NGÀNH PHÁT TRIỂN “NÓNG”, CÓ TIẾN SĨ LÀ MUỐN TUYỂN NGAY !
Những năm gần đây, nhu cầu nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) được cho là luôn ở tình trạng “nóng”. Để đáp ứng nhu cầu này và để phát triển những ngành học xu hướng, các trường ĐH, CĐ đồng loạt mở ngành thuộc lĩnh vực CNTT, trong đó có những ngành và chuyên ngành như CNTT, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ phần mềm, lập trình, big data…
Ông Khúc Trung Kiên, nguyên Giám đốc chương trình đào tạo lập trình viên Fast Track SE, nhận định ở các ngành học này, những người như Bill Gates hay Steve Jobs đều không có bằng cấp, nhưng lại có kiến thức thực tế và chuyên môn tuyệt vời, hoàn toàn có thể dạy sinh viên (SV). “Tuy nhiên, một người sử dụng bằng giả thì không có tư cách để giảng dạy SV dù ở bất cứ học phần nào, lý thuyết hay thực hành, kiến thức hàn lâm hay thực tế…”, ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, với sự phát triển nóng của lĩnh vực CNTT, các trường tuyển sinh ồ ạt với số lượng SV lớn, điều đó tất yếu dẫn tới lỗ hổng trong tuyển dụng giảng viên, khi mà yêu cầu của Bộ GD-ĐT là muốn mở ngành, muốn xác định chỉ tiêu phải có đủ số lượng tiến sĩ, thạc sĩ theo quy định.
“Yêu cầu phải đáp ứng về tỷ lệ giảng viên/SV, trong khi thực tế tiến sĩ trong lĩnh vực này rất hiếm… có thể là nguyên nhân dẫn đến tình huống làm giả bằng cấp để đi dạy. Trường thì có nhu cầu tuyển thạc sĩ, tiến sĩ để đáp ứng đúng quy định, người làm giả thì có nhu cầu đi dạy… Hai bên gặp nhau, người chịu thiệt chính là SV”, ông Khúc Trung Kiên nhận định.
Một tiến sĩ từng làm 3 nhiệm kỳ trưởng khoa công nghệ thông tin tại 2 trường ĐH ở TP.HCM thừa nhận: “Hiện nay thạc sĩ CNTT thì có nhiều nhưng họ thích làm việc ở doanh nghiệp hơn, tiến sĩ CNTT thì rất hiếm. Tiến sĩ CNTT làm việc tại doanh nghiệp lương 50-60 triệu đồng/tháng còn làm giảng viên hay quản lý khoa ở trường ĐH chỉ 15-30 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, các trường ĐH rất cần đội ngũ này để có thể mở ngành hoặc tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Vì thế chỉ cần có tiến sĩ nộp hồ sơ là một số trường muốn tuyển ngay”.
Tuy nhiên theo vị tiến sĩ này, không phải toàn bộ các trường ĐH đều dễ dàng tuyển tiến sĩ, thạc sĩ. Nhiều trường, nhất là trường công lập, quy trình tuyển dụng và đánh giá chất lượng giảng viên trước khi tuyển chính thức rất chặt chẽ.
ĐANG THẢ NỔI CHẤT LƯỢNG?
Một cán bộ đang làm việc tại Khoa CNTT, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng một người không có bằng tiến sĩ, thạc sĩ như ông Nguyễn Trường Hải, nếu có kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, vẫn có thể hướng dẫn cho SV. “Nhưng chỉ dừng ở mức độ chia sẻ kinh nghiệm ngoài doanh nghiệp để mở rộng thêm, làm rõ thêm những ý được trao đổi về mặt lý thuyết nền tảng. Những chia sẻ đó chỉ được xem là làm phong phú thêm bài giảng. Sợ nhất là nếu chưa được đào tạo bài bản mà đứng lớp, dạy có chỗ đúng và nhiều chỗ chưa đúng thì rất nguy hiểm đến chất lượng đào tạo”, vị cán bộ này chia sẻ.
Vị cán bộ này cho rằng người sử dụng bằng giả có lỗi, nhưng để lọt vào đội ngũ giảng viên một thạc sĩ hay tiến sĩ giả là hệ lụy của một quá trình thả nổi chất lượng. “Điều đó cho thấy có vẻ một số cơ sở đào tạo đang tập trung vào việc tăng nguồn tuyển mà không chú ý đến đội ngũ, nguồn lực chuyên môn. Quá trình đảm bảo, kiểm soát chất lượng đào tạo chưa được chú trọng”, vị cán bộ nhìn nhận thêm.
Việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu, theo vị cán bộ này, đã thiếu chặt chẽ như vậy, thì việc mời giảng viên thỉnh giảng còn lỏng lẻo hơn rất nhiều. “Những ngành đông SV, cần giảng viên thỉnh giảng, hầu như các trường không kiểm tra bằng cấp hay chất lượng ra sao, chỉ cần thấy vị đó từng dạy ở trường nào đó, đang làm ở doanh nghiệp nào đó, hoặc quen biết ai đó, là có thể nhận vào thỉnh giảng. Việc mời giảng viên hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cũng vậy. Hiện nay có khoa 100% SV làm đồ án tốt nghiệp nên không đủ giảng viên hướng dẫn, phải mời thêm bên ngoài để đúng với quy trình”, vị này chia sẻ.
Trong khi đó, GS-TS Lê Bảo Long, Viện Nghiên cứu quốc gia, ĐH Quebec (Canada), cho biết tại Canada việc tuyển dụng giảng viên ở bất cứ ngành nào cũng vô cùng chặt chẽ. “Tiến sĩ vào trường phải đưa bản chính bằng cấp cho trường kiểm tra, là tiến sĩ có giáo sư hướng dẫn, có công bố khoa học. Tất cả đều kiểm tra xem có đúng như hồ sơ đã khai không. Ngoài ra, phải có thư giới thiệu từ ít nhất 3 giáo sư có tên tuổi. Các giáo sư viết thư sẽ nói trong thư họ quen biết và đánh giá ứng viên này ra sao, các công trình giá trị thế nào…”, ông Long thông tin.
GS-TS Long cho rằng do một số trường ở VN cần đủ giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ để tuyển sinh, không quan tâm chất lượng nên mới xảy ra vụ việc “tiến sĩ giả” Nguyễn Trường Hải.
GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nêu vấn đề: “Đây chính là một tiếng chuông cảnh tỉnh về việc tuyển dụng giảng viên và xem xét lại chất lượng đào tạo tại các trường hiện nay. Rõ ràng việc quản lý giảng viên của một số trường đang rất lỏng lẻo, đặc biệt ở những ngành “hot” có nhiều trường mở ngành dẫn đến thiếu đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ. Tuyển dụng mà không kiểm tra bằng cấp hay thẩm định trình độ giảng dạy thực tế có đáp ứng được yêu cầu hay không, có thể sẽ để lại hậu quả khó khắc phục”.
Theo đó, GS-TS Kiếm đề xuất Bộ GD-ĐT phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ đội ngũ giảng viên cơ hữu tại các trường. Trường hợp nào bằng tiến sĩ, thạc sĩ giả, trường hợp nào “mua” bằng, mượn bằng, trường hợp nào là bằng cấp nước ngoài tại các trường ở Mỹ, Philippines… nhưng chưa được công nhận tại VN. “Nếu kiểm tra thì chắc chắn sẽ ra rất nhiều vấn đề”, GS-TS Hoàng Văn Kiếm nhận định.
Đứng tên chung bài báo khoa học với nhiều người có tiếng ?
Khi nộp lý lịch khoa học và hồ sơ làm giảng viên cho các trường, ông Nguyễn Trường Hải khai nghiên cứu hàng loạt đề tài, dự án. Về các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, ông Hải nêu 4 bài. Đặc biệt là các bài báo này đều đứng tên chung với nhiều người, trong đó có những người tên tuổi: PGS-TS Dương Anh Đức, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nay là Phó chủ tịch UBND TP.HCM; PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM; GS-TS Hoàng Văn Kiếm, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT (ĐH Quốc gia TP.HCM)…
GS-TS Hoàng Văn Kiếm, người được ông Hải nêu tên trong bài báo chung (Efficient large-scale multi-class image classification by learning balanced trees. Computer vision and image understanding, 156, 151-161), xác nhận: “Đây quả là một “siêu lừa đảo” hồ sơ. Tôi khẳng định tôi không đứng chung bất cứ bài báo nào với ông Nguyễn Trường Hải”.
Tương tự, PGS-TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học và công nghệ ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định: “Từ thông tin công trình nghiên cứu được cung cấp trong lý lịch khoa học của ông Nguyễn Trường Hải, chúng tôi đã rà soát và khẳng định không có tên người này trong bất kỳ đề tài nào của ĐH Quốc gia TP.HCM”.
Hà Ánh – Mỹ Quyên
Đề xuất hướng khắc phục hậu quả
Đến thời điểm này, ông Nguyễn Trường Hải đã dùng bằng thạc sĩ và tiến sĩ giả để nộp hồ sơ vào hơn chục trường ĐH. Trong đó, ông Hải đã trở thành giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; giảng viên thỉnh giảng của các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM (ký hợp đồng thử việc), ĐH Công nghệ Sài Gòn (chỉ hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp), CĐ FPT Polytechnic…; thử việc ở vị trí phó khoa CNTT Trường ĐH Văn Hiến, được bổ nhiệm là trưởng khoa CNTT Trường CĐ Công thương VN…
“Các trường nhận ông Nguyễn Trường Hải làm giảng viên, theo tôi là phải xử lý khắc phục hậu quả. Một người dùng bằng giả về mặt lý thuyết thì tất cả kết quả môn học, học phần, khóa luận tốt nghiệp… do người này giảng dạy và hướng dẫn đều phải xem xét lại. Với sinh viên đã theo học các môn học do ông Hải dạy và cho điểm thì cần xem xét kỹ, có thể phải phụ đạo, kiểm tra lại nếu cần thiết, nhất là các môn quan trọng. Còn đồ án tốt nghiệp thì hội đồng đánh giá có thể công nhận hoặc mời thêm 1, 2 giảng viên độc lập đánh giá thêm cho khách quan”, GS-TSKH Hoàng Văn Kiếm đề xuất.