Theo chương trình Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 14/8 tới. Phiên họp này dự kiến kéo dài 7,5 ngày với nhiều nội dung quan trọng và được tổ chức thành hai đợt.
Đợt 1 từ ngày 14-18/8. Đợt 2 từ ngày 24-26/8. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày làm việc để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Để chuẩn bị tốt nhất cho phiên chất vấn, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm các phiên chất vấn trước đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan báo cáo thêm về công tác chuẩn bị tổ chức, nhất là việc chuẩn bị tài liệu, dự thảo Nghị quyết chất vấn; đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất, những vấn đề cần quan tâm lưu ý để cho phiên chất vấn diễn ra thành công, sôi nổi với tinh thần xây dựng, mang lại hiệu quả thiết thực. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để phiên chất vấn diễn ra thành công thì công tác chuẩn bị đòi hỏi kỹ lưỡng, chu đáo. Cùng với đó, vai trò của người trả lời và người đặt câu hỏi cũng có ý nghĩa quan trọng, muốn có được câu trả lời hay thì trước hết phải hỏi đúng, hỏi trúng với tinh thần xây dựng.
Tại buổi làm việc, báo cáo về công tác chuẩn bị phục vụ phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua rà soát, kiểm tra về mặt nội dung và các điều kiện bảo đảm, đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.
Về nội dung chất vấn, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chất vấn 2 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Thứ hai, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Về công tác chuẩn bị điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã chủ động, tăng cường phối hợp với cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật truyền hình trực tuyến và phối hợp tổ chức hội nghị với 62 điểm cầu địa phương, đảm bảo cơ sở vật chất, công tác bảo đảm an ninh, an toàn tại Nhà Quốc hội nhằm phục vụ tốt cho phiên chất vấn.
Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chất vấn không phải là sát hạch Bộ trưởng mà là cùng nhau làm rõ, thông suốt về nhận thức, cộng đồng trách nhiệm giải trình trước nhân dân và cử tri vì công việc chung. Với tinh thần đó, các phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay đều được tổ chức đạt chất lượng tốt, hiệu quả thiết thực, tinh thần xây dựng cao. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng phiên chất vấn lần này sẽ tiếp tục kế thừa tinh thần đó, duy trì và phát huy kết quả đã đạt được.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nhóm vấn đề nội dung chất vấn, quan tâm đến những vấn đề nổi lên hiện nay, một số vấn đề về nguyên tắc, nội quy phiên chất vấn để bảo đảm điều hành phiên chất vấn đúng trọng tâm và yêu cầu về mặt thời gian. Đề nghị các cơ quan của Quốc hội theo phạm vi lĩnh vực phụ trách để chủ trì và phối hợp trong việc dự thảo Nghị quyết chất vấn và các tài liệu liên quan.