Ông Lê Quốc Minh cho rằng điểm đầu vào cao không phải là yếu tố đánh giá chất lượng nguồn nhân lực báo chí. Thậm chí, những em tốt nghiệp điểm cao nhất trường cũng chưa chắc sẽ thành nhà báo giỏi.
Ông Lê Quốc Minh cho rằng, điểm tuyển sinh không là yếu tố đánh giá chất lượng nguồn nhân lực báo chí. |
Tại buổi làm việc mới đây của Đoàn Công tác Ban Tuyên giáo Trung ương với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), đánh giá về xu hướng báo chí trong tương lai, ông Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết báo chí của tương lai sẽ thay đổi rất nhiều, đòi hỏi những kỹ năng hoàn toàn khác so với những điều đang được dạy ở trường đại học.
Ông Minh nói: “Báo chí tương lai không chỉ đòi hỏi những người viết hay, chụp ảnh, quay hình đẹp mà người làm báo còn phải biết kết hợp giữa các yếu tố: báo chí, công nghệ, kỹ năng mềm – những điều hiện các trường báo chí chưa thực sự quan tâm. Do đó, việc đào tạo báo chí cũng cần phải thay đổi”.
Đồng thời, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, điểm tuyển sinh đầu vào không phải là yếu tố để đánh giá chất lượng của nguồn nhân lực báo chí. Thậm chí, những em tốt nghiệp ra trường có điểm tổng kết cao nhất cũng chưa chắc sẽ trở thành nhà báo giỏi trong tương lai.
“Báo chí giống như nghề thầy thuốc, cần những người phải thực hành nhiều, có trải nghiệm và có khả năng “ngửi” thấy tin”, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Minh cũng chỉ ra suy nghĩ sai lầm rằng những sinh viên tốt nghiệp báo chí, khi làm việc ở các tòa soạn báo sẽ có ưu thế hơn sinh viên các ngành khác. Song thực tế dù kỹ năng làm báo của sinh viên báo chí có thể tốt hơn, nhưng kiến thức chuyên sâu trong từng lĩnh vực lại không thể nắm chắc bằng những người từng học tập trong các lĩnh vực khác.
“Bồi dưỡng kỹ năng báo chí không khó, bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu trong các lĩnh vực mới là điều cơ quan báo chí đang rất cần. Ví dụ, một nhà báo viết về chứng khoán cần phải có những hiểu biết chuyên sâu về chứng khoán; nhà báo kinh tế cũng phải đọc báo cáo tài chính thông thạo”.
Vì những lý do ấy, theo ông Minh, sinh viên ra trường làm việc ở cơ quan báo chí hầu hết đều phải đào tạo lại 6 tháng để đảm bảo các kỹ năng phù hợp với quy định của tòa soạn. Chưa kể, nếu làm việc ở những cơ quan báo chí mang tính chất đặc thù, thuộc những lĩnh vực ngách sẽ đòi hỏi sự đào tạo đặc biệt hơn.
Trong khi đó, ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, lại cho rằng đối với chuyên ngành báo chí, không thể đòi hỏi một sinh viên ra trường phải ngay lập tức trở thành một nhà báo giỏi, có nền tảng chuyên sâu trong một lĩnh vực nào đó. Điều này cần phải trải qua quá trình đào tạo liên tục của cơ quan báo chí.
Ông Thanh đề cao sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhà trường và các cơ quan báo chí ngay từ năm thứ 2. Nhưng ông cũng thẳng thắn nhìn nhận thời gian thực hành của sinh viên báo chí hiện nay còn rất hạn chế.
Ông Tống Văn Thanh cho rằng: “Sinh viên báo chí đi thực tập còn mang tính hình thức rất cao. Số lượng bài viết của sinh viên được đăng trên báo chính thống trong khoảng thời gian này cũng rất ít”.
Một vấn đề khác trong quá trình làm việc với một số cơ sở đào tạo báo chí ông Thanh nhận thấy, nhiều giảng viên hoang mang sợ “báo chí thua mạng xã hội”. Nhưng theo ông Thanh, giá trị cốt lõi cuối cùng nhà báo đem đến không phải chạy đua với mạng xã hội để đưa tin nhanh mà là đưa tin chuẩn mực, xác thực, giàu tính đạo đức và nhân ái.
“Báo chí nếu xác định là cuộc đua với mạng xã hội sẽ không bao giờ thắng được. Báo chí chỉ có thể thắng mạng xã hội là giá trị chuẩn mực, tính xác thực của thông tin”.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho rằng, hoạt động báo chí cốt lõi là đưa ra các thông tin gốc, khách quan, trung thực, toàn diện về một sự việc nào đó. Trong khi truyền thông, mạng xã hội thiên về hướng khai thác các sản phẩm “thứ cấp” từ báo chí chứ không phục vụ theo sứ mệnh của báo chí cách mạng.
Đề cập đến công tác đào tạo báo chí, ông Phan Tâm cho rằng cần phải có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với thị trường lao động và vị trí việc làm. Các cơ sở phải nhận thức mình đang đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho cơ quan nào, có vị trí việc làm gì, những vị trí ấy cần yêu cầu gì về kiến thức, kỹ năng, trên cơ sở đó mới đào tạo cho đúng và trúng.
“Theo tôi làm báo cũng là làm nghề. Bản thân các trường phải xem mình đang đào tạo nghề. Hiện nay, các cơ sở đào tạo về báo chí cung cấp kiến thức hàn lâm nhiều hơn kỹ năng nghề. Do đó khi cơ cấu lại chương trình, tôi cho rằng cần tính toán đặt tỷ trọng cao hơn về mảng đào tạo kỹ năng”, ông Tâm nói.