Ngày 3/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trước khi thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo cáo đã liệt kê một số nội dung có một phương án và một số nội dung còn hai phương án để lựa chọn.
CÁC NỘI DUNG CÓ MỘT PHƯƠNG ÁN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về các nội dung có 1 phương án: về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78 và Điều 79), một số ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp thu hồi đất để làm ga, cảng, công trình thông tin an ninh. Tiếp thu các ý kiến dự thảo Luật bổ sung trường hợp này tại khoản 4 Điều 78.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp “thu hồi đất để thực hiện các dự án đã được xác định trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh mà được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư”. Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định này các dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 30 của Điều 79 nhưng nếu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện thu hồi đất.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định để dự phòng trường hợp thực sự cần thiết thu hồi đất phát sinh nhưng chưa có trong quy định của Luật. Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật bổ sung quy định về “thực hiện các dự án, công trình vì mục đích lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn”.
Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan (khoản 3 Điều 80 và khoản 5 Điều 87), một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định tại khoản 3 Điều 80 về “đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư” khả thi hơn trên thực tế. Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất là sau khi “người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5 Điều 87) nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Về các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm (khoản 2 Điều 121), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định theo hướng kinh doanh bất động sản như cho thuê văn phòng là trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất của sản phẩm kinh doanh gắn liền với quyền sử dụng đất và để bảo vệ quyền lợi của bên mua bất động sản thường là bên yếu thế về thông tin trong quan hệ mua bán sản phẩm bất động sản, nếu thuộc trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm thì trường hợp người bán không tiếp tục nộp tiền thuê sẽ gây rủi ro cho người mua. Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật bổ sung tương ứng tại điểm b khoản 1 Điều 121 về trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần.
Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 202), ngày 29/8/2023, Chính phủ có Báo cáo số 411/BC-CP gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 132/2020/QH14. Đến ngày 23/10/2023, dự thảo Luật kèm theo Báo cáo số 598/BC-CP bổ sung đối tượng “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” để phù hợp với thực tế một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh (QPAN) sau khi thực hiện thủ tục công nhận lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 03/2022/QH15 và Nghị định số 16/2023/NĐ-CP ngày 25/4/2023 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN thì không được công nhận lại là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ QPAN mà là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN trong khi thực tế đang quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
UBTVQH đề nghị Chính phủ làm rõ đối tượng này là “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” hay bao gồm cả doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn; cân nhắc việc mở rộng đối tượng áp dụng không phù hợp với nguyên tắc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 132/2020/QH14 có tính chất thí điểm với đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng giới hạn.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bảo đảm các mục tiêu quản lý nhà nước, không để xảy ra tình trạng thất thoát, sai phạm, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ QPAN, cơ quan có thẩm quyền phê quyệt có trách nhiệm bảo đảm chặt chẽ trong quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, các doanh nghiệp được phê duyệt phương án chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện các phương án sử dụng đất bảo đảm hiệu quả.
CÁC NỘI DUNG CÒN HAI PHƯƠNG ÁN
Về các nội dung còn 2 phương án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (khoản 5 Điều 4, điểm e khoản 1 Điều 28, điểm đ khoản 1 Điều 37, Điều 44, khoản 1 Điều 181, khoản 4 Điều 184, khoản 1 Điều 188), một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước); giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam). Dự thảo Luật thiết kế 02 phương án.
Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Phương án 2: Giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này. Do Nghị quyết số 18-NQ/TW không đề cập nội dung về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 34), một số ý kiến nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đề nghị khi mở rộng đối tượng ĐVSNCL được tiếp cận về thuê đất thì phải khống chế các quyền của ĐVSNCL: không được bán, không được thế chấp và các hoạt động hợp tác kinh doanh không kéo dài để bảo đảm quỹ đất của Nhà nước. Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật đã loại trừ quyền của ĐVSNCL đối với việc bán, góp vốn bằng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Đối với tài sản gắn liền với đất, có 2 phương án.
Phương án 1: ĐVSNCL khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Mặc dù là tài sản do ĐVSNCL tạo lập, nhưng do pháp luật dân sự quy định việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ nên Phương án này giúp bảo toàn đất có nguồn gốc là đất do Nhà nước giao cho ĐVSNCL sử dụng (nay chuyển sang hình thức thuê đất).
Phương án 2: ĐVSNCL khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện.
Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương V): Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp (khoản 9 Điều 60) có 03 phương án.
Phương án 1: Cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện hết đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Phương án 2: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.
Phương án 3: Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập, quyết định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện (Điều 65 và Điều 66) có 2 phương án.
Phương án 1: Các địa phương xác định chỉ tiêu các loại đất tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và chỉ tiêu các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh; xác định chỉ tiêu các loại đất tại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã.
Phương án 2: Quy định tại Luật những loại đất cần xác định chỉ tiêu tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án.
Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện (Điều 76) có 2 phương án
Phương án 1: Bổ sung khoản 9 quy định về “Chính phủ ban hành nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện”; khẳng định nguyên tắc khoa học, hợp lý trong phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất các cấp, tránh tùy tiện trong quá trình tổ chức thực hiện.
Phương án 2: Giữ quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, không quy định về nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện, tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án.
Về thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79, điểm b khoản 1 Điều 126, điểm a khoản 1 Điều 127, khoản 1 và khoản 6 Điều 128), một số ý kiến đề nghị quy định rõ dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là một trong các trường hợp thu hồi đất; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định các dự án loại này thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; còn lại là các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất. Dự thảo Luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tương ứng tại khoản 27 Điều 79, khoản 1 Điều 126 và khoản 1 Điều 127. Theo đó, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.
Phương án 2: Tiếp thu các ý kiến theo hướng quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Về phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất (Chương VIII): Về dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập (Điều 113) có 2 phương án:
Phương án 1: Bỏ Điều quy định về dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập do không rõ nội hàm “dự án tạo quỹ đất”. Tổ chức phát triển quỹ đất chỉ thực hiện việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; giao, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn đối với đất thuộc quỹ đất chưa giao, cho thuê… (khoản 2 Điều 116) theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (khoản 2 Điều 114).
Phương án 2: Giữ Điều quy định về dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập và giao TCPTQĐ là chủ đầu tư thực hiện các dự án quy định tại Điều này. Theo đó, vai trò của TCPTQĐ là “nhà đầu tư công” thực hiện dự án tạo quỹ đất được đặc biệt nhấn mạnh. Thông qua TCPTQĐ, Nhà nước trở thành nhà tạo lập và định hình, dẫn dắt thị trường đất sơ cấp để có thể bố trí ngay cho các dự án đầu tư.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về Quỹ phát triển đất (Điều 115) có 2 phương án.
Phương án 1: Bỏ Điều này. Nghiên cứu theo hướng ghép chức năng, nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất trong dự thảo Luật vào TCPTQĐ. Quỹ phát triển đất chỉ là trung gian tiếp nhận nguồn lực từ NSNN phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo lập quỹ đất của TCPTQĐ. Dự thảo Luật đang quy định Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính ngoài ngân sách có nhiều nội dung khác so với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2014 của UBTVQH về “một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước”. Việc dự thảo Luật dự kiến sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước sẽ tạo tiền lệ làm sai lệch nguyên tắc quản lý của ngân sách nhà nước đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Phương án 2: Giữ Điều này.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án.
Về Tổ chức phát triển quỹ đất (Điều 116), dự thảo Luật thiết kế 02 phương án:
Phương án 1:
Quy định tại Luật về chức năng của TCPTQĐ. Tiếp tục rà soát các chức năng, hướng chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn về nguyên tắc, cơ chế thực hiện các chức năng cụ thể. Nghiên cứu bỏ quy định về chức năng “thực hiện các dự án tạo quỹ đất” như Phương án 1 tại Điều 113. Dự thảo Luật đang đưa ra 2 phương án về chức năng thực hiện dự án tạo quỹ đất tương ứng với 2 phương án tại Điều 113.
Phương án 2: Quy định chung về vị trí, vai trò của TCPTQĐ tại Luật, bổ sung quy định làm rõ về phạm vi, mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Tổ chức phát triển quỹ đất, mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương và Tổ chức phát triển quỹ đất trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; giao Chính phủ quy định về chức năng, tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, hoạt động, cơ chế thực hiện các chức năng, cơ chế tài chính của TCPTQĐ. Hiện nay, Chính phủ chưa có Đề án về kiện toàn mô hình hoạt động của TCPTQĐ, chưa đủ điều kiện để quy định cụ thể tại Luật.
Đối với cả 2 phương án, Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện quy định này, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, đang có quyền sử dụng đất (khoản 1 và khoản 6 Điều 128): Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế – xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (riêng dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng thêm điều kiện về loại đất) (điểm b khoản 1 Điều 128) có 2 phương án.
Phương án 1: Sửa đổi theo hướng ưu tiên thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) thuộc trường hợp thu hồi đất. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.
Phương án 2: Không quy định về ưu tiên thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư tư (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) thuộc trường hợp thu hồi đất.
Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và đang có quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế – xã hội (riêng dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng thêm điều kiện về loại đất) (khoản 6 Điều 128) có 2 phương án.
Phương án 1: giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5: “Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội.”.
Phương án 2: sửa đổi theo hướng ưu tiên người đang có quyền sử dụng đất: “Người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất có đề xuất dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được sử dụng đất để thực hiện dự án mà Nhà nước không thực hiện thu hồi đất theo quy định tại Điều 79 của Luật này.”.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 2.
Về thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại có 2 phương án.
Phương án 1: Giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như Luật Nhà ở hiện hành: chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.
Phương án 2: Đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền (Điều 139), dự thảo Luật thiết kế 02 phương án tại khoản 3 Điều 139 như sau:
Phương án 1: Đề nghị quy định thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014.
Phương án 2: Đề nghị chỉnh sửa thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm (khoản 3 Điều 154) có 2 phương án.
Phương án 1: Giao Chính phủ quy định tỷ lệ điều chỉnh trong trường hợp tiền thuê đất trả tiền hằng năm tăng so với chu kỳ trước, tuy nhiên tỷ lệ điều chỉnh không quá tổng chỉ số CPI của giai đoạn 5 năm trước đó.
Phương án 2: Giao Chính phủ quy định tỷ lệ điều chỉnh trong trường hợp tiền thuê đất trả tiền hằng năm tăng so với chu kỳ trước.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159) có 2 phương án.
Phương án 1: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.
Phương án 2: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.
Nội dung các Phương án tại dự thảo Luật do Chính phủ đề xuất tại dự thảo Luật kèm theo Báo cáo số 598/BC-CP và dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về giá đất.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 2.
Về hoạt động lấn biển (Điều 191), về giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung về việc nhà đầu tư có dự án đầu tư có hoạt động lấn biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì được giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển cùng với giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Về các nội dung khác, dự thảo Luật thiết kế 2 phương án tại khoản 6 Điều 191.
Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể về dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, chi phí lấn biển… Hoạt động lấn biển không chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai mà còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan, vì vậy, cần có quy định mang tính đồng bộ. Phương án này chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai và giao Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Phương án 2: Chỉnh sửa, quy định về giao đất, cho thuê đất chỉ đối với phần đất phục vụ trực tiếp cho hoạt động lấn biển gắn với nguyên tắc giao đất đồng thời giao khu vực biển.
Phương án này đã bước đầu làm rõ một số dự án đầu tư có hoạt động lấn biển. Tuy nhiên, đối với dự án đầu tư có hoạt động lấn biển do nhà đầu tư thực hiện bằng vốn của nhà đầu tư, Phương án này vẫn chưa làm rõ được trường hợp dự án đầu tư có cả phần đất liền không phục vụ cho hoạt động lấn biển thì nếu chỉ căn cứ vào tính chất “có hoạt động lấn biển” là đã xác định thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đã bảo đảm hợp lý chưa. Việc quy định tất cả các nội dung này tại Luật Đất đai chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 3 Điều 202), Dự thảo Luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1: Quy định theo hướng không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.
Phương án 2: Quy định theo hướng cho phép quyền được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công (Điều 261) có 02 loại ý kiến:
Phương án 1: Bỏ quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Nghị quyết số 18-NQ/TW đã có chủ trương “Tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước”. Việc quy định tại Luật thêm nội dung về tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư chưa phù hợp với định hướng nêu trên tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Phương án 2: Giữ quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Về giải quyết trong trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính (Điều 14, Điều 49, Điều 254) có 02 phương án như sau:
Phương án 1: Đề nghị quy định theo hướng không quy định chung về mọi trường hợp giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quyết định trong trường hợp việc giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính dẫn đến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Theo đó, bỏ nội dung về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giải quyết sự chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh tại khoản 1 Điều 14, khoản 4 và khoản 5 Điều 49 dự thảo Luật và bổ sung nội dung sửa đổi tương ứng Điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại dự thảo Luật.
Phương án 2: Giữ quy định như dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 5.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28) có 2 phương án.
Phương án 1: Không bổ sung quy định này. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trường hợp thu hồi đất đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trường đầu tư theo quy định của pháp luật tại khoản 31 Điều 79 như đã báo cáo tại Mục I.1. Vì vậy, đã cơ bản giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn như Báo cáo số 598/BC-CP đã nêu.
Phương án 2: Bổ sung quy định này như ý kiến của Chính phủ.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản dự thảo Luật thiết kế 02 phương án:
Phương án 1:
Bổ sung quy định tại Điều 118 (giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác) về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì không thu hồi đất mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (khoản 6 Điều 125); bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 120 về trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng dất cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; bổ sung quy định tại điểm a khoản 3 Điều 156 về không áp dụng quy định thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp này và giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng được tiếp tục kế thừa nghĩa vụ tài chính về đất của bên chuyển nhượng.
Phương án 2: giữ quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, UBTVQH nhận thấy, thời gian qua, UBTVQH và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.
Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng. Về quy định chuyển tiếp, sửa đổi, bổ sung một số Điều của các luật có liên quan, các nội dung đang được quy định tại Chương XVI dự thảo Luật do Chính phủ trình đã được rà soát, chỉnh lý; tuy nhiên, chưa có điều kiện rà soát kỹ lưỡng các trường hợp cần có quy định chuyển tiếp cũng như nội dung khác của các luật có liên quan. Quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật sẽ cần nhiều thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật.
Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), UBTVQH sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.