Việc tăng giá KCB dù được đánh giá không ảnh hưởng nhiều đến người dân nhưng người bệnh mong muốn tăng viện phí đồng nghĩa với tăng chất lượng KCB, bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế cũng như quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Nhiều bệnh viện tăng giá khám, chữa bệnh
Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư 21/2024/TT-BYT quy định phương pháp định giá dịch vụ KCB và điều chỉnh giá KCB theo mức lương cơ sở quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP. Từ nay đến 31/12/2024, các cơ sở KCB phải triển khai phê duyệt giá KCB theo đúng thẩm quyền quy định của Luật KCB.
Bộ Y tế cho biết, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7, do đó, các cơ sở KCB đang điều chỉnh giá KCB theo mức này. Đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt giá KCB cho 25 BV theo mức lương cơ sở mới. Giá KCB chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.
Đến nay tại các BV: Bạch Mai, Đa khoa Nông nghiệp, Da liễu T.Ư, Huyết học và Truyền máu T.Ư, Bệnh nhiệt đới T.Ư, Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh)… Giá khám được điều chỉnh từ 42.100 đồng lên 50.600 đồng/lượt. Giường bệnh hồi sức cấp cứu tại BV hạng đặc biệt tăng từ 509.400 đồng lên 599.400 đồng/giường/ngày, giường loại 1 từ 273.100 đồng lên 327.100 đồng/lượt/ngày. Chi phí hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca, chỉ áp dụng với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở KCB) vẫn giữ nguyên 200.000 đồng/lượt.
Mặt khác, các BV cũng điều chỉnh hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật. Tại BV Bạch Mai điều chỉnh gần 10.000 giá dịch vụ kỹ thuật… Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư điều chỉnh hơn 1.000 danh mục kỹ thuật. Hay tại BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều chỉnh hơn 6.000 giá dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng phương pháp vô cảm gây tê chưa bao gồm chi phí thuốc. BV Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) điều chỉnh hơn 7.000 dịch vụ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới nổi bật mang lại lợi ích và thuận lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó, Luật đã quy định Bộ Y tế đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ KCB BHYT. Đây là cơ sở để ngành BHXH Việt Nam thực hiện công tác giám định BHYT…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa
Có thể thấy, khi chi phí KCB tăng theo lương cơ sở sẽ giúp các BV có nguồn thu chi. Về tác động với người dân, Bộ Y tế đánh giá mức điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá lần này, quỹ BHYT đủ khả năng cân đối. Điều này là do chênh lệch thu chi của quỹ BHYT hằng năm (lũy kế kết dư năm 2023), đồng thời số thu quỹ BHYT tăng do điều chỉnh mức lương cơ sở thường sớm hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB.
Với người tham gia BHYT, Bộ Y tế cho biết, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng. Các đối tượng phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5% (nghĩa là BHYT chi trả mức 80 – 95%), phần đồng chi trả tăng thêm không nhiều và có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở.
Người chưa có thẻ BHYT bị ảnh hưởng ra sao?
Trước việc chi phí KCB tăng theo lương cơ sở, nhiều người băn khoăn về chất lượng dịch vụ y tế; gánh nặng chi phí KCB lúc đau ốm sẽ nặng thêm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá dịch vụ KCB theo lương cơ sở ảnh hưởng nhiều đến người dân.
Các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện ít ảnh hưởng vì đa số bệnh nhân đều có BHYT. Nhưng đa số các bệnh nhân (nếu không quá nghèo) thường đến khám dịch vụ ở tuyến T.Ư, chi phí rất cao. Nếu dùng BHYT trái tuyến sẽ được giảm một phần nhưng có khi khám 2 ngày mới xong nên phải đội thêm chi phí ăn ở.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế Trần Thị Trang cho rằng, không có quốc gia nào là không có cơ chế chuyển tuyến. Nếu người bệnh nhẹ cứ tự đi KCB ở tuyến trên sẽ dẫn đến quá tải. Như vậy, nếu những người bệnh thông thường, bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đều vượt lên tuyến trên thì chính họ sẽ bị ảnh hưởng.
Thực trạng này sẽ vô tình làm giảm chất lượng điều trị do những nguy cơ tai biến, rủi ro cao hơn. Ngoài ra, bệnh nhẹ cũng lên tuyến trên thì người bệnh vừa mất thời gian vừa làm tăng chi phí xã hội, chi phí đi lại, làm tăng chi của quỹ BHYT.
Hiện nay, chất lượng dịch vụ là vấn đề sống còn của các BV. Do đó, các BV khẳng định, dù tăng giá hay không thì BV luôn cải tiến chất lượng dịch vụ KCB để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Theo các chuyên gia, việc tăng giá dịch vụ KCB theo lương cơ sở là động lực để tăng nhanh diện bao phủ BHYT toàn dân.
Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ y tế liệu có gia tăng số người tham gia BHYT hay không, phụ thuộc vào nỗ lực của cơ quan chức năng và người dân. Thực tế cho thấy, hiện tỷ lệ bao phủ BHYT ở nước ta đã trên 93%, nhóm còn lại chưa có thẻ BHYT (khoảng 7 – 8% dân số) chỉ ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ KCB. Do đó, Bộ Y tế khuyến khích người dân tích cực tham gia BHYT để hưởng nhiều quyền lợi khi KCB.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, việc điều chỉnh mức giá BHYT không phải là tăng chi phí riêng lẻ mà phụ thuộc vào sự điều chỉnh mức lương cơ sở. Hiện nay, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% nên dẫn đến mức đóng BHYT của hầu hết các nhóm đối tượng tăng theo. Đây cũng là cơ sở để Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Trước đó, nhiều BV cho rằng cần “tính đúng, tính đủ” cơ cấu giá dịch vụ KCB mới giúp BV có nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng BV. PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị KCB khoảng 6.000 – 8.000 lượt người bệnh, thậm chí hơn 8.000 lượt người bệnh.
Chi phí được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật KCB bao gồm 7 yếu tố. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các BV mới tính 4/7 cấu phần, các chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, sửa chữa lớn, khấu hao tài sản cố định, bảo trì duy tu tài sản và chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý chưa được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật KCB.
Tại BV Bạch Mai, giá dịch vụ y tế mới tính 4/7 yếu tố. Hầu hết các dịch vụ tại BV đang thu theo mức của BHYT xây dựng cách đây gần 20 năm nên đã lỗi thời. Ví dụ, với dịch vụ siêu âm hiện nay ở BV có giá 49.500 đồng, nhưng các cơ sở khác xây dựng cơ cấu giá tính đủ các yếu tố họ thu từ 200.000 – 300.000 đồng…
Điều này cho thấy, cùng với làm tốt công tác KCB thông thường, khi các BV công KCB theo yêu cầu tốt, một số bộ phận người dân không phải ra nước ngoài KCB, sẽ tiết kiệm được nguồn lực cho người dân, đất nước. Bộ Y tế cũng cho rằng, khi viện phí được tính đúng, tính đủ, BV sẽ có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB. Viện phí tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân.
Việc tăng giá dịch vụ KCB theo lương cơ sở về cơ bản có thể chấp nhận được. Với mức hưởng 80% và đồng chi trả 20% thì với giá giường khoảng 270.000 đồng, người bệnh chi trả 54.000 đồng; khi tăng lên 327.000 đồng, người dân sẽ phải chi trả hơn 65.000 đồng, tăng hơn 10.000 đồng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị. Mới đây, khi điều trị tại Bệnh viện K, người bệnh vẫn phải ra ngoài mua thuốc, vật tư dù nằm trong dịch vụ được BHYT chi trả. Do đó, điều quan trọng khi tăng chi phí đóng BHYT, tăng viện phí phải bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Chị Nguyễn Hương Giang (47 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/hang-nghin-dich-vu-y-te-tang-gia-chat-luong-kham-chua-benh-co-tang.html