Chat GPT trở thành xu thế tìm kiếm và bàn luận nhiều trên các diễn đàn, trong đó nhiều ý kiến cho rằng nó sẽ làm thay đổi thế giới trong đó có giáo dục.
Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức một cuộc hội thảo tác động ảnh hưởng của nó đối với giáo dục.
Nhiều chuyên gia đều lạc quan cho rằng trí tuệ nhân tạo trong đó có chat GPT sẽ hỗ trợ rất nhiều đối với giáo dục thậm chí tạo ra một cuộc cách mạng mới trong giáo dục mà Việt Nam cần nhìn nhận và tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng công nghệ này.
Trước sự quan tâm của dư luận về chủ đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền, thành viên Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế International Journal of Training Research, London; thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA); thành viên Liên đoàn giáo dục độc lập Australia.
Theo ông Nguyễn Sóng Hiền, Chat GPT là viết tắt của cụm từ Chat Generative Pre-trained Transformer. Hiểu một cách đơn giản là một công cụ hỏi đáp tự động.
Công cụ này được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ rộng – Large Language Model (LLM). Nó có thể thực hiện các nhiệm vụ tạo ra các nội dung ngôn ngữ với độ chính xác cao. Các nhiệm vụ về ngôn ngữ mà nó có thể làm tốt như: Cung cấp các đáp án cho các câu hỏi; Làm một bài văn hoặc đoạn văn; Viết các nội dung hư cấu hoặc thực tế từ những gợi ý; viết code; dịch nội dung văn bản sang ngôn ngữ khác; Tóm tắt hay phân loại nội dung văn bản; phân tích văn bản; làm các phép tính ….
“Như vậy có thể thấy dù Chat GPT có nhiều tính năng ưu việt nhưng nó chỉ có thể làm được một số công việc nhất định mà thôi.
Tuy nhiên, ở góc độ giáo dục tôi cho rằng công cụ này bên cạnh một số tác động tiêu cực khi một số sinh viên sử dụng nó sai mục đích trong việc học của mình như làm bài hộ thì công cụ này nếu khai thác và sử dụng nó một cách tích cực sẽ giúp rất nhiều trong việc đổi mới cách dạy và học hiện nay” – chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền bình luận.
Theo ông Nguyễn Sóng Hiền, công cụ Chat GPT đặt ra một thách thức mới trước hết đối với đội ngũ giáo viên và giảng viên. Nó sẽ đào thải những cá nhân thụ động, ngại đổi mới và thiếu sáng tạo. Đặc biệt là những người dạy theo lối truyền thống truyền thụ kiến thức một chiều.
“Khi mà mọi vấn đề người học thắc mắc người dạy không chịu tìm tòi và kiến tạo tri thức mới để đưa ra những giải đáp chi tiết hơn, chính xác hơn thì chắc chắn công cụ này sẽ thay thế người dạy.
Công cụ này cũng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới đối với giáo dục đại học khi mà nhiều trường đại học sẽ tận dụng tính ưu việt của công cụ này để giảng dạy những môn học không cần đến giảng viên.
Những môn chỉ đòi hỏi ghi nhớ và đọc chép. Nó cũng giúp để kiểm tra đạo văn của sinh viên hay thúc đẩy phát triển tư duy phản biện của người học” – chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền dự đoán.
Trước việc dư luận cho rằng nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn sẽ chịu tác động tiêu cực của chat GPT cũng như trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Sóng Hiền lại có nhìn nhận khác.
Theo đó, chuyên gia này cho rằng, sự ra đời của công cụ này tác động đến không chỉ lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, marketing..
Mục đích ra đời của công cụ trí tuệ nhân tạo này hướng tới để thay con người trong những lĩnh vực mà nó có thể làm tốt hơn, hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, những ngành và lĩnh vực đòi hỏi những trải nghiệm thực tế thì công cụ này có ưu việt đến bao nhiêu cũng khó có thể thay thế con người như phóng viên chẳng hạn.
Cuối cùng ông cho rằng, thế giới đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt nhờ những phát minh vĩ đại của khoa học công nghệ đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo- Artificial Intelligence (AI).
Nó tác động tới mọi lĩnh vực và giáo dục không ngoại lệ. Khi các trường hướng tới tự chủ xu thế tất yếu việc ứng dụng các cụ như Chat GPT là một lựa chọn tất yếu nhằm giảm gánh nặng cho chi trả lương giảng viên và thậm chí nhiều bộ phận khác.
Nó cũng giúp đào thải dần những thợ dạy ngại đối mới, thiếu sáng tạo, trì trệ và bảo thủ .