa có biện pháp nào để bảo vệ khu rừng ngập nước.
“Chúng tôi từng nêu vấn đề trên truyền hình và với các bên liên quan để kêu gọi tài trợ, đóng góp ngân sách phục hồi rừng nhưng tới giờ vẫn chưa có kết quả”, ông nói.
Tại Hội nghị Quốc tế MRC ở Vientiane, Lào hồi tháng 4, các quan chức nước chủ nhà đã nhấn mạnh vào yêu cầu về những hành động quyết liệt nhằm giải quyết những thách thức ngày càng tăng với an ninh nguồn nước ở hạ lưu sông Mekong.
“Tình hình được dự báo sẽ tồi tệ hơn nếu chúng ta cứ tiếp tục như hiện nay”, Bounkham Vorachit, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lào, phát biểu tại hội nghị. Bà kêu gọi các bên liên quan chú trọng đến sinh kế của những người nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất dọc dòng sông Mekong.
Ông Hao Zhao, tổng thư ký Trung tâm Nước Lan Thương – Mekong (LMC), cho rằng trung tâm này sẽ phối hợp chặt chẽ, “kề vai sát cánh” với MRC để có được “dữ liệu khoa học thực sự” liên quan đến dòng Mekong, nhằm “tránh những diễn giải sai lầm”.
Tại làng Veun Sein, Sara không thấy bất kỳ triển vọng phát triển nào, khi trữ lượng cá ngày càng ít ỏi và khu rừng ngập nước dần bị phá hủy. “Cuộc sống trước khi tôi đi và sau khi trở về không thay đổi gì. Chúng tôi vẫn không có thu nhập”, cô nói.
Sara hy vọng trong tương lai cô có thể mở một cửa hàng trên trục đường chính. Nhưng để biến ước mơ thành hiện thực, cô cần có tiền, điều khó có thể có được nếu chỉ ở trong làng.
“Khi nào con gái tôi kết hôn, tôi muốn đi xuất khẩu lao động lần nữa. Lần này tôi sẽ không đến Arab Saudi, mà muốn tới Malaysia vì nó gần hơn. Arab Saudi quá xa”, Sara nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP)